Hành lang pháp lý về tự chủ đại học còn “cởi chỗ nọ, trói chỗ kia”

10/01/2022 06:48
Phạm Minh
GDVN- Để tự chủ đại học thành công góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cần có sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản pháp luật giữa các bộ, ngành.

Mặc dù tự chủ đại học đã và đang được bàn thảo trong hơn 10 năm qua, thậm chí đã được luật hóa, song thực tiễn tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học vẫn còn một số rào cản, vướng mắc.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Văn Gấm - Giảng viên, Phó Giám đốc Chương trình Quản lý Nhà nước – Trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, tự chủ đại học góp phần thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học, song thực tế, chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định do nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có thể kể đến sự hạn chế về năng lực quản trị đại học ở cấp độ vĩ mô và vi mô, và liên quan đến quyền tự chủ của các trường đại học hiện nay.

Giáo dục đại học tăng về lượng nhưng yếu về chất

Theo quan điểm của Thạc sĩ Lê Văn Gấm, những năm qua, giáo dục đại học ở Việt Nam có sự tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng lại chưa theo kịp và phát triển tương xứng.

Dù quy mô trường đại học được mở rộng nhưng chất lượng chưa cao, một trong những nguyên nhân hàng đầu là do sự hạn chế từ góc độ quản trị đại học, quản trị nhà trường, đặc biệt là sự bất cập trong quản lý Nhà nước về giáo dục đại học và hạn chế về năng lực nội tại trong quản lý của bản thân các trường đại học.

Thạc sĩ Lê Văn Gấm - Giảng viên, Phó Giám đốc Chương trình Quản lý Nhà nước – Trường Đại học Thủ Dầu Một. (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Lê Văn Gấm - Giảng viên, Phó Giám đốc Chương trình Quản lý Nhà nước – Trường Đại học Thủ Dầu Một. (Ảnh: NVCC)

“Điều này cũng đã được khẳng định trong Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 12 năm 2016, Báo cáo Tổng kết việc thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP, ngày 24/12/2010 của Chính phủ về 'Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục'.

Theo đó, hệ thống quản lý Nhà nước về giáo dục vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Cụ thể, cơ quan chủ quản quản lý giáo dục đại học chưa được thống nhất, việc phân cấp quản lý chưa rõ ràng, chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới quản lý giáo dục, dẫn đến những bất cập, chồng chéo và hiệu quả chưa cao.

Hiện nay, có nhiều cơ quan quản lý Nhà nước cùng tham gia vào hệ thống quản lý đại học, ở cấp Trung ương bao gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số bộ, ngành, cơ quan ngang bộ; cấp địa phương gồm Sở Giáo dục và Đào tạo, và một số sở chuyên môn cấp địa phương, một số doanh nghiệp cùng tham gia vào quản trị cơ sở giáo dục đại học.

Công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy chế của các cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ đại học thuộc địa phương chưa đảm bảo”, thầy Gấm cho biết.

Nhìn chung, vấn đề tự chủ đại học Việt Nam bước đầu đã có những chuyển biến, thành công nhất định. Cụ thể, từ chỗ toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý Nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ.

Tuy nhiên, tự chủ đại học ở Việt Nam chưa tạo ra chuyển biến đáng kể do những vướng mắc về thể chế, chính sách, đặc biệt các hạn chế của các văn bản quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Các trường đại học ở một số nước phát triển trên thế giới được trao quyền tự chủ rất cao, được xem là tác nhân tương quan với Nhà nước. Dù rằng không phủ nhận những ảnh hưởng của Nhà nước với trường đại học, nhưng trường đại học không hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước.

“Xem xét so sánh, đối chiếu về khía cạnh lý luận và thực tiễn các trường đại học trên thế giới cho thấy, ở Việt Nam có sự “ngược lại” hoàn toàn, khi Nhà nước còn can thiệp khá trực tiếp, toàn diện và quá sâu đối với trường đại học từ đầu tư, tổ chức bộ máy, nhân sự đến vấn đề về học thuật như chương trình, nội dung đào tạo,…

Phương thức quản lý này phần nào đã làm triệt tiêu sự sáng tạo, chưa phát huy được tính năng động, tích cực và sức cạnh tranh giữa các trường đại học, dẫn đến sự “xé rào” của một số trường đại học thời gian qua và cuối cùng, tự chủ đại học còn khó đi vào thực chất”, Thạc sĩ Lê Văn Gấm khẳng định.

Phát huy vị thế của Hội đồng trường

Trước những vướng mắc còn tồn tại, Thạc sĩ Lê Văn Gấm đưa ra 5 khuyến nghị nhằm thúc đẩy tự chủ đại học tại Việt Nam.

