Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường Quốc hội ngày 11/11, xung quanh chất vấn của các đại biểu liên quan đến vấn đề biên chế giáo viên, các loại chứng chỉ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có một số giải trình, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo rất được giáo viên cả nước đồng tình, hoan nghênh. [1]
Đó là những vấn đề nóng về chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ; chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên; chuyển xếp lương giáo viên mới;…
Giáo viên còn trong lộ trình nâng chuẩn “mừng rơi nước mắt” khi nghe được ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có phát biểu: "Mới đây nhất Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 về việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức và viên chức, trong đó đã quyết định cắt giảm 150 chứng chỉ cho đào tạo, bồi dưỡng, kể cả 2 chứng chỉ bắt buộc là tin học và ngoại ngữ là 152, trong đó có 61 chứng chỉ đối với công chức và 87 chứng chỉ đối với viên chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, ảnh: Quochoi.vn. |
Tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm căn cứ vào Nghị định này để rà soát và sửa đổi một cách hết sức khẩn trương đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04.
Vì hiện nay, trong quá trình tổ chức thực hiện chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều những đơn thư đề nghị từ giáo viên ở cơ sở trong việc còn những vướng mắc, bất cập, bởi vì chúng ta chưa tính đến sự chuyển tiếp đối với rất nhiều thế hệ giáo viên đào tạo qua nhiều hệ đào tạo khác nhau.
Bây giờ căn cứ vào Luật Giáo dục mới, chúng ta đưa ra việc đó là giáo viên mầm non là phải có bằng cao đẳng và giáo viên bậc tiểu học trở lên phải tốt nghiệp đại học đại học sư phạm.
Chính vì vậy, giai đoạn thế hệ lịch sử để lại thì vẫn còn những tồn tại, cho nên chúng ta phải tính toán làm sao trong quá trình chuyển hạng, trong quá trình xếp lương giáo viên làm sao đảm bảo giáo viên không thiệt thòi, tạo điều kiện cho giáo viên một cách tốt nhất.
Ảnh minh họa: Nhandan.vn |
Bên cạnh đó, trong tuyển dụng giáo viên mới, chúng ta cần phải giải quyết tiếp những tồn đọng liên quan đến số lượng giáo viên đã hợp đồng từ năm 2015 trở về trước.” [1]
Hầu hết phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đều là những vấn đề nóng được giáo viên quan tâm.
Trong đó có vấn đề sau khi Luật Giáo dục 2019 mới chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 thì sẽ có hàng chục ngàn giáo viên ở mầm non, tiểu học, trung học cơ sở từ trên chuẩn, đạt chuẩn trở thành chưa đạt chuẩn, khi xếp lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm xếp lương mới thì họ lại không được xếp hạng mới, chỉ hưởng lương chưa đạt chuẩn.
Điều này quá thiệt thòi so với họ trong khi đó đã có những giáo viên cống hiến rất nhiều năm, mang lại nhiều thành tích cho cá nhân, tập thể, địa phương và có nhiều người sắp về hưu,… lại mang danh, xếp lương giáo viên “chưa đạt chuẩn”.
Theo dõi phần phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề trên đã giải tỏa phần nào những ấm ức của giáo viên trong thời gian qua.
Rất nhiều giáo viên “ấm ức” về điều này mà không biết tỏ cùng ai, nay theo dõi phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ khiến họ ấm lòng, rất biết ơn Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có phát biểu trên nghị trường Quốc hội về vấn đề trên.
Ý kiến Bộ trưởng Bộ Nội vụ rất đúng đắn, có những vấn đề do lịch sử để lại, nhiều giáo viên mầm non, tiểu học và giáo viên trung học cơ sở gần cả đời cống hiến, tận tụy với nghề,… sắp về hưu thì lại xếp “không đạt chuẩn”.
Các thế hệ học sinh sẽ nghĩ sao về các giáo viên “không đạt chuẩn” này khi họ vẫn là những nhà giáo mẫu mực, uy tín, dạy tốt, có người đã là nhà giáo ưu tú,…
Giáo viên còn trong lộ trình nâng chuẩn nên được xếp lương đạt chuẩn theo Thông tư mới
Sau khi Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020 thì trình độ chuẩn đào tạo giáo viên được quy định theo hướng nâng lên.
Cụ thể, tại Điều 72. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
“1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông….”
Do đó nhiều địa phương, nhiều người hiểu nhầm kể từ ngày 01/7/2020 những giáo viên có trình độ trung cấp đang giảng dạy ở bậc mầm non, tiểu học; có trình độ cao đẳng dạy ở bậc tiểu học, trung học cơ sở là những giáo viên không đạt chuẩn, nên đánh giá chuẩn nghề nghiệp những giáo viên trên là chưa đạt, không được bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng,… là không đúng.
