PGS Đặng Quốc Bảo: Mỗi thầy cô giáo phải phấn đấu trở thành người thầy cao quý

16/11/2021 06:42
Phạm Minh
GDVN- PGS.TS Đặng Quốc Bảo: “Người thầy phải rèn luyện sư đạo, sư đức, sư thuật, phấn đấu đạt đến Sư hinh (Người Thầy cao quý) như tâm nguyện, huấn đức của Bác Hồ".

Bàn về sứ mệnh của người Thầy, năm 1964, khi đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chia sẻ: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang.

Nếu không có thầy giáo dạy dỗ con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.

Trong bối cảnh nền giáo dục cả nước đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, căn bản và toàn diện trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, sứ mệnh của người thầy càng là chủ đề xứng đáng được quan tâm hơn bao giờ hết.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) nói rằng, người thầy phải thực hiện được ba nhiệm vụ: là người truyền đạo cho trò, là người thụ nghiệp cho trò, là người giải hoặc cho trò.

Người thầy phải luôn tâm niệm “tất cả vì học sinh thân yêu”

Theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, nói về người thầy là cần nghĩ đến sư đạo (đạo làm thầy), sư đức (đạo đức, hạnh kiểm của người thầy), sư thuật (nghệ thuật làm thầy).

Sư đạo của người thầy được thể hiện ở tinh thần nhân văn “tất cả vì học sinh thân yêu”. Người thầy hãy gác lại những điều muộn phiền, khó khăn ở nhà,... một khi bước vào lớp học, người thầy phải hướng đến học sinh, hết lòng vì học sinh.

Theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, người thầy phải rèn luyện sư đạo (đạo làm thầy), sư đức (đạo đức, hạnh kiểm của người thầy), sư thuật (nghệ thuật làm thầy), phấn đấu đạt đến Sư hinh (Người Thầy cao quý) như tâm nguyện của Bác Hồ. (Ảnh: NVCC)
Theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, người thầy phải rèn luyện sư đạo (đạo làm thầy), sư đức (đạo đức, hạnh kiểm của người thầy), sư thuật (nghệ thuật làm thầy), phấn đấu đạt đến Sư hinh (Người Thầy cao quý) như tâm nguyện của Bác Hồ. (Ảnh: NVCC)

Trong những ngày kháng chiến chống Pháp của thế kỷ trước, tại một số nhà trường vùng du kích Đồng bằng Sông Hồng đã diễn ra cảnh tượng hào hùng: Có những mái trường xưa/Vừa chống càn vừa học/ Giặc lui trong phút chốc/ Thầy trò lại ngâm thơ.

Những năm 60 của thế kỷ 20, cũng ở nơi đây từ trường cấp II Bắc Lý, tinh thần của nhà trường nhân văn đã bừng nở khi đội ngũ giáo viên có minh triết hành động: “Tất cả vì học sinh thân yêu”.

Chắc chắn rằng trong cuộc đổi mới giáo dục hôm nay, minh triết nhân văn sẽ tiếp tục tỏa sáng ở mỗi người thầy và toàn thể đội ngũ giáo viên. Đội ngũ này đang lặng lẽ đi trên con đường lao động nhọc nhằn của mình với các hưởng thụ khiêm tốn, nhưng họ có niềm vui bao la vì nghề của họ là nghề đem đến nhiều sáng tạo nhất cho cuộc sống.

Bàn về sư đức của người thầy, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh quan điểm của nhà giáo Chu Văn An trong 8 từ: “Cùng lý - Chính Tâm - Trừ tà - Cự bế”, nghĩa là dù thầy dạy bài học gì cũng phải đi đến cái lý lẽ sâu xa của bài học đó, luôn luôn phải giữ lòng mình cho trong sạch, tránh xa muội tâm, tà tâm, chống lại những điều sai lạc nhảm nhí và có nghị lực vượt qua những gian nan bế tắc.

Sư thuật - nghệ thuật làm thầy thì vô cùng phong phú, bởi mỗi cấp học có một sư thuật riêng, mỗi trường học có sư thuật riêng, mỗi người thầy giáo cũng có sư thuật riêng, và đến việc giáo dục mỗi học sinh cũng là một sư thuật riêng.

“Nghệ thuật làm thầy vô cùng quan trọng. Một người thầy có sư đạo, sư đức nhưng không có sư thuật thì không thể thành công được.

Mỗi học sinh có một đặc điểm tính cách, hoàn cảnh riêng, có em gia đình tri thức, có em gia đình bình thường,…; có học sinh vừa chăm vừa ngoan, có học sinh ngoan nhưng chưa chăm, có học sinh lười biếng lại không ngoan,... đó là lúc người thầy phải biết vận dụng nghệ thuật làm thầy để dạy học.

Người thầy có khi đóng vai trò là người chỉ huy, khi lại là một người tổ chức, lúc lại phải là một nhà cố vấn.

Như kỷ luật tích cực trong nhà trường hiện nay cũng là một ‘nghệ thuật làm thầy’, kỷ luật nhưng không phải trừng phạt, phải thiết lập quy tắc để học sinh tự soi vào, tự nhận thức về lỗi lầm của mình”, thầy Bảo cho biết.

Sư thuật có thể đa dạng, phong phú nhưng theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, phải đảm bảo được 5 nguyên tắc, đó là dụ - dẫn dụ trò vào môi trường học tập, để các em thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui; trợ - hỗ trợ học trò; đạo - lãnh đạo, chỉ đạo học trò; khải - thức tỉnh, giúp học trò có nhận thức đúng đắn; phát - phát triển nhân cách học trò.

