Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Một trong ba đột phá chiến lược được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang nhận định, đây là một mục tiêu đầy thách thức nhưng vẫn có thể thực hiện thành công một khi các giải pháp đồng bộ được thực hiện tốt, đặc biệt là ba đột phá chiến lược.
“Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” cũng như “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo” đều là những nhiệm vụ cốt lõi của giáo dục đại học nước nhà nói chung cũng như từng trường đại học nói riêng.
Theo thông lệ quốc tế, thuộc tính quan trọng hàng đầu của đại học là tự chủ. Hay như Giáo sư Phạm Phụ từng khẳng định: “tự chủ là bản chất của đại học” [1].
Do vậy, để cho các trường đại học phát triển tốt, cũng như mong muốn đất nước có dồi dào “nguồn nhân lực chất lượng cao” và “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo” thì tự chủ đại học phải là điều kiện tiên quyết!
Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang. (Ảnh: NVCC) |
Mặt khác, một trong những “giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam” chính là ý chí tự lực, tự cường hay tinh thần tự chủ. Điều này càng được khẳng định khi chuyên đề toàn khóa về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã được Trung ương xác định: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Có thể nói, tính độc lập, tự chủ hay ý chí tự lực, tự cường vốn là “giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam”, đã được thể hiện rất đậm nét trong thời chiến qua các cuộc đấu tranh giành độc lập hay bảo vệ Tổ quốc, nay được khuyến khích phát huy cùng với “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” nhằm gia tăng sức mạnh tinh thần của người Việt trong thời bình. Sức mạnh tinh thần hòa quyện cùng với sức mạnh vật chất sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cực lớn để “con tàu” Việt Nam chạy nhanh và vững vàng hơn, cập bến mục tiêu vào năm 2045 một cách thành công.
“Một trường đại học thực hiện quyền tự chủ đúng nghĩa thì từng đơn vị cũng như viên chức, sinh viên thuộc trường cũng phải được tự chủ và kèm theo đó là tự chịu trách nhiệm trong phạm vi tự chủ của mình.
Do vậy, một khi cơ chế tự chủ ở trường đại học được thực thi một cách thực chất thì giảng viên, sinh viên cũng sẽ được trải nghiệm mạnh mẽ về tự chủ và tinh thần trách nhiệm. Từ đó, sinh viên tốt nghiệp ra xã hội làm việc, sẽ là những công dân mẫu mực với chất lượng cao, nhất là tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân vì khát vọng của bản thân nói riêng và đất nước nói chung”, Tiến sĩ Thịnh khẳng định.
Thầy Thịnh cho biết thêm: “Những vấn đề cần thiết, khó, mới muốn triển khai thực hiện trong xã hội thì cần được tiên phong, thí điểm thực hiện trong các trường đại học vì trường đại học có sứ mạng cao cả đó. Mọi công dân trong xã hội được khuyến khích rèn luyện, phát huy ý chí tự lực, tự cường hay tinh thần tự chủ thì “công dân” trong trường đại học là những cán bộ chủ chốt, viên chức, sinh viên càng phải được trải nghiệm và phát huy mãnh mẽ tinh thần này!
Tự chủ đại học còn chậm, bản chất của trường đại học chưa được thể hiện và phát huy thì trường đại học khó có thể phát triển tốt đúng quỹ đạo vốn có của nó. Từ đó, những nhiệm vụ cốt lõi của nền giáo dục đại học nước nhà khó hoàn thành tốt, dẫn đến một trong ba khâu đột phá chiến lược được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như nhiều Đại hội Đảng toàn quốc trước từng vạch ra sẽ khó hoàn thành. Ba khâu đột phá chiến lược trên có thể được ví như “ba chân của một chiếc kiềng”. Do vậy một trong ba khâu đột phá có vấn đề thì “kiềng ba chân” sẽ không còn vững, mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045 sẽ khó đạt”.
Tôn trọng và đảm bảo quyền tự chủ của các trường đại học
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh, để có thể vận hành tốt cơ chế tự chủ ở một trường đại học thì quyền lực cao nhất của trường phải được trao cho một tập thể chứ không phải cá nhân hiệu trưởng. Tập thể đó chính là Hội đồng trường và đây cũng chính là mấu chốt, là chìa khóa để cơ chế tự chủ đại học được vận hành một cách thực chất, hiệu quả.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương cũng đã khẳng định: “Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”.
Luật số 34/2018/QH14 đã tạo ra hành lang pháp lý khá thuận lợi cho các trường đại học Việt Nam được tự chủ toàn diện, từ đó trường có thể phát triển mạnh.
