Bất cứ quốc gia nào cũng xem giáo dục là nền tảng để phát triển con người. Ở Việt Nam, giáo dục được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội, vì thế trong văn kiện đại hội Đảng, đặc biệt trong Nghị quyết số 29/NQ-TW năm 2013, Đảng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, để hoàn thành được mục tiêu quan trọng này sẽ cần nhiều thời gian, giải pháp đồng bộ.
Vào tháng 5, trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận những nỗ lực của ngành, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật” và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đưa vào nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2021 - 2025 của toàn ngành.
Tới cuối tháng 8 vừa qua, tại hội nghị trực tuyến của ngành giáo dục, Thủ tướng tiếp tục đề cập tới vấn đề thu hút người giỏi vào ngành sư phạm; lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy giáo làm động lực bên cạnh yêu cầu lấy học trò là chủ thể trung tâm của quá trình đào tạo.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, trong đó ông đặc biệt coi trọng vai trò người thầy và chữ "thật" đúng nghĩa trong giáo dục và đào tạo.
PV: Thưa Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, ông có suy nghĩ gì và đặt ra những gợi mở gì để tìm được chữ “thật” đúng nghĩa cho nền giáo dục nước nhà?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo: Tôi cho rằng đầu tiên chúng ta phải khẳng định, "học thật" là nhân tố quyết định để có "thi thật, tài năng thật". Chỉ một chữ "thật" ấy thôi nhưng không dễ gì đạt được, bởi vì nó còn liên quan tới nền tảng văn hóa, sự giáo dục truyền thống trong từng gia đình. Nhưng dù khó khăn đến đâu thì chúng ta cũng phải nỗ lực đạt được, vì chỉ khi xác định được sự thật, chấp nhận sự thật thì mới có giải pháp cần thiết, phù hợp.
Sự phát triển quan trọng nhất của một con người là nhân cách/tư cách, được hiểu khái quát đó là: Cốt cách là người; Phẩm cách làm người; Cách thức nên người.
Nhân cách con người Việt (vô luận trong hoàn cảnh nào) cũng phải hài hòa cả ba mặt: Giữ gìn được “Nhân tính” (Sống theo đạo làm người); Bảo tồn được “Quốc tính” (Sống theo truyền thống dân tộc Việt); Khẳng định được “Cá tính” (Sống theo bản sắc tiến tới bản lĩnh).
Xã hội nào cũng có kỷ cương và lễ nghi, người tử tế tiếp nhận tinh thần của kỷ cương và lễ nghi với/ do lòng tự trọng chứ không bị lệ thuộc một cách mù quáng vào những quy ước của kỷ cương và lễ nghi. Xã hội nào cũng có tôn ty trật tự, người tử tế không gò mình vào trật tự này nhưng rất có ý thức về lẽ phải của thứ bậc.
Nếu không quan tâm đến “sự tử tế”, “sự hẳn hoi” thì dần dà những người tử tế, hẳn hoi sẽ ít dần – đó là cái mất vô cùng to lớn cho dân tộc. Tiền có thể mất rồi kiếm lại được, nhưng đạo đức – sự tử tế phải xây dựng qua rất nhiều năm mới hình thành.
Trên thực tế chúng ta đã chứng kiến nhiều sự việc tiêu cực trong một vài kỳ thi, trong đó đáng chú ý nhất là kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện ra hàng trăm thí sinh được sửa điểm lên gấp nhiều lần, thậm chí có những học sinh cộng cả 3 môn chỉ được 10 điểm nhưng được sửa thành hơn 25 điểm.
Tất nhiên là những người có liên quan đến sai phạm đã phải chịu trách nhiệm, nhưng qua những việc như thế lại cần phải xem xét và siết chặt xử lý những sai phạm (nghiêm minh) để ngăn chặn những việc tương tự có thể xảy ra. Nói như Bảng nhãn Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” là con người cần “biết sợ - biết xấu hổ - biết chịu khó/chịu khổ”. "Biết sợ" theo Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện nhấn mạnh là: “Sợ làm sai đạo lý”, “Sợ làm sai pháp lý”, “Sợ làm sai công lý”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo: Muốn tạo ra học thật thì người thầy phải biết dùng ba phương thức: Ngôn giáo (lời của mình), Thân giáo (tấm gương sáng), Cảnh giáo (tạo ra hoàn cảnh để học sinh, sinh viên được rèn luyện chứ không chỉ học trong giảng đường). |
PV: Sự giả dối mà không bị phát hiện và ngăn chặn thì có thể làm ảnh hưởng cả tới chuyện trọng dụng người tài, thưa ông?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo: Điều hiển nhiên là nếu những gian dối trong các bài thi, kiểm tra không bị phát hiện thì đất nước có nguy cơ chịu hậu quả không thể lường hết, bởi vì kẻ gian dối kém năng lực phẩm chất đã lọt vào những trường đại học danh tiếng, rồi ra trường có khi lại vào những vị trí công tác ở những cơ quan lớn.
