Kéo học trò từ điện thoại, ti vi trở về với những trang sách

31/10/2021 06:43
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Những lời khuyên, những định hướng cho các con như những lời tâm tình, gửi gắm của một người chị, một người bạn khiến chúng nghe lời mà không cảm thấy bị bắt ép.

“Tôi ước mơ trở thành cô giáo từ khi còn rất nhỏ, và ước mơ ấy cứ lớn dần lên theo năm tháng. Đã có những lúc, tôi tưởng rằng ước mơ ấy chẳng bao giờ thành sự thật vì có những biến cố rất buồn xảy ra trong cuộc đời, nhưng khát khao trở thành cô giáo vẫn luôn mãnh liệt.

Còn nhớ tôi đã phải gác lại ước mơ trở thành sinh viên sư phạm, phải đi làm thêm nhưng vẫn tranh thủ ôn luyện và đọc rất nhiều sách. May mắn mỉm cười khi một năm sau đó tôi trở thành sinh viên trường Cao đẳng sư phạm. Năm học cuối, tôi được kết nạp Đảng, một phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng không mệt mỏi.

Nhưng không vì thế mà bằng lòng với những gì đã đạt được, tôi luôn cố gắng trong học tập để hoàn thành khóa học với một kết quả tốt nhất, tự nhủ bản thân cần cố gắng trau dồi hơn nữa để sau này ra trường có thể tự tin, vững vàng khi đứng trên bục giảng”, cô Phạm Thị Hệ Ngân - Giáo viên dạy lớp 5 Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Phạm Thị Hệ Ngân - Giáo viên dạy lớp 5 Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tham gia dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021. Ảnh: NVCC.

Cô Phạm Thị Hệ Ngân - Giáo viên dạy lớp 5 Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tham gia dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021. Ảnh: NVCC.

Theo cô Ngân: “Ngày đầu tiên nhận công tác tại trường tiểu học Thanh Xuân Trung, tôi biết từ đây phải cố gắng, phải hoàn thiện bản thân hơn để làm tròn trách nhiệm “trồng người”. Tâm sinh lý của các em học sinh lớp lớn cũng khác nhiều so với các em học sinh lớp bé, có những khi tôi cảm thấy bất lực bởi những trò nghịch ngợm của học sinh. Đôi khi cũng rơi nước mắt vì cảm thấy điều mình muốn mà chưa thể làm được. Qua những tình huống như vậy, tôi đã thay đổi suy nghĩ, thay đổi tư duy, thay đổi cả cách dạy cũng như cách tiếp cận học sinh của mình.

Tôi dành nhiều thời gian hơn trò chuyện để hiểu hơn hoàn cảnh của từng con, để chia sẻ, gợi mở những suy nghĩ, những tâm tư của tuổi mới lớn để các con coi tôi như một người chị, một người bạn. Những lời khuyên, những định hướng cho các con như những lời tâm tình, những lời gửi gắm của một người chị, một người bạn khiến chúng nghe lời mà không cảm thấy bị bắt ép.

Tôi luôn mang vào mỗi tiết dạy của mình những kiến thức gần gũi với các con. Trong mỗi tiết học Văn, học sinh được nêu những cảm nghĩ, những hiểu biết về cái hay cái đẹp của văn thơ. Rồi những tiết kể chuyện, học sinh được kể lại cho nhau nghe về những nhân vật lịch sử của dân tộc, hay những tấm gương sáng trong cuộc sống cần noi theo. Các con luôn được đóng vai thể hiện tình huống trong các tiết kể chuyện, tập làm văn hay đạo đức.

Học sinh tự tin hơn khi được tự mình được làm MC cho các chương trình của lớp, hoạt động ngoài giờ, hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt lớp, sinh nhật hay là các hoạt động theo chủ điểm của từng tháng. Đó là những tiếng cười giòn giã, hay những tiếng reo hò cổ vũ nhau khi cô trò cùng tham gia đá cầu, đánh cầu lông hay kéo co. Nhìn những ánh mắt rạng rỡ, những nụ cười hồn nhiên là tôi biết giữa cô trò chúng tôi đã không còn khoảng cách.

Trong suốt 11 năm đứng trên bục giảng có rất nhiều kỉ niệm với học sinh của mình. Nhớ những lần đưa một học sinh về tận nhà gặp bố mẹ để trao đổi vì giáo viên mời mãi mà bố mẹ không đến gặp. Cũng có những lần, tôi cho học sinh điểm kém vì làm bài chưa tốt, cứ nghĩ rằng học sinh sẽ không yêu cô. Vậy mà đã bao năm trôi qua, mỗi dịp lễ chúng vẫn rủ nhau về thăm, rồi vô tư và thoải mái tâm sự với tôi từ chuyện học hành, thi cử, chuyện gia đình, chuyện tình cảm…

Tôi thấy ấm áp trong lòng khi chứng kiến được sự trưởng thành của những cô cậu học sinh của tôi ngày nào. Mỗi khi gặp những khó khăn trong công việc, tôi lại lấy học sinh làm động lực cho mình để cố gắng. Tôi thầm cảm ơn những học sinh của tôi đã cho tôi niềm tin, cho tôi động lực để tiếp tục sự nghiệp cao cả này”.

