Nên nhân rộng mô hình tham vấn học đường “3C” của trường Marie Curie

23/11/2021 06:32
Thùy Linh
GDVN- Trường Marie Curie chọn yêu thương là văn hóa cơ bản nhất khi xây dựng văn hóa nhà trường.

Ngày 21/11 vừa qua thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội có tham dự hội thảo chủ đề: Văn hoá học đường từ các mối quan hệ trong nhà trường” do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chủ trì.

Được biết trong bài tham luận gửi tới hội thảo, thầy Khang cho rằng: “Với tôi, học sinh quan trọng, nhưng giáo viên của tôi cũng quan trọng, chị lao công hay anh bảo vệ trong trường cũng quan trọng.

Tôi không xem mối quan hệ nào là mối quan hệ cốt lõi trong nhà trường. Bởi lẽ, giáo viên không hạnh phúc thì không thể tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc. Anh bảo vệ là người đầu tiên đón học sinh vào trường, nếu anh ấy không vui thì học sinh của tôi cũng sẽ ít nhiều cảm thấy “tụt cảm xúc” trong suốt buổi học. Ai cũng có vai trò quan trọng làm văn hoá nhà trường trở nên tích cực hơn. Tại Marie Curie, chúng tôi chọn yêu thương là văn hóa cơ bản nhất trước khi nói đến những điều lớn lao kia.”.

Trường Marie Curie chọn yêu thương là văn hóa cơ bản nhất khi xây dựng văn hóa nhà trường.(ảnh: T.L)

Trường Marie Curie chọn yêu thương là văn hóa cơ bản nhất khi xây dựng văn hóa nhà trường.(ảnh: T.L)

Tại sao trường Marie Curie, Hà Nội lại chọn như vậy thì thầy Khang lý giải:

Trước tiên, học trò là những trẻ dưới 18 tuổi được cả thế giới công nhận và bảo vệ, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1989, Việt Nam cũng đã luật hóa bằng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, nay là Luật Trẻ em 2016. Trong tất cả các văn bản luật đó không có chỗ nào, câu nào nói về “Nghĩa vụ” của trẻ em cả, bởi vậy chúng ta cũng không nên đặt ra quá nhiều yêu cầu với trẻ em và học trò.

Thứ hai, học trò là lứa tuổi chưa hoàn thiện về cả thể chất cũng như tâm sinh lý, do đó mong các em hiểu và thông cảm hoặc hợp tác là điều không hề dễ dàng. Bởi vậy, thay vì chọn đối đầu chúng tôi chọn đối thoại, chọn yêu thương: thầy cô, học trò, gia đình phải đứng về một phía trong học tập hoặc các vấn đề xã hội khác.

Thứ ba, thời gian học trò ở trường rất dài, nếu ở đó không có sự yêu thương thì nó sẽ trở thành nỗi sợ, khi đó mục tiêu đến trường là để được học và giáo dục sẽ không thể thực hiện được.

“Tôi nhận thấy mọi chuẩn mực văn hóa kể trên nếu xuất phát từ yêu thương thì mới dẫn đến kết quả tốt đẹp được:

Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn bản thân mình được đối xử.

Bạn muốn được tôn trọng, hãy tôn trọng mọi người trước tiên.

Bạn muốn được quý mến, hãy thật chân thành”, thầy Khang chia sẻ.

Nhìn về mức độ quan tâm đến văn hóa học đường thời gian qua từ phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” hay Thông tư 31 về thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, thầy Khang nhận định:

“Sự quan tâm của chúng ta là chưa đủ. Chúng ta mới chỉ đang lấy điểm số, kết quả từ những kì thi để làm thành tích báo cáo, để đánh giá chất lượng. Việc giáo viên trong trường mâu thuẫn, giáo viên gây khó dễ với học sinh, học sinh và học sinh bạo lực…

Những thứ rất thật như thế, ảnh hưởng to lớn đến chất lượng trường học như thế, nghiễm nhiên không bao giờ được đề cập đến trong các báo cáo. Thiết nghĩ, nếu bây giờ chúng ta cũng lấy thước đo văn hoá học đường của mỗi trường làm thành tích, thống kê về mức độ hài lòng của học sinh, của giáo viên… để làm thành tích đánh giá, so sánh, thì có lẽ sẽ có nhiều thay đổi.