Tuy nhiên ở nhiều luật liên quan khác như Luật Viên chức, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, các luật về thuế, tài chính, v.v… và một số nghị định liên quan vẫn còn nhiều nội dung bất cập, thiếu nhất quán so với Luật 34. Điều này vô tình ngăn cản quá trình tự chủ đại học thực chất nói chung cũng như thực quyền của Hội đồng trường nói riêng ở các trường đại học.
Thầy Thịnh cho rằng, để giải quyết vấn đề này một cách căn bản và nhanh chóng, Quốc Hội khóa XV cần sớm ban hành một luật chỉnh sửa tất cả những nội dung bất cập ở các luật liên quan so với Luật 34.
Việc này tương tự như cách mà Quốc Hội khóa XIV đã từng làm với Luật Quy hoạch, với hàng chục luật liên quan được chỉnh sửa cho phù hợp với Luật Quy hoạch đã được ban hành. Thời điểm đó, hành lang pháp lý chưa được đầy đủ để thực hiện chủ trương dùng một luật để sửa cùng lúc nhiều luật khác có liên quan. Tuy nhiên, do tính cấp thiết của Luật Quy hoạch nên Quốc hội khóa XIV đã quyết định chủ trương trên và thiết nghĩ đó là một quyết định sáng suốt, kịp thời.
Điều này cũng phù hợp với quy định trong Luật số 63/2020/QH14 về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Theo khoản 3, Điều 12 của luật này: “Một văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng cơ quan ban hành trong trường hợp: Nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ có liên quan chặt chẽ với nhau để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với văn bản mới được ban hành”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc Hội khóa XV có thể xem xét ban hành một luật chỉnh sửa tất cả những nội dung bất cập ở các luật liên quan so với Luật 34.
Một số Nghị định liên quan còn thiếu nhất quán so với Luật 34 như Nghị định 99/2019/NĐ-CP, Nghị định 115/2020/NĐ-CP, … cũng cần được Chính phủ và các bộ ngành liên quan sớm xem xét hiệu chỉnh với hình thức phù hợp.
Thêm một vấn đề cần lưu tâm là mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong một trường đại học, cũng chính là mối quan hệ giữa lãnh đạo, quản trị và quản lý.
Đảng ủy có vai trò lãnh đạo, Hội đồng trường có vai trò quản trị và Hiệu trưởng có vai trò quản lý. Tuy nhiên trong thực tiễn hoạt động cũng còn nhiều vấn đề chưa rõ, khó phân vai, nhất là giữa Đảng ủy và Hội đồng trường. Bản thân nội hàm các khái niệm lãnh đạo, quản trị, quản lý cũng chưa được rạch ròi, bên cạnh điểm đặc thù cũng có những điểm chung.
Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường đại học công lập bao gồm nhiều việc mà trước đây (trước khi Luật 34 có hiệu lực thi hành) thuộc thẩm quyền của cơ quan chủ quản trường đại học hoặc hiệu trưởng.
Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan của trường đại học tự chủ cần phải có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ của các trường đại học, tiến tới bỏ cơ chế cơ quan chủ quản trường đại học ở các trường đại học tự chủ theo đúng tinh thần của Luật 34. Trường đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật, không nên còn tồn tại cơ chế “xin – cho”.
Đảng ủy trường đại học công lập cần chú trọng và phát huy mạnh mẽ phương thức lãnh đạo thông qua đảng viên, đặc biệt là những đảng viên nắm giữ các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính quyền, đoàn thể. Đảng ủy cần phải làm thật tốt vấn đề quy hoạch cán bộ trong chính quyền, đoàn thể và trong chính Đảng ủy, đặc biệt là cán bộ chủ chốt theo quy định hiện hành.
Như Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã chia sẻ: “Nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành Bộ khung quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành trường đại học tự chủ giữa Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban giám hiệu – Cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác cần đề nghị với Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương có chủ trương và quy định về việc đổi mới căn bản phương thức lãnh đạo của Tổ chức Đảng trong nhà trường tự chủ, bảo đảm cho Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất” [2]
Ở khía cạnh khác, khi được trao quyền tự chủ thì các trường đại học công lập phải có năng lực quản trị với hội đồng trường đủ mạnh, đồng thời tích cực, chủ động vạch ra lộ trình, kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội cũng như nghiên cứu, giải quyết những bài toán khó cho địa phương và đất nước trong tiến trình phát triển, bên cạnh đó làm tốt trách nhiệm giải trình những thông tin liên quan theo quy định của pháp luật.
Với hành lang pháp lý thật sự thông thoáng, đồng thuận xã hội, cơ chế tự