Đề xuất chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" trong nhà trường được Giáo sư Trần Ngọc Thêm nêu trong tham luận phát biểu tại Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11 gây nên nhiều tranh cãi.
Cụ thể, Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã đề xuất chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo,...
Ý kiến của Giáo sư Thêm cho rằng, chừng nào còn đề cao chữ "Lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển…
Sau đề xuất của Giáo sư Trần Ngọc Thêm, đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Con người mới đáp ứng yêu cầu mới
Bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng:
“Trước hết về nguồn gốc của câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn”, chưa thể khẳng định câu nói ấy của ai nhưng hiện tại xã hội đang có cách nhìn nhận cho rằng câu nói này của Nho giáo và Nho giáo thì cũng không chỉ có Khổng Tử. Nhưng việc nhìn nhận câu nói này theo Nho giáo nên đã hiểu nó theo cách của Nho giáo".
Nói về đề xuất của Giáo sư Trần Ngọc Thêm tại Hội thảo giáo dục 2021, Phó Giáo sư Lê Quý Đức bày tỏ: “Trước hết, tôi cơ bản đồng ý với ý kiến của Giáo sư Trần Ngọc Thêm về việc xây dựng con người mới. Chúng ta đang đi vào xã hội mới và tinh thần xây dựng con người mới để phù hợp với xã hội.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, trước yêu cầu phát triển của đất nước nói chung về chính trị, dân chủ và mọi phương diện khác… của đời sống xã hội thì việc cần đào tạo ra con người chủ động, sáng tạo, phản biện là rất cần thiết. Con người mới được Giáo sư Trần Ngọc Thêm khái quát với 4 tiêu chí: con người chủ động, con người sáng tạo, con người phản biện và con người phát triển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: Lao động |
Đây là những điều đáp ứng với nhu cầu của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa. Những điều này khác với xã hội truyền thống, xã hội phong kiến quân chủ.
Ngoài việc đồng ý với Giáo sư Trần Ngọc Thêm, tôi bổ sung thêm ý kiến về xây dựng con người biết khẳng định cá nhân. Khẳng định cái sáng tạo cá nhân, khẳng định giá trị cá nhân, lợi ích cá nhân, tính cách cá nhân của mình. Con người ấy phải là con người tự do, con người dân chủ”, Phó Giáo sư Lê Quý Đức nói.
Chữ “Lễ” nên hiểu là chữ “Lễ” nào?
Bên cạnh ý kiến đồng ý với Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cũng nói thêm: “Tôi cho rằng câu “tiên học lễ, hậu học văn” mà Giáo sư Thêm nói rằng phải bỏ đi vì học lễ cho nên chúng ta đào tạo ra những con người thừa hành, con người chỉ biết vâng lời, con người chỉ là công cụ… và cũng tạo ra người thầy có quyền áp đặt đối với học sinh, thậm chí sử dụng quyền lực ấy để hành học trò để mưu cầu lợi ích này, lợi ích khác…là do cách hiểu về chữ "Lễ".
Tôi cho rằng có cách hiểu như vậy, lỗi không phải ở chữ “Lễ”, mà lỗi ở chỗ người ta vẫn sử dụng cách hiểu chữ “Lễ” như chữ “Lễ” trong thời kỳ phong kiến. Vì thế người ta vẫn sử dụng những tiêu chí chuẩn mực của chữ “Lễ” ngày xưa để áp vào xã hội hôm nay.
Ngày nay, người thầy, gia đình và các xã hội đã hiểu theo chữ “Lễ” ngày xưa để áp vào xã hội hôm nay. Tư duy này cần phải được hiểu lại và bỏ cách hiểu này đi, chứ không phải bỏ không dạy chữ "Lễ" nữa.
"Chúng ta vẫn phải dạy chữ “Lễ”, nhưng chữ “Lễ” cần được hiểu theo ý nghĩa mới", Phó Giáo sư Lê Quý Đức nói.
Diễn giải thêm, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng: "Chữ “Lễ” không chỉ là đạo đức mà nó còn bao hàm khuôn mẫu của xã hội. "Lễ" ở đây có thể hiểu là các khuôn mẫu của đời sống xã hội, đó không chỉ là khuôn mẫu thuần túy về đạo đức.
Dĩ nhiên, khuôn mẫu của đạo đức cũng không có gì xấu cả vì xã hội nào cũng phải có những khuôn mẫu đạo đức trong gia đình, trong cộng đồng.