Hầu hết các trường học hiện nay đều đi đúng theo chủ trương, phương hướng của Bộ, các trường đã có Phòng hoặc Tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, tuy nhiên chủ yếu đều là giáo viên kiêm nhiệm với vai trò tư vấn tâm lý. Điều bất cập ở đây chính là, nếu ai cũng có thể làm các công việc như nhau thì cần gì phải phân chia thành ngành tâm lý, ngành sư phạm…, phải đào tạo 4 năm đại học để lấy tấm bằng đúng chuyên ngành”.

Mô hình tham vấn "3C" của trường Marie Curie

Thầy Khang cho biết, năm 2018, trường Marie Curie đã thành lập Phòng tham vấn tâm lý, với đội ngũ 5 nhân viên. Kế thừa và phát huy các mô hình Phòng tham vấn trên thế giới, đồng thời hiểu rõ về tình hình thực tế môi trường giáo dục tại Việt Nam, Phòng tham vấn học đường trường Marie Curie được xây dựng và vận hành theo nguyên tắc 3C, viết tắt của ba chữ: “Chuyên môn - Chuyên nghiệp - Chuyên trách”.

Chuyên môn là đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chuyên gia phải được đào tạo chuyên sâu để thực hiện các công việc theo chức năng của Phòng tham vấn học đường.Bên cạnh các kiến thức chuyên môn, cán bộ tham vấn cần đáp ứng các kỹ năng mềm như: Kỹ năng lắng nghe, kỹ năng quan sát, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng diễn thuyết trước đám đông, kỹ năng ghi nhớ... Đồng thời, cần có kỹ thuật làm chủ cảm xúc, quản lý thời gian và kỹ năng phát triển vấn đề để có thể xác định được đúng vấn đề của học sinh.

Chuyên nghiệp là các hoạt động của phòng từ hoạt động phòng ngừa (giảm thiểu những rủi ro về sức khoẻ tinh thần có thể ảnh hưởng đến học sinh) đến hoạt động tham vấn đều được phân công phù hợp và xác định đối tượng rõ ràng trong quá trình hỗ trợ. Tất cả mỗi thành viên phải đảm bảo đúng quy trình và đạo đức nghề nghiệp. Kết quả tham vấn được thể hiện trên các mẫu biểu đã nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện.

Chuyên trách là người được tuyển dụng, để đảm nhiệm công việc thường xuyên, chỉ làm và chỉ chịu trách nhiệm theo phạm vi công việc được giao.

Sau hơn 2 năm hoạt động, Nhà trường đã hỗ trợ được gần 2.000 học sinh và phụ huynh với khoảng 10.000 lượt tham vấn (1 học sinh/ phụ huynh không chỉ cần 1 lần hỗ trợ về mối quan hệ mà thường sẽ cần trung bình 5 lần khi họ có khó khăn về tâm lý).

Tổng số học sinh được hỗ trợ tham vấn từ năm 2019 - 2021

Tổng số học sinh được hỗ trợ tham vấn từ năm 2019 - 2021

Với vai trò là Hiệu trưởng - thầy Khang hiểu rằng học sinh có nhiều tâm tư, cần sự thấu hiểu, điều này từ phía giáo viên trên lớp là chưa đủ. Cụ thể các nhóm vấn đề trong hơn 2 năm vận hành phòng tham vấn được thống kê dưới biểu đồ sau:

9 vấn đề học sinh cần hỗ trợ

9 vấn đề học sinh cần hỗ trợ

“Nhìn lại chặng đường hơn 2 năm qua, tôi nhận thấy, mô hình này thực sự rất hiệu quả và đáng nhân rộng. Sự chuyên môn - chuyên trách - chuyên nghiệp của Phòng tham vấn học đường không chỉ mang lại sự tin tưởng với riêng học sinh, phụ huynh mà đối với cả giáo viên, cán bộ công nhân viên trong nhà trường cũng tìm đến để được hỗ trợ.

Từ sự thành công trong việc xây dựng mô hình tham vấn tại trường Marie Curie và rộng hơn là một số trường công lập, tư thục khác đã áp dụng, dù là một minh chứng rất nhỏ trong việc giải quyết các mối quan hệ trong nhà trường - một bộ phận quan trọng của văn hoá học đường” thầy Khang khuyến nghị Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu triển khai mô hình này tại những trường học có đủ điều kiện hoặc theo hướng xã hội hoá để góp một phần vào công cuộc đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện hiện nay

Thùy Linh