Không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, Phó hiệu trưởng xuống hạng III

21/11/2021 07:30
LÊ MINH
GDVN- Kể từ Luật Giáo dục 2005 ra đời đã quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với người không được đào tạo từ các trường sư phạm.

Ban đọc L. Ng.C., hiện là Phó hiệu trưởng, kiêm nhiệm công tác chuyên viên của Phòng Giáo dục ở Quận 7, Thành Phố Hồ Chí Minh có thư hỏi:

Kính gửi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Tôi tên L. Ng. C. (47 tuổi), hiện là giáo viên Trung học cơ sở đã công tác trong ngành giáo dục Quận 7 từ năm 1997 đến nay (25 năm).

Theo tôi biết, Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đã hướng dẫn tại khoản 3, Điều 1 như sau: “Văn bản này miễn áp dụng đối với các giáo viên, giảng viên đã có thâm niên công tác từ 20 năm trở lên và những người đã có chức danh phó giáo sư, giáo sư”.

Trong đợt chuyển đổi chức danh nghề nghiệp hiện tại, một số thầy cô giáo là cán bộ chủ chốt của nhà trường có ý kiến rằng tôi không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, nên tôi không đạt yêu cầu, không được xếp hạng II, mà phải xuống hạng III (tôi tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên từ năm 1997 nhưng không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm). Không biết thông tin như vậy là đúng hay sai?

Ảnh minh họa: riam.edu.vn

Ảnh minh họa: riam.edu.vn

Bởi vì Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT có quy định: “Miễn áp dụng đối với giáo viên đã có thâm niên công tác từ 20 năm trở lên” nên mấy năm trước tôi đã không đi học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Giờ đột ngột như vậy làm sao xoay sở?

Tôi muốn biết là Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT còn có giá trị hay không?

Tôi đã có 25 năm công tác trong ngành, tôi đã đạt nhiều danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Thành phố; Bằng khen cấp Thành phố; giáo viên giỏi; Bằng khen của Quận 7 vì thành tích Bồi dưỡng học sinh giỏi cấp Thành phố (từ năm 2005 đến 2019).

Hiện tại tôi là Phó hiệu trưởng, tôi kiêm nhiệm công tác Chuyên viên của Phòng Giáo dục; từ năm 2015 tôi đã hoàn thành lớp Bồi dưỡng cán bộ quản lý (lớp Hiệu trưởng); tôi đã nhiều lần tham gia công tác kiểm định chất lượng, đánh giá ngoài v.v… việc quy định như vậy có phù hợp đối với tôi hay không ạ?

Kính mong Quý báo tư vấn giúp tôi để tôi yên tâm công tác.

Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin có liên quan như sau:

Thứ nhất: bạn cho rằng tại khoản 3, Điều 1 của Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT đã hướng dẫn: “Văn bản này miễn áp dụng đối với các giáo viên, giảng viên đã có thâm niên công tác từ 20 năm trở lên và những người đã có chức danh phó giáo sư, giáo sư”.

Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên từ năm 1997 và trở thành giáo viên Trung học cơ sở từ đó đến nay nhưng bạn chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Vấn đề này, có lẽ bạn đã hiểu chưa đúng nội dung hướng dẫn của Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT. Bởi, Quyết định này được ban hành từ năm 2008 nhưng bạn lấy thời điểm hiện nay (năm 2021) để tính mình đã có trên 20 năm công tác.

Theo chúng tôi, nội dung hướng dẫn giáo viên có thâm niên công tác từ 20 năm trở lên được miễn áp dụng học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là thời điểm Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT ban hành. Những thầy cô giáo nào đã có từ 20 năm công tác trở lên mà chưa có chứng chỉ thì được miễn, còn những thầy cô dưới 20 năm đều phải học chứng chỉ này.

Trong khi, bạn bắt đầu công tác trong ngành giáo dục từ năm 1997 thì việc bạn phải học chứng chỉ sư phạm (đối với người không tốt nghiệp ở các trường sư phạm) đã gần như là bắt buộc.

Bởi lẽ, tại điểm b, khoản 1, Điều 77, Luật Giáo dục 2005 quy định về trình độ chuẩn đào tạo giáo viên lúc đó như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc cóbằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở”.

Thứ hai: một số đồng nghiệp cùng trường nói rằng bạn không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nên không được xếp hạng hạng II mà phải xuống hạng III là đúng chứ không sai. Vì theo Luật giáo dục 2019 và Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT thì bạn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ ba: điều bạn băn khoăn là Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT còn có giá trị hay không? Theo tìm hiểu của chúng tôi, kể từ khi Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT được ban hành cho đến khi Quyết định số 05/VBHN-BGDĐT ngày 08/6/2018 ban hành quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đã có nhiều lần sửa đổi, bổ sung.

Chẳng hạn như: Thông tư số 37/2011/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến thủ tục hành chính tại Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

Thông tư số 27/2012/TT-BGDĐT ngày 11 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ban hành kèm theo Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2012;

Quyết định số 05/VBHN-BGDĐT, ngày 08 tháng 6 năm 2018 ban hành quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm…

Hiện nay, chuẩn trình độ của giáo viên phổ thông được áp dụng theo điểm b, khoản 1, Điều 72, Luật Giáo dục năm 2019 như sau: “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Việc xếp hạng giáo viên Trung học cơ sở được áp dụng theo hướng dẫn của Thông tư số 03/TT-BGDĐT. Chính vì thế, đây không phải là “thay đổi đột ngột” như bạn nói mà Luật Giáo dục 2005 đã quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với người không được đào tạo từ các trường sư phạm.

Cảm ơn bạn đã gửi thư về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

LÊ MINH