Năng lực phẩm chất đều kém thì chắc chắn không làm được việc gì có lợi cho dân, cho nước. Và tai hại hơn nữa là những kẻ gian dối này đã tước đoạt mất cơ hội của những người giỏi, hiền tài, có phẩm chất đạo đức tốt.
Xã hội Việt ngày nay đang có mong ước kiến tạo được nền giáo dục chia sẻ, để đi tới nền giáo dục chia sẻ cần có nhiều điều, song điều cốt yếu là con người phải biết sống Minh triết. Trong Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, tại phòng thờ của vua Lý Thánh Tông có đôi câu đối sau: “Dục anh tài nhi sử năng, Quốc Tử Giám cao huyền mô khải, Dưỡng minh triết dĩ kế trị, Thăng Long kinh trường tụ tinh hoa”. Vì vậy, tôi rất mừng khi mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra yêu cầu học thật, thi thật, nhân tài thật và gần đây là nhấn mạnh tới vai trò của người thầy.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới nhân tài. Người chỉ rõ, muốn kiến quốc thành công thì phải có nhân tài. Dưới sự lãnh đạo của Bác trong những năm tháng đất nước còn gian khó cho tới khi hòa bình và xây dựng đất nước, đã xuất hiện rất nhiều nhân vật tài năng như: Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng…
Nếu như chúng ta đồng lòng, chung sức, tất cả vì đại cục thì chắc chắn sẽ tìm được người tài. Phải dẹp cho được những điều mà dư luận đã nhắc tới lâu nay là “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ” thì “trí tuệ” mới thực sự được coi trọng. Chừng nào vẫn còn những kẻ yếu kém năng lực, phẩm chất đạo đức kém chui lọt vào các vị trí lãnh đạo thì người tài cũng sẽ không thể đóng góp cho đất nước.
PV: Thưa ông, dù chúng ta có nói tới “thiên kinh vạn quyển” thì cuối cùng vẫn phải đi đến các giải pháp cụ thể. Ông có cho rằng vai trò của người thầy là “then chốt” để đạt được mục tiêu trên?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo: Tôi tin rằng người học là chủ thể trung tâm của tiến trình đào tạo, nhưng yếu tố quyết định có tính then chốt là người thầy. Muốn tạo ra học thật thì người thầy phải biết dùng ba phương thức: Ngôn giáo (lời của mình), Thân giáo (tấm gương sáng), Cảnh giáo (tạo ra hoàn cảnh để học sinh, sinh viên được rèn luyện chứ không chỉ học trong giảng đường).
Khi đến thăm trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò không thể thay thế của người giáo viên: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng Huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.
Người khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.
Gần đây có những ý kiến rất thẳng thắn chỉ ra rằng cử nhân thất nghiệp do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có phần lớn lỗi của nhà trường và người thầy. Rõ ràng cùng là một môn học nhưng có những người giảng dạy rất hay, sát thực tế và sáng tạo, tiệm cận được đòi hỏi của thị trường lao động. Nhưng bên cạnh đó cũng có những thầy cô ít cập nhật dẫn tới sự truyền thụ kiến thức cũ kỹ, lạc hậu, khiến sinh viên thiệt thòi khi ra trường và ứng tuyển việc làm.
Giáo sư Klaus Schwab – nguyên Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong bài nói chuyện vào năm 2017 khi nhân loại sôi nổi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, có nêu bốn phạm trù mà bất cứ ai dù thuộc dân tộc nào, làm nghề gì cũng cần rèn luyện, đó là: Critical thinking/Tư duy phản biện; Creativity/Năng lực sáng tạo; Communication/Năng lực giao tiếp; Collaboration/Năng lực hợp tác.