Thứ nhất, sứ mạng trường đại học phải do nhà trường quyết định. Kinh nghiệm quốc tế về tự chủ đại học và quản trị đại học đã chỉ ra, đối với cơ sở giáo dục đào tạo đại học, việc xác định sứ mạng đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại, quyết định hướng phát triển và khả năng cạnh tranh của mỗi trường.

Nhưng theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), cũng như những văn bản dưới luật hiện hành ở Việt Nam, việc phát triển trường đại học theo định hướng nào đều do các nhân tố ngoài trường quyết định là chính. Theo luật này, trường đại học được phân tầng: Tầng 1 là đại học định hướng nghiên cứu; Tầng 2 là đại học định hướng ứng dụng; Tầng 3 là đại học định hướng thực hành.

Mỗi tầng lại gồm các hạng, và căn cứ vào kết quả xếp hạng, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quyết định ưu tiên đầu tư, giao nhiệm vụ và cơ chế quản lý đặc thù đối với cơ sở giáo dục đại học. Quy định như vậy sẽ dẫn đến, mục tiêu và định hướng phát triển trường dễ bị chi phối vì lợi ích. Và rõ ràng, sứ mạng của cơ sở giáo dục đại học do Nhà nước quy định.

Để định hướng tự chủ - tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học ngày càng đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển hiện nay thì sứ mạng của trường đại học phải do nhà trường quyết định.

Thứ hai, về thể chế hóa và thay đổi tư duy quản trị đại học, để trao quyền và chuyển đổi thành công từ mô hình Nhà nước quản trị sang Nhà nước giám sát thì thể chế, chính sách quản lý Nhà nước về giáo dục đại học cần được luật hóa. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, điều chỉnh những bất cập, hạn chế của những văn bản quản lý về giáo dục và đào tạo hiện hành. Nhà nước cần trao quyền mạnh mẽ hơn về tự chủ đại học cho các cơ sở giáo dục đại học, Nhà nước thực hiện tốt vai trò quản lý chiến lược, thay vì “ôm quyền”, bao cấp, can thiệp quá sâu vào nội bộ của cơ sở giáo dục như hiện nay.

Thứ ba là vấn đề phát huy hiệu lực, vị thế của Hội đồng trường. Để tự chủ đại học và quản trị đại học phát huy hiệu lực, hiệu quả một cách đầy đủ, cần tổ chức và thực hiện tốt mô hình Hội đồng trường và Hội đồng quản trị. Vấn đề này đã được quy định ở Luật Giáo dục (2005), Điều lệ trường đại học (2003, 2010, 2014) và Điều lệ trường cao đẳng (2009), Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và một số văn bản liên quan khác.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số trường đại học chưa thành lập Hội đồng trường. Trong khi đó, hoạt động của Hội đồng trường đại học công lập vẫn còn rất thấp, thậm chí vẫn còn những ý kiến khác nhau trong việc tổ chức Hội đồng trường.

Để Hội đồng trường phát huy quyền lực, quyết định chiến lược, khẳng định vị thế và thương hiệu của cơ sở giáo dục đại học, đáp ứng và phù hợp với xu thế phát triển giáo dục, việc cấp bách hiện nay là Hội đồng trường cần phải có thực quyền, cần được nâng cao vị thế. Tuy nhiên, cần có Ban giám sát Hội đồng trường để phát huy hiệu lực và hiệu quả của Hội đồng trường, đảm bảo Hội đồng trường tổ chức và hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Thứ tư, là trao quyền tự chủ gắn với công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Trong đó, vấn đề công khai, minh bạch phải được chú trọng. Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường đại học đóng vai trò quan trọng trong tất cả các khía cạnh của quản trị đại học.

Trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học xoay quanh chủ yếu bốn chủ thể là người học, cộng đồng, xã hội và Nhà nước. Và quy tắc chung, mức độ tự chủ càng lớn thì trường đại học phải tự chịu trách nhiệm giải trình càng cao.

Điều đó có nghĩa là chất lượng mọi mặt hoạt động của trường đại học phải được cải tiến một cách tuyến tính so với mức độ tự chủ được trao. Trách nhiệm giải trình là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng hoạt động của trường đại học. Đồng thời, cần tránh hiện tượng “thương mại hóa giáo dục và đào tạo”.

Thứ năm, cần sự đồng bộ trong các văn bản pháp luật về quản trị đại học. Từ thực tiễn có nhiều luật và văn bản pháp lý của nhiều bộ, ngành quản lý về tự chủ đại học nên dẫn đến trình trạng “cởi chỗ nọ, trói chỗ kia”, chồng chéo, bất cập. Tuy nhiên, cần tránh hiện tượng “hành chính hóa giáo dục và đào tạo”.

Do vậy, để tự chủ đại học thành công góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, cần có sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản pháp luật giữa các bộ ngành, tránh hiện tượng chồng chéo, xóa bỏ các “rào cản” ảnh hưởng đến quá trình tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay.

Phạm Minh