Với tôi kiến thức không phải lúc nào cũng có ngay được mà còn cần phải tích lũy qua việc đọc sách. Ảnh: NVCC.
Với tôi kiến thức không phải lúc nào cũng có ngay được mà còn cần phải tích lũy qua việc đọc sách. Ảnh: NVCC.

Trăn trở đổi mới sáng tạo

Cô Ngân cho biết: “Mỗi ngày đến trường, tôi luôn tự nhủ phải mang tới cho các con những bài học thật hay và bổ ích, luôn đổi mới cách tiếp cận, cũng như các hình thức tổ chức dạy học để tạo hứng thú cho học sinh, và cũng để các con có cơ hội phát huy hết năng lực của mình.

Những điều tôi làm đã phần nào mang lại hiệu quả khi kết quả học tập của học sinh ngày một được tốt lên. Nhưng trên hết, điều làm tôi tâm đắc nhất chính là ý tưởng “Gieo mầm từ những trang sách” bằng việc đã xây dựng được một giá sách riêng tại lớp, xây dựng cho học sinh của lớp mình thói quen đọc sách.

Giữa thời công nghệ 4.0, học sinh dần thờ ơ với việc đọc sách, các con bị “bủa vây” bởi những thiết bị điện tử điện tử hấp dẫn hơn. Chính vì vậy tôi luôn trăn trở làm thế nào để văn hóa đọc không bị mai một. Từ khát khao ấy, tôi đã quyết tâm xây dựng cho học sinh của mình giá sách nhỏ đặt ngay trong lớp học, để bất cứ lúc nào cũng có thể “mời gọi” các em đến với sách.

Tất nhiên, tôi biết, đây là việc không dễ dàng nhưng không vì thế mà tôi nản lòng, trái lại tôi càng quyết tâm biến những điều mình ấp ủ bấy lâu thành hiện thực. Thư viện của nhà trường có rất nhiều sách nhưng với số học sinh toàn trường rất đông. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học 2020 - 2021 tôi đã xây dựng giá sách nhỏ cho lớp 5A3 cùng niềm tin sẽ được các trò đón nhận.

Giá sách nhỏ của lớp ban đầu là một giá gỗ nhỏ chứa những cuốn sách, truyện… phù hợp với độ tuổi thiếu niên, nhi đồng tôi mang từ tủ sách nhà mình đến. Sự xuất hiện của giá sách khiến đám học trò không khỏi lạ lẫm, tò mò, dò xét. Tôi đã nói với học trò của mình rằng: Những cuốn sách này dành cho các con, lúc nào rảnh các con hãy khám phá chúng. Nếu như trong những buổi đầu có vài ba đứa rụt rè, ngó ngó, nghiêng nghiêng tìm sách, thì đến giờ ra chơi sau cả đám đã ùa đến, nhiều lúc chúng còn tranh cãi vì một cuốn sách có nhiều bạn cùng muốn đọc.

Thấy học trò bắt đầu quan tâm đến sách, tôi rất vui để rồi thầm “tính kế” làm thế nào có nhiều nguồn sách cho học sinh được thỏa thích khám phá. Đấy là những cuốn sách, cuốn truyện cũ ở thư viện của trường được gom góp, những cuốn sách được các con học sinh, các phụ huynh hay tin lớp có giá sách liền chung tay gửi đến… Nhờ đó, giá sách của lớp tôi ngày càng phong phú không chỉ về số lượng sách mà còn phong phú về các thể loại sách phù hợp với lứa tuổi”.

Cô Ngân nói: “Để “xử lý” những cuộc tranh cãi không hồi kết vì một cuốn sách có nhiều người muốn đọc, tôi đã “bổ nhiệm” thêm một học sinh làm thủ thư chuyên quản lý giá sách. Mỗi một học sinh được phát một thẻ mượn sách, khi mượn sẽ phải xuất trình thẻ và ghi vào sổ của lớp. Thế là, việc mượn và trả sách dần được đám học trò thực hiện một cách có trật tự, quy củ hơn. Riêng bạn nào được bổ nhiệm làm thủ thư thì lấy làm hãnh diện lắm.

Với tôi kiến thức không phải lúc nào cũng có ngay được mà còn cần phải tích lũy qua việc đọc sách. Giờ đây, ngoài các tiết học, tôi thường thấy nhất chính là hình ảnh học sinh của mình ngồi chăm chú đọc sách, hoặc túm năm tụm ba ở một góc đọc sách cho nhau nghe rồi cùng cười khúc khích hay tranh luận sôi nổi.