Có đủ sư đạo, sư đức, sư thuật, điều cuối cùng người thầy cần đạt được là “sư hinh”. Bác Hồ từng gửi tâm nguyện đến các thầy cô, mỗi giáo viên phải là “sư hinh” - trở thành người thầy cao quý, không được sao nhãng, rèn luyện tu dưỡng mà “sinh hư” (Báo Nhân dân số 3390-ngày 9-7-1963, Toàn Tập, Tập 14, trang 134) .

Thầy là người truyền đạo cho trò, là người thụ nghiệp cho trò, là người giải hoặc cho trò.

Nghĩa là người thầy đem đến cho trò một hệ thống giá trị sống cao quý, góp phần cùng đồng nghiệp ở mọi bậc tạo dựng cho trò sức lao động kỹ thuật để họ có nghề nghiệp thích ứng với cuộc sống, và hóa giải mọi sự nghi hoặc để học trò hành động theo Chân - Thiện - Mỹ. Người thầy phải phấn đấu đạt “sư hinh” (sự cao quý), cố gắng bao quát và thực hiện ba nhiệm vụ trên một cách đồng bộ.

Trong bối cảnh của xã hội hiện đại, công việc của người thầy vừa thuận lợi nhưng cũng gặp muôn vàn khó khăn. Xã hội đang tạo ra lớp thiếu niên có trạng thái tam khả: khả úy (đáng nể trọng), khả ái (đáng yêu) khả ố (đáng trách).

“Vậy thì người thầy khi đứng trước trạng thái ‘khả ố’ vẫn phải giữ được sự điềm tĩnh, biết kiềm chế, đừng cáu gắt, phải luôn tâm niệm ‘tất cả vì học sinh thân yêu’.

Dịch Covid-19 bùng phát, thầy cô dạy học trực tuyến phải đối mặt với bao áp lực, khó khăn bộn bề. Nhưng tôi tin rằng, dẫu có khó khăn như thế nào, nếu người thầy biết vì học sinh thì sẽ vượt qua và làm được.

Hay như nhà giáo Giáp Văn Dương đã từng nhắc đến ba từ ‘không gây hại’, người thầy, nếu bất cứ lúc nào có một suy nghĩ, nếu cử chỉ, lời nói của mình mà có thể gây hại cho học sinh thì phải sửa ngay. Dù chỉ là y phục, sắc mặt,... của mình khi lên lớp mà gây ảnh hưởng xấu đến học trò thì cũng cần phải hiệu chỉnh.

Đây là một quan điểm sâu sắc, một người thầy như vậy mới đạt được đến “sư hinh” như lời dạy của Bác Hồ”, thầy Bảo chia sẻ tâm tư.

Đạo nghĩa thầy trò trong nhà trường Việt

Theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, “Thi ân mạc niệm, thụ ân mạc vong (Làm ơn cho ai không nhớ, chịu ơn ai không quên) là nguyên lý vàng cho đạo nghĩa thầy trò trong các nhà trường. Nguyên lý ấy không bị pha loãng bởi thời gian, không bị chia cắt bởi không gian dù nhà trường đó đi theo tư tưởng học thuật nào. Nó trở thành minh triết ứng xử của nhà trường đạt tới ý nghĩa đích thực.

Ngày nay, trong nhà trường Việt, minh triết đó được truyền ngôn qua câu ca dao: “Giúp ai việc lớn cũng quên/ Ơn ai một chút để bên dạ này”.

Động lực giảng dạy của người thầy hình thành được là do sự chăm ngoan của người trò và động lực học tập của người trò là do sự tận tâm giáo huấn của người thầy.

Chỉ có trên quan hệ đó mới tạo nên động lực dạy học chân chính đích thực trong nhà trường.

Vô luận trong hoàn cảnh nào, trò cũng không quên ơn thầy và thầy luôn luôn coi niềm vui thiêng liêng trong cuộc đời là đào tạo được trò có nhân cách “thành người, nên người”.

“Quan hệ thầy trò là trung tâm trong trường học, trong đó trò là nhân vật chủ đạo, thầy là nhân vật then chốt. Nghĩa là mọi hoạt động dạy học chúng ta đều hướng đến học trò, và người đảm nhận nhiệm vụ đó không ai khác là người thầy.

Dù ở bất cứ ngôi trường nào thì mối quan hệ thầy trò cũng luôn gắn bó, kết nối chặt chẽ như vậy. Bác Hồ cũng đã từng khẳng định: Thầy thì quý trò, trò thì kính thầy/ Thầy siêng dạy, trò siêng học/ Thầy dạy tốt, trò học tốt”, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo chia sẻ.

Mối quan hệ thầy trò trong xã hội ngày nay không phải là mối quan hệ mang tính chất một chiều. Người Việt Nam ta có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Thông điệp này luôn luôn giáo huấn cho thế hệ trẻ và cho dân tộc công lao người thầy có tính quyết định cho sự phát triển nhân cách cuộc đời.

Tuy nhiên, ngày nay không phải chỉ có 5% dân cư đi học. Đất nước đã kiến tạo được nền giáo dục phổ cập để 100% thế hệ trẻ đến trường. Trong hoàn cảnh này xuất hiện thêm thông điệp “không mày đố thầy dạy ai”. Thông điệp này không có ý xấc xược mà là sự khuyến cáo đến người thầy thấy rõ trách nhiệm lao động của mình.

Hai thông điệp trên kết hợp với nhau tạo nên cặp phạm trù biểu thị “Văn hóa dạy học trong thời đại mới”.

Cũng chính trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, công tác đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm cần phải được chú trọng nhiều hơn nữa.

Như lời Bác đã từng dạy, trường sư phạm phải tiến tới trường mô phạm (làm mẫu) và những người thầy ở các trường sư phạm trước hết phải là người thầy đạt được sư đạo, sư đức, sư thuật, sư hinh, xứng đáng là người thầy cao quý.

Phạm Minh