"Tiên học lễ, hậu học văn" có phải tàn dư phong kiến?

11/10/2021 06:48
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những người “sợ” phạt trẻ con liệu có biết câu ngạn ngữ: “Bé không vin, cả gãy cành”.

Trên mạng xã hội xuất hiện bài viết được cho là của một nữ tiến sĩ làm việc trong lĩnh vực giáo dục “Kỷ luật với Trừng phạt, làm ơn đừng nhầm lẫn thêm lần nữa”, tác giả bài viết phản biện quan điểm của Tiến sĩ Vũ Thu Hương - người từng là giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội - khi vị nữ tiến sĩ này cho đăng bài “Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ”.

Nghe nói phương pháp dạy trẻ “không phạt”, dạy bằng “khuyên nhủ” xuất hiện khoảng hơn chục năm nay, phương pháp này được một số nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và phụ huynh hưởng ứng, bằng chứng là một tờ báo có bài viết rằng quan điểm của Tiến sĩ Vũ Thu Hương bị “phụ huynh phản ứng dữ dội”.

Những người phản đối Tiến sĩ Hương cho rằng giáo dục học trò chỉ nên “kỷ luật” chứ không được “trừng phạt” bởi các hình thức phạt sẽ để lại dấu ấn với trẻ và “hầu như không mang lại tác dụng tích cực trong việc thay đổi hành vi của trẻ”…

Hơn nửa thế kỷ trước người viết từng đọc một bài báo phản bác ý kiến của một nhà giáo (sau này ông được tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân) mong muốn đưa triết lý giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn” vào trường học.

Bài báo cho rằng “Tiên học lễ, hậu học văn” là tàn dư của chế độ phong kiến, sau khi cách mạng thành công, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến thì cần phải loại bỏ tất cả những thứ “cổ lỗ sĩ” đó khỏi đời sống xã hội, đặc biệt là trong giáo dục.

Nhiều năm sau đó không có ngôi trường nào và cũng hầu như không thấy bài báo nào đề cập đến chuyện này.

Gần đây, một số cơ sở giáo dục phổ thông tự phát treo tấm biển “Tiên học lễ, hậu học văn” ở trụ sở cơ quan. Việc làm này ngay lập tức bị lãnh đạo ngành và truyền thông “chấn chỉnh”.

Năm 2016, một tờ báo điện tử đăng bài với cái tít: “Nên bỏ khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn" khỏi trường tiểu học?”

Mặc dù tòa soạn đã cẩn thận đặt dấu “?” ở cuối tít bài song toàn bộ nội dung bài báo toát lên quan điểm cần bỏ câu khẩu hiện này. Bài báo dẫn lời nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa: “Một số trường tiểu học treo khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” thì học sinh có hiểu là gì không? Khẩu hiệu phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ gây ấn tượng”. [1]

Đồng quan điểm với bà cựu Thứ trưởng, một đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu: “Tiên học lễ, hậu học văn là câu khẩu hiệu có từ thời xưa. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường treo câu này - nhất là trường tiểu học, mà tôi tin chắc rằng, các em học sinh lớp 1, lớp hai chắc chắn không hiểu “tiên” là gì, “hậu” là gì”. [1]

Ảnh minh hoạ: Daidoanket.vn

Ảnh minh hoạ: Daidoanket.vn

Những phát biểu trên cho thấy tư duy khập khiễng của một số người làm quản lý giáo dục và nghiên cứu khoa học giáo dục:

Thứ nhất, cả vị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuyên gia Viện Khoa học giáo dục đều cho rằng “Tiên học lễ, hậu học văn” là dành cho học trò chứ không phải cho nhà giáo;

Thứ hai, dù là lãnh đạo cấp cao của ngành giáo dục hoặc là chuyên gia giáo dục thì người ta cũng chỉ chú ý đến khía cạnh ngôn ngữ (tiên – hậu) mà xem nhẹ tính khoa học, nhân văn và ý nghĩa của triết lý giáo dục này.

Thêm nữa, không hiểu vị chuyên gia giáo dục hay tác giả bài báo cho rằng “lớp 1, lớp hai” là khác nhau nên phải dùng số “1” và chữ “hai”!

Người viết sau khi đọc toàn bộ lý luận của bà cựu Thứ trưởng, của vị chuyên gia giáo dục cùng tác giả một số bài báo không thể không có chút băn khoăn.

Bởi lẽ cứ theo logic này, phải chăng các bức hoành phi, câu đối viết bằng chữ Nho (chữ Hán) tại các cơ sở văn hóa tâm linh mới xây gần đây cần phải gỡ bỏ vì đa số người lớn (chứ không phải học trò lớp 1, lớp 2) đều không hiểu trên đó viết gì, viết đúng hay viết sai,…”!

Trở lại quan điểm giáo dục không hình phạt, giáo dục bằng tình yêu thương,… thoạt nghe có vẻ rất nhân văn, dưới ngòi bút của tác giả bài viết “Kỷ luật với Trừng phạt, làm ơn đừng nhầm lẫn thêm lần nữa” cách giáo dục này còn là rất khoa học.

Hệ thống giáo dục Việt Nam vốn đã bị chia làm nhiều khúc, khúc đầu (mầm non, phổ thông) do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, khúc giữa (giáo dục nghề nghiệp) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, khúc cuối (đại học) được giao cho nhiều bộ, ngành, địa phương quản lý.

