20/11 năm nay, thầy trò chúng tôi chỉ thèm được đến trường

19/11/2021 06:43
NGỌC GIANG
GDVN- Thỉnh thoảng, nghe phụ huynh, học sinh gọi điện hay nhắn tin nói học trò lớp mình là F0, F1, phải đi chữa trị hoặc đi cách ly mà lòng thầy cô nhiều khi quặn thắt.

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay đã đến, những thầy cô giáo dù đã nghỉ hưu, còn đang công tác; dù đang dạy trực tiếp hay trực tuyến thì trong lòng đều có những xốn xang nhất định vì ai cũng hiểu đây là ngày mà xã hội tôn vinh những người đã và đang làm thiên chức “trồng người”.

Khác với những đồng nghiệp ở nhiều tỉnh phía Bắc đang được đến trường hàng ngày thì những giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục ở đa phần các tỉnh phía Nam không được đến trường suốt nhiều tháng qua.

Đa phần các địa phương, các cấp học ở phía Nam đang phải dạy và học trực tuyến. Thậm chí, có nhiều đồng nghiệp của chúng tôi còn chưa được dạy giờ nào trong năm học 2021-2022 này và họ đang tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

Nhiều học sinh các cấp học ở đây đã có hơn nửa năm trời vẫn chưa có dịp đến trường, nhiều em vẫn phải ở trong nhà suốt những tháng qua. Vì thế, ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, thầy trò chúng tôi không mong muốn gì hơn ngoài việc cầu mong cho dịch bệnh sớm được khống chế để đến trường dạy và học trực tiếp.

Ảnh minh họa: toquoc.vn

Ảnh minh họa: toquoc.vn

Học sinh nhiều tỉnh đã hơn nửa năm trời chưa có dịp quay lại trường

Kể từ đầu tháng 5/2021, dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở một số tỉnh phía Nam, chính vì thế mà phần lớn các cấp học tại các địa phương này cho học sinh kiểm tra học kỳ II sớm hơn dự kiến, các tuần còn lại thì phải chuyển sang học trực tuyến.

Lúc đó, chỉ có học sinh lớp 9 và lớp 12 là tiếp tục việc học trực tiếp ở trường để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nhưng cũng có học sinh ở một số huyện, thị bị gián đoạn việc học, việc thi.

Những khối lớp còn lại thì sau khi hoàn thành các bài học của năm học 2020-2021 bằng hình thức trực tuyến rồi học sinh bước vào kỳ nghỉ hè.

Lúc đó, nhiều người vẫn nghĩ dịch bệnh dù có phức tạp thì trong mùa hè cũng sẽ ổn định trở lại nhưng không ngờ đến giờ phút này thì phần lớn học sinh ở các tỉnh phía Nam vẫn chưa thể học trực tiếp tại trường.

Nhiều trường học ban đầu chỉ làm nơi cách ly cho F2, F1 thì giờ đây đã có nhiều trường học phổ thông ở một số địa phương trở thành nơi điều trị F0 cho bệnh nhân Covid-19.

Chính vì thế, không chỉ học sinh cũ trong trường không có dịp đến trường mà những em chuyển cấp cũng chưa có dịp biết trường lớp của mình như thế nào. Tất cả đều chuyển sang hình thức online.

Mọi hoạt động dạy và học của năm học mới ở cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông vẫn được diễn ra đúng kế hoạch nhưng cấp Tiểu học thì chỉ dạy một số môn như: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh…cấp Mầm non thì gần như phải ngưng lại hoàn toàn.

Mấy tuần nay, tình hình dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…đã tạm lắng xuống nhưng các tỉnh lân cận và những tỉnh Tây Nam Bộ thì lại phức tạp hơn trước đây rất nhiều. Và, lúc này thì thầy trò chúng tôi cũng chưa biết cụ thể lúc nào mới có thể được trở lại trường học.

Thỉnh thoảng, nghe phụ huynh hoặc học sinh gọi điện hay nhắn tin nói học trò lớp mình là F0, F1 mà lòng thầy cô nhiều khi quặn thắt. Thế nhưng, sự việc này đã không còn hiếm đối với một số thầy cô ở nhiều tỉnh phía Nam.

Có những đồng nghiệp của chúng tôi vẫn chưa được dạy tiết nào

Những tháng hè, nhiều giáo viên ở các tỉnh phía Nam được địa phương huy động tham gia vào một số công việc như: trực trạm kiểm soát, lấy mẫy xét nghiệm, nhập các dữ liệu tiêm vắc xin Covid-19…

Khi năm học mới bắt đầu thì đa phần giáo viên cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông không còn tham gia những công việc này nữa mà trở về dạy trực tuyến. Chỉ thỉnh thoảng có một số giáo viên tham gia vào đội công tác lấy mẫu xét nghiệm của địa phương mà thôi.

Nhưng, rất nhiều giáo viên Mầm non, giáo viên các môn chuyên ở cấp Tiểu học như Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục thì được địa phương huy động tham gia vào đội nhập dữ liệu tiêm vắc xin suốt mấy tháng qua.

Hàng tuần- từ thứ Hai đến thứ Bảy, nhiều thầy cô giáo đến một điểm trường để nhập số liệu tiêm ngừa vắc xin của địa phương.

Buổi tối ở nhà tranh thủ tập huấn modul 4e. Nhiều thầy cô dạy môn chuyên ở Tiểu học còn được phân công làm một số video bài giảng để phát lên đài truyền hình hoặc gửi đến các trang học trực tuyến để học sinh học tập.

Nhiều giáo viên trên danh nghĩa là không dạy cho học trò nhưng cũng đang rất áp lực vì tham gia vào đội nhập số liệu tiêm ngừa vắn xin Covid-19 suốt tuần theo giờ hành chính nhưng vẫn phải thực hiện một số công việc về chuyên môn mà hội đồng bộ môn hoặc nhà trường phân công.

Điều mong muốn trong ngày Nhà giáo Việt Nam

Có lẽ, chưa bao giờ ngành giáo dục lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Thầy cô và học trò đều căng thẳng, mệt mỏi- nhất là học sinh cuối cấp vừa phải học chính khóa, tham gia đội tuyển học sinh giỏi, nhiều em còn học thêm online để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp.

Nhiều thầy cô giáo thì tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương nên không chỉ là áp lực về công việc mà còn phải đối mặt với những nguy hiểm từng ngày, từng giờ. Trong số này, đã có những thầy cô giáo trở thành F1, F0…

Chính vì thế, ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, thầy trò chúng tôi không mong muốn gì hơn là nhanh chóng khống chế được dịch bệnh để trở lại với trường học, không phải suốt ngày đối mặt với máy tính, với điện thoại như mấy tháng vừa qua.

Chưa bao giờ nỗi nhớ trường lớp, học trò lại nhiều như bây giờ…!

NGỌC GIANG