Đôi điều về “tôn sư trọng đạo” nhân dịp sắp tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

15/11/2021 06:50
Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giá như đổi mới giáo dục dành cho nội dung, chương trình… còn văn hoá học đường cũng như Ngày Nhà giáo thì nên gìn giữ, sẽ đẹp hơn.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng giống như bao ngày kỉ niệm khác trong năm, nhưng phần đông mọi người đều nhớ. Có lẽ ai cũng từng đi học nên nhớ, hoặc vì trân quý những người thầy nên khó quên… Nhớ và kỉ niệm ngày nhà giáo cũng cần, nhưng có lẽ cách ứng xử như thế nào, mới thể hiện cái tầm văn hoá.

Trân quý người thầy, phần nhiều ở đức độ

Tôi biết một người thầy trên 20 năm. Thầy là một nhà khoa học cũng thuộc hàng đầu và từng là lãnh đạo. Biết thì lâu, nhưng mãi đến khi thầy hết tuổi quản lí thì tôi mới có dịp giao lưu và trò chuyện. Trong lần gặp đầu tiên, thầy thể hiện sự thân mật và chia sẻ chân tình: “Em và mình có một điểm chung. Chúng mình cùng một sư phụ”.

Trong hoạt động chuyên môn và quan hệ xã hội, tôi cũng có dịp gặp được nhiều thế hệ học trò của cả 2 thầy, ai nấy cũng đều dành những lời trân quý nhất khi kể về thầy.

Khi nói chuyện về “sư phụ”, thầy chia sẻ “đến giờ này, chúng mình cũng may mắn nối nghiệp thầy. Mỗi người mỗi lĩnh vực; cơ hội trải nghiệm khác nhau; điều kiện làm việc mỗi thời mỗi khác, và trình độ chuyên môn, tiếp cận công nghệ chắc là thế hệ sau sẽ tốt hơn. Nhưng nói về đức độ, thì thầy của chúng mình đã thuộc vào bậc cao nhân. Nhờ tấm gương của thầy mà mình sáng ra và đã vượt qua được nhiều thác ghềnh trong cuộc sống và nghề nghiệp”.

Ảnh minh họa: nguồn giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: nguồn giaoduc.net.vn

Nghiệm lại lời thầy nói, quả thật là cái đức của thầy là cái phúc của trò. Và nếu như học trò giữ được cái đức độ, phát triển về trình độ thì xã hội sẽ tốt đẹp và giáo dục sẽ thành công!

Về Ngày nhà giáo Việt Nam

Hằng năm đến tháng 11, có người nói là tháng nhà giáo, và mỗi người cũng có những cảm nghĩ riêng. Khi còn nhỏ, tôi thường nghe “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Tết với trẻ con thời đó rất sâu đậm, nên những câu răn dạy cũng rất khó quên, và quý trọng thầy cô dường như được mặc định.

Khi đi học, mỗi năm đến tháng 11 là làm báo tường. Những hàng chữ, hình ảnh được chạm trổ; những bài văn, câu thơ mộc mạc, chất phác, chan chứa tình cảm,… được nâng niu, khắc hoạ trên tờ A0. Trang báo tường sạch đẹp được treo ở những nơi trang trọng nhất trong lớp học.

Thời ấy, 20 tháng 11 không rình rang. Phụ huynh cũng không có thời gian thăm hỏi thầy cô. Mỗi lớp có cách thể hiện khác nhau, không khuôn mẫu. Tâm trạng của học trò nhiều, nhưng phần lớn là lo lắng về cách thể hiện như thế nào để thầy cô vui. Thầy và trò thường dành cho nhau những lời ca, tiếng hát, bài thơ hay câu chuyện được tập luyện trước. Ngày 20 tháng 11 đơn giản và ý nghĩa.