Nếu quan điểm “giáo dục không hình phạt, giáo dục bằng tình yêu thương” được chính thức áp dụng trong hệ thống giáo dục Việt Nam thì việc quản lý con người trong xã hội hiện đại sẽ bị chia thành hai giai đoạn, lúc còn bé – tạm coi là còn học phổ thông - thì giáo dục (quản lý) theo kiểu yêu thương, không phạt, khi lớn, có đầy đủ quyền công dân (18 tuổi trở lên) thì phải “sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật”.

Một khi phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật thì có nghĩa là nếu không tuân thủ, nếu vi phạm có thể bị xử lý bằng các hình thức phạt hành chính, phạt tiền hoặc phạt tù, hình phạt nặng nhất có thể là tử hình.

Liệu có thể tìm thấy một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên trái đất này không ban hành các đạo luật, không có nhà tù để giáo dục, răn đe, trừng phạt người vi phạm?

“Giáo dục trẻ em bằng khuyên nhủ, giáo dục không phạt” không phải là cách giáo dục sai song chỉ nên xem đó là một trong các biện pháp giáo dục học trò, không thể ngây thơ cho rằng đó là cách duy nhất đúng, cũng không thể dựa vào một vài thuật ngữ chuyên môn của nước ngoài để đi đến kết luận kỷ luật về bản chất khác với hình phạt và do đó chỉ được kỷ luật chứ không được phạt trong khi các bộ luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật đều có các điều khoản về khen thưởng và xử phạt.

Không ít cơ quan truyền thông, nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu, người làm công tác quản lý giáo dục có chung quan điểm là giáo dục của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… là nền giáo dục tiên tiến và đó xứng đáng là hình mẫu để Việt Nam học tập.

Tuy nhiên người ta đã ghi nhận tại rất nhiều quốc gia, bao gồm cả bốn quốc gia nêu trên đều cho phép áp dụng một số “hình phạt thân thể” với học trò.

Tại Singapore, hình thức phạt bằng đánh roi được áp dụng phổ biến tại các trường học và được ghi trong Luật Giáo dục.

Tại Hoa Kỳ, Diane Tran, một nữ sinh gốc Việt lớp 11 đang học tại Trường trung học Willis ở gần Houston, đã bị thẩm phán Lanny Moriarty phạt giam trong 24 giờ và phải nộp phạt 100 USD vì nghỉ học quá quy định (nữ sinh này phải đi làm thêm nuôi bản thân và anh em do bố mẹ ly dị).

Đòn roi được coi là hình phạt hợp pháp tại 19 bang trên nước Mỹ. [2]

Từ năm 1947, Nhật Bản cấm sử dụng các hình thức xử phạt thể xác với học sinh, sau 50 năm áp dụng quy định này, các vụ bạo lực học đường nghiêm trọng xuất hiện ngày càng nhiều vì thế đến năm 1997, tòa án tối cao Tokyo bãi bỏ quy định này. Tòa cho phép các giáo viên được phạt học sinh với các hình thức đứng trong lớp, quỳ gối, chép phạt, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng học sinh có thể bị phạt roi. [2]

Một vài thông tin nêu trên chưa phản ánh đầy đủ cách thức xử lý học trò chưa ngoan tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, song nó cho thấy tại những quốc gia có nền văn hóa, khoa học, kỹ thuật phát triển nhất thế giới, việc áp dụng hình phạt thân thể học trò mắc sai phạm là điều bình thường.

Vội vàng vứt bỏ triết lý “Tiên học lễ, hậu học văn” trong khi chưa tìm được một triết lý giáo dục phù hợp với xã hội hiện đại, nên nhiều cuộc “đổi mới giáo dục” được thực hiện nhưng vẫn rối, điển hình là lần đổi mới giáo dục hiện nay kéo theo việc biên soạn các bộ sách giáo khoa mới.

Đổi mới làm xuất hiện các môn “tích hợp” nhưng lại không đồng bộ với hoạt động đào tạo đội ngũ nhà giáo khiến năm 2021 này, môn Khoa học tự nhiên cần tới ba giáo viên cùng dạy, môn Lịch sử và Địa lý cần hai giáo viên dạy,…

Có không ít chủ trương, chính sách hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn về vật chất và tinh thần cho lớp trẻ, đặc biệt là học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, nhưng có vẻ như chúng ta lại “quên” không đào tạo ra những đứa trẻ tốt cho xã hội.

Phải chăng “nhờ” quan điểm dạy trẻ nhỏ bằng yêu thương, không phạt nên hai năm 2020 và 2021, giáo dục Việt Nam vẫn:

“Nhức nhối vấn nạn bạo lực học đường”. (antv.gov.vn, 26/12/2020)

“Để bạo lực học đường không còn đất sống!”. (Dangcongsan.vn, 03/04/2021)

“Ngăn 'cơn sóng' bạo lực học đường”. (Tuoitre.vn, 17/04/2021)

“Báo động nạn bạo lực học đường”. (Laodong.vn, 28/03/2021)

……..

Những người “sợ” phạt trẻ con liệu có biết câu ngạn ngữ: “Bé không vin, cả gãy cành”./.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/nen-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-khoi-truong-tieu-hoc-334161.html

[2]https://vtc.vn/cac-nuoc-tren-the-gioi-phat-hoc-sinh-the-nao-ar474800.html

Xuân Dương