Ngoài khuôn mẫu về chính trị còn có những khuôn mẫu con với cha, cha với con, vợ với chồng, anh em với nhau hay cá nhân trong một cộng đồng hay tập thể nào đó, công dân với nhà nước, nhà nước với công dân…
Tất cả những khuôn mẫu ấy không chỉ là vấn đề đạo đức mà nó còn chính là rất nhiều khuôn mẫu về hành vi. Cho nên, chúng ta không nên quy nó vào vấn đề đạo đức. Nếu vấn đề đạo đức mà giúp đảm bảo cho cuộc sống xã hội tồn tại bền vững, an sinh ổn định thì cũng không phải là điều đáng bỏ đi", Phó Giáo sư Lê Quý Đức nêu quan điểm.
"Còn chữ Văn ở đây được hiểu theo nghĩa Văn hóa. Văn hóa sinh ra để đem lại những điều tốt đẹp cho con người.
Ở phương Đông, văn hóa là “Hóa dân dịch tục” nghĩa là cảm hóa dân, thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu, phong tục mông muội… tạo ra những khuôn mẫu tiến bộ và phù hợp với xã hội mới.
Ví dụ như trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ, quan hệ xã hội… những khuôn mẫu được thể chế bằng luật pháp và tất cả mọi người phải tuân theo.
Văn hóa làm ra việc “hóa dân dịch tục” và cũng như Giáo sư Thêm dẫn câu nói của người Trung Quốc là “Văn trị giáo hóa” – Văn hóa là làm cho con người hóa ra có văn, văn hóa làm cho người tốt đẹp hơn.
Ảnh minh họa: Thethaovanhoa.vn |
Cụ Đào Duy Anh cũng đã từng nói giáo dục cũng là văn hóa, văn hóa cũng là giáo dục. Trong khi đó các học giả phương Tây cũng nhận định rằng văn hóa là khai mở trí tuệ cho con người.
Văn hóa cũng là giáo dục vậy là không thể nói là ta bỏ chữ “Lễ” đi”. Như vậy trong "Văn" có "Lễ" và trong "Lễ" có "Văn", Phó Giáo sư, Lê Quý Đức phân tích.
Nhấn mạnh thêm về việc bỏ hay không bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng:
“Như tôi đã nói, vấn đề không phải giữ hay bỏ câu khẩu hiệu này đi mà vấn đề là ta phải đưa ra triết lý giáo dục mới. Triết lý giáo dục mới phải dạy con người ta chủ động sáng tạo phát triển chứ không phải dạy con người chỉ biết nghe lời (một trong số đó có nghe lời thầy). Học trò chỉ không nên "nghe lời thầy" một cách tiêu cực.
Triết lý mới do xã hội xây dựng và phải biến câu “tiên học lễ, hậu học văn” vào triết lý ấy.
Muốn làm được việc này thì cả xã hội đều phải vào cuộc. Từ người lãnh đạo quản lý, người thầy, cho đến học trò.
Còn về cơ bản, trò không nghe lời thầy cũng là không đúng. Tiêu cực ở đây là thầy tưởng tất cả những điều thầy nói là chân lý, là không thể vượt qua.
Từ việc thầy có quyền bắt học trò nghe lời nên thầy áp đặt cái gì lên trò cũng được. Rất nhiều thầy cô đã lợi dụng chữ "Lễ" để ứng xử tiêu cực với học trò
Người thầy cũng phải thấm nhuần tinh thần ấy. Người thầy cũng phải thay đổi quan niệm về nghề. Thầy bây giờ không có quyền áp đặt mà phải là người khai mở, gợi mở và truyền cảm hứng.
Thầy cũng phải thay đổi tâm lý của người thầy. Nếu trò không đồng tình, có phản biện ý kiến của mình mà có lý thì phải hoan nghênh. Thấy trò hơn thầy lấy đó là niềm hạnh phúc.
Người giáo dục cũng phải hiểu là “người giáo dục cũng phải được giáo dục”. Người giáo dục cũng phải hiểu được tinh thần mới và giáo dục tinh thần mới.
Tiếp theo đó, người thầy phải rời bỏ tâm lý xã hội chính trị đòi hỏi quyền lực…muốn mình có chức có quyền, có tiếng nói với học trò.
Hãy coi học trò như bạn, hãy coi học trò là người tạo niềm cảm hứng để khai mở người thầy cần bỏ tư tưởng là bề trên “cao vời vợi”, "là độc tôn đại diện cho tri thức”", Phó Giáo sư Lê Quý Đức nêu.
“Theo tôi, chúng ta phải diễn giải lại câu nói “tiên học lễ, hậu học văn” chứ không nên bàn bỏ hay không bỏ hay thay thế nó bằng khẩu hiệu này khẩu hiệu khác”, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho biết.