Đôi khi chúng lại mang những thắc mắc chưa giải đáp được lên hỏi cô: Cô ơi! Tại sao lại thế?. Cô ơi, con không hiểu cô giải thích cho con với ạ?,… Mỗi khi đọc xong một cuốn sách, chúng lại hì hụi ghi lại vào cuốn sổ cảm nhận. Tôi thích nhất là được đọc những cảm nhận của chúng để biết được học sinh của mình đã đọc sách như thế nào”.

Từ phong trào xây dựng giá sách tại lớp 5A3, ban giám hiệu nhà trường đã phát động nhân rộng mô hình “giá sách lớp học” tới tất cả các lớp khác trong toàn trường. Ảnh: NVCC.
Từ phong trào xây dựng giá sách tại lớp 5A3, ban giám hiệu nhà trường đã phát động nhân rộng mô hình “giá sách lớp học” tới tất cả các lớp khác trong toàn trường. Ảnh: NVCC.

Mơ theo từng trang sách

Cô Ngân chia sẻ: “Dù rất mừng vui khi thấy các em thích thú với những trang sách, nhưng trong lòng tôi không khỏi băn khoăn khi thấy phần đông các em chỉ thích xem tranh, đọc truyện tranh, còn trước những cuốn sách dày, kín chữ nhiều trò tỏ ra hờ hững. Không ngần ngại, tôi đã tổ chức nhiều hình thức khác nhau để cuốn hút các con tìm và đọc sách.

Giấc ngủ của của các con được bắt đầu từ những trang sách mà tôi đã dày công chuẩn bị, cùng mong muốn có thể ươm mầm tình yêu sách cho các em. Cứ thế, sách nhẹ nhàng đưa các con vào giấc ngủ ban trưa êm ả, ngọt ngào để rồi những tâm hồn trẻ thơ trong trẻo ấy được mơ theo… trang sách. Khi đó, dù bận đến mấy tôi cũng dành thời gian lặng ngắm các em, một cơ may được thưởng thức cái dư vị hạnh phúc không phải lúc nào cũng có được.

Ban đầu chỉ là những câu chuyện, những bài học mà tôi đọc được trong những cuốn sách, tôi đã khéo léo lồng vào trong mỗi tiết dạy. Sau đó, tôi giúp các con hình thành thói quen tìm và đọc sách, khám phá tri thức bằng cách hàng ngày giao nhiệm vụ có thể là những câu hỏi, những câu đố, những nội dung mà các con sẽ tìm hiểu trước để tự tin trình bày, tham gia trong những tiết học Lịch sử, Địa lý, Đạo đức, Khoa học…

Không chỉ thế, để khuyến khích học trò quan tâm hơn nữa đến sách, mỗi ngày tôi dành 15 phút trước giờ ngủ trưa cho học sinh đọc sách. Cũng có khi trong khoảng thời gian đó có bạn xung phong lên chia sẻ câu chuyện đã đọc cho cả lớp nghe, hoặc cả lớp cùng nghe câu chuyện của bạn phát thanh viên kể được tôi tuyển chọn. Cứ như vậy, tôi đã cuốn hút các con tích cực đọc sách, học sinh lớp tôi dần dần có thói quen đọc sách mỗi ngày”.

Cô Ngân chia sẻ thêm: “Sau một năm học, tôi nhận thấy học sinh yêu thích đọc sách hơn. Nhờ có thói quen đọc sách mỗi ngày, năng lực học tập của học sinh được tăng lên đáng kể, các con có thể tự tin trình bày ý kiến trước tập thể, tự tin làm người dẫn chương trình cho các hoạt động trải nghiệm.

Phong trào, thói quen đọc sách của cô và trò chúng tôi đã lan tỏa tới giáo viên, học sinh toàn trường. Từ phong trào xây dựng giá sách tại lớp 5A3, ban giám hiệu nhà trường đã phát động nhân rộng mô hình “giá sách lớp học” tới tất cả các lớp khác trong toàn trường.

Năm học 2021 - 2022, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các con học sinh phải học trực tuyến, nhưng tôi vẫn luôn thực hiện tâm huyết của mình “Gieo mầm từ những trang sách” tới các con học sinh để ngoài thời gian học, các con dành thời gian đọc sách mỗi ngày.

Thành công trong giáo dục tiểu học không chỉ giúp học sinh hình thành phát triển năng lực và phẩm chất mà đặc biệt quan trọng là định hướng, tạo nền móng, xây dựng thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt, xây dựng được thói quen ham học, ham đọc, ham hiểu biết sẽ giúp các em phát triển năng lực tự học, tự tìm tòi khám phá tri thức, tạo cho các con nền móng để học tập tốt ở những bậc học tiếp theo”.

Tùng Dương