Hiểu và vận dụng như trên là không đúng vì bên cạnh đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Theo đó, tại Điều 4, 5, 6. Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định:
“Lộ trình thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030…..”
Như vậy, những giáo viên còn trong lộ trình nâng chuẩn tức trước ngày 31/12/2030 và những giáo viên không phải nâng chuẩn tính từ 01/7/2020 còn 7 - 8 năm công tác đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (quy định tại Điều 2. Đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo) thì nếu đạt chuẩn theo Luật Giáo dục trước đây thì vẫn là giáo viên đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, ngày 20/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo tại một số Thông tư do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Thông tư này có hiệu lực từ 20/10/2021.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian ngưng hiệu lực các nội dung đã nêu thì các tổ chức, cá nhân liên quan không căn cứ quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo hoặc đạt trên chuẩn trình độ đào tạo để đánh giá, tự đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc kiểm định chất lượng, công nhận đạt chuẩn quốc gia, kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Như vậy, giáo viên còn trong lộ trình nâng chuẩn và đối tượng không phải học nâng chuẩn theo Nghị định 71 của Chính phủ thì không có lý do gì để xếp họ là không đạt chuẩn, chỉ sau ngày 31/12/2030 thì mới xếp họ không đạt chuẩn.
Nhưng bất cập là chùm Thông tư 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT thì lại quy định họ không được xếp hạng mới và phải hưởng lương ở mức thấp, lương không đạt chuẩn mặc dù họ vẫn được xem là đạt chuẩn, vẫn giảng dạy hiệu quả, tốt là điều chưa phù hợp, khiến nhiều nhà giáo tâm tư.
Cụ thể, ở chùm Thông tư trên quy định đối với giáo viên mầm non để được xếp hạng III mới (có hệ số lương 2,1 - 4,98) về quy định trình độ đào tạo phải có bằng cao đẳng sư phạm trở lên; đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở để được xếp hạng III mới (có hệ số lương 2,34 - 4,98) phải có bằng cử nhân (đại học) trở lên.
Như vậy, những giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019 vẫn còn trong lộ trình nâng chuẩn nhưng lại không được xếp hạng theo lương mới mà vẫn hưởng lương với hệ số lương đang hưởng (thấp hơn so với giáo viên được xếp theo hạng mới) là chưa công bằng với họ, trong khi đó nhiều người cống hiến lâu năm, dạy tốt, việc xếp lương như trên chưa đảm bảo lộ trình nâng chuẩn của Chính phủ chưa ghi nhận công sức, cống hiến của giáo viên và chưa hợp lý, chưa theo nguyên tắc trả lương theo hiệu quả công việc.
Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, giáo giới cả nước đã thấy được sự quan tâm, lắng nghe ý kiến của lãnh đạo đối với các vấn đề giáo viên quan tâm.
Xin chân thành cảm ơn những phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về quyền lợi chính sách giáo viên; cảm ơn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những phát biểu rõ ràng, tâm huyết, đầy trách nhiệm.
Sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc sẽ rà soát, sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT người viết tha thiết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc xếp lương cho những giáo viên còn trong lộ trình nâng chuẩn, giáo viên không phải nâng chuẩn theo Nghị định 71 đạt các tiêu chuẩn của các hạng chức danh nghề nghiệp (trừ tiêu chuẩn trình độ đào tạo) được xếp hạng II, III như các giáo viên khác, sau khi đến hạn theo lộ trình nâng chuẩn thì mới xem xét họ chưa đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, cũng mong lần sửa đổi chùm Thông tư xếp lương mới lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ việc các địa phương không được yêu cầu giáo viên có chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học làm minh chứng cho các tiêu chuẩn của chùm Thông tư mới; việc quy định cụ thể giáo viên đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức các hạng trước đây tương ứng với chứng chỉ nghề nghiệp viên chức chuyên ngành theo Nghị định 89/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, cần làm rõ việc chuyển xếp lương như chuyển hệ số lương từ cũ sang mới, việc “xuống hạng”; việc nhiều giáo viên đã có trình độ thạc sĩ, cử nhân gần 10 năm nay nhưng vẫn đang ở xếp lương hạng III, IV cũ chỉ được chuyển sang hạng III mới và phải đợi đến 9 năm sau mới được chuyển sang hạng II mới là rất thiệt thòi, bất công cho họ,…
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bo-noi-vu-de-nghi-bo-giao-duc-het-suc-khan-truong-sua-thong-tu-01-02-03-04-post222348.gd
Luật Giáo dục 2019
Nghị định 71/2020/NĐ-CP
Chùm Thông tư 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.