Ý tưởng trên lại được học giả nổi tiếng người Israel – Yuval Noah Harari nồng nhiệt tán thành và chỉ rõ, nhiều chuyên gia sư phạm cho rằng trường học nên giảm bớt các kỹ năng kỹ thuật và nhấn mạnh vào các kỹ năng sống đa mục đích. Quan trọng hơn cả sẽ là khả năng đối phó với thay đổi, học điều mới và duy trì cân bằng tâm lý trong các tình huống xa lạ. Để theo kịp thế giới năm 2050, bạn không chỉ cần sáng tạo các ý tưởng và sản phẩm mới mà trên hết, bạn sẽ cần tự đổi mới mình hết lần này đến lần khác.
Bên cạnh năng lực giảng dạy, truyền thụ kiến thức thì người thầy cũng có vai trò rất quan trọng để phát hiện những học sinh, sinh viên có năng lực đặc biệt.
Nhiều năm trước đây, trong một lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm trường Quản lý cán bộ giáo dục đào tạo đã kể một câu chuyện rất vui về nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven. Là một thiên tài âm nhạc nhưng Beethoven không biết làm toán nhân, vì thế mỗi lần đi biểu diễn và nhận thù lao thì ông ấy phải cộng lại tất cả để biết được mình có bao nhiêu tiền.
Điều mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng muốn nhắc nhở là người thầy hãy lưu tâm để phát hiện ra những năng lực sâu kín của trò.
Và ngày nay, chúng ta đang nói đến lý thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner, đề cập tới trí thông minh của con người rất đa dạng, được nhìn nhận bằng nhiều cách. Người thầy không chỉ làm một việc là dạy học đại trà đồng loạt mà cần tìm ra những em có năng khiếu bẩm sinh để định hướng phát triển cho các em sâu hơn.
PV: Người thầy giữ vai trò “then chốt”, nhưng bên cạnh đó người đứng đầu mỗi ngôi trường cũng vô cùng quan trọng. Từng giữ cương vị là hiệu trưởng một ngôi trường lớn, ông nghĩ sao về yêu cầu với người quản lý không chỉ giỏi điều hành, có tầm nhìn chiến lược mà còn là trung tâm của sự đoàn kết, lãnh đạo về tinh thần?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo: Đã có nhiều ý kiến tâm huyết chia sẻ về vấn đề này, gần đây nhất Thủ tướng Phạm Minh Chính có gợi ý cho ngành giáo dục bên cạnh việc lấy học trò làm trung tâm thì cần nghiên cứu lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy giáo làm động lực. Tôi cho rằng, gợi ý này của Thủ tướng sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ cho ngành giáo dục trong thời gian tới.
Theo kinh nghiệm giảng dạy rồi trải qua nhiều cương vị quản lý, tôi nhận thấy người đứng người đứng đầu nhà trường (vô luận là mầm non hay đại học) luôn có ba sứ mệnh: Sứ mệnh Người Lãnh đạo (chú ý đến việc điều hành nhân tố con người); Sứ mệnh Người Quản lý (chú ý đến việc điều hành nhân tố công việc); Sứ mệnh Người Quản trị (chú ý đến việc điều hành nhân tố nguồn lực/tiền).
Người lãnh đạo cần thông thạo nhiều việc, nhưng trong đó điều quan trọng là phải giữ được sự công bằng, tường minh trong công việc thì mới giữ gìn được sự đoàn kết, khích lệ được sự sáng tạo của người thầy đưa ngôi trường phát triển. Còn nếu như tham lam, ích kỷ hẹp hòi thì sẽ gây ra những hậu quả không thể lường được.
Trong Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 13) có ghi lời huấn đức của Bác Hồ năm 1961: “Tôi năm nay 71 tuổi ngày nào cũng phải học... công việc cứ tiến mãi, không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ... thì chúng mình dốt lắm... Tôi cũng dốt lắm, nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt - bệt là không tốt. Người ta thường nói “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế nhưng không có tư tưởng thụt lùi nạnh kẹ...”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”; “Các thầy, cô giáo phải trở thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo, phải là kiểu mẫu về mọi mặt, tư tưởng, đạo đức, lề lối làm việc”.
Từ huấn đức của Bác Hồ thấy rõ, mỗi chúng ta ngày nay muốn tồn tại trong nền kinh tế tri thức phải thực hiện được học tập suốt đời, tiếp thu nền giáo dục thường xuyên và đào tạo liên tục với tư tưởng minh triết, học thật, làm thật và đánh giá thật – công bằng.
Trân trọng cảm ơn Thầy!