Dần theo năm tháng, ngày 20 tháng 11 đã được xã hội quan tâm nhiều hơn. Ngày Lễ thường được tổ chức trang trọng. Các cơ quan, đơn vị cũng tổ chức chúc mừng. Học trò, phụ huynh nhắn tin, gọi điện và thăm hỏi thầy cô. Cũng có nơi hoa, quà xa xỉ, nhưng cũng có những nơi chỉ là bó hoa dại hái ở ven đường... Cách thể hiện và cảm nhận về ngày 20 tháng 11 đã có sự khác biệt. Chứng kiến, lắng nghe nhiều câu chuyện hay dở, tôi cảm thấy bùi ngùi. Giá như đổi mới giáo dục dành cho nội dung, chương trình… còn văn hoá học đường cũng như Ngày Nhà giáo thì nên gìn giữ, sẽ đẹp hơn.

Văn hoá học đường, chung quy cũng là tôn trọng

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống, là nét đẹp văn hoá của người Việt. Nhiệm vụ của giáo dục là gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp. Chính vì vậy văn hoá và giáo dục không tách rời nhau.

Trong giáo dục, văn hoá học đường là nền tảng. “Tôn sư trọng đạo” không phải là khẩu hiệu hay yêu cầu mà là kết quả. Nếu người thầy hội đủ trình độđức độ thì tự khắc có “tôn sư” và “trọng đạo”. Còn khi thầy-không-ra-thầy thì dù có “ép buộc” bằng quy chế, quy định cũng không thành.

Văn hóa là “khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau”, tuy nhiên xét cho cùng cũng là sự tôn trọng: tôn trọng tự nhiên và tôn trọng con người. Tôn trọng tự nhiên tức là ứng xử phù hợp với thiên nhiên. Tôn trọng con người thể hiện ở việc tôn trọng quá khứ; tôn trọng quyền con người và sự khác biệt ở hiện tại cũng như tôn trọng thế hệ tương lai. Thầy giáo cũng phải tôn trọng học trò chứ không chỉ có học trò buộc phải tôn trọng thầy giáo.

Để lưu truyền và phát triển văn hóa cần giáo dục. Giáo dục là khai tâm, rèn sức, mài trí, luyện ý chí và trải nghiệm “để sống và sống tốt hơn. Giáo dục để sống chính là thích ứng với thiên nhiên và xã hội, nhằm tồn tại. Còn giáo dục để sống tốt hơn được hiểu là tốt hơn với chính mình ngày hôm qua, tức là phát triển.

Giáo dục không chỉ có ở trường học mà còn ở gia đình và xã hội. Một cá nhân được giáo dục đầu tiên từ gia đình, sau đó là học đường, rồi đến môi trường xã hội và nay còn có cả không gian mạng… Tất cả được tích lũy, thẩm thấu tạo nên giá trị con người.

Con người tốt hay xấu phần nhiều phụ thuộc vào môi trường sống và học tập. Môi trường sống luôn biến động, tồn tại đủ các mặt tốt xấu và thời nào cũng có. Tuy nhiên, môi trường học đường thì cần phải gìn giữ những chuẩn mực tốt đẹp, trong lành và trong sạch nhất. Bởi vì môi trường giáo dục không chỉ phục vụ giáo dục trong nhà trường mà còn có sự mệnh gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Môi trường học đường là nơi để thầy và trò tu rèn đạo đức; luyện tập thể chất; trau đồi trí tuệ, hướng đến sáng tạo và tự do.

Nếu xem giáo dục là công việc trồng và chăm sóc cây, thì môi trường sống của cây chính là văn hóa. Văn hóa cá nhân được hình thành từ gia đình, xã hội và học đường, trong đó, văn hóa học đường là nền tảng.

Tóm lại, xã hội không ngừng phát triển, những vấn đề phát sinh, bất cập trong xã hội thời nào cũng có. Văn hoá là bản sắc, là nét đẹp; giáo dục có chức năng gìn giữ và phát triển. Để thực hiện sứ mệnh cao cả đó, người thầy đóng vai trò rất quan trọng và “tôn sư trọng đạo” cũng từ đó mà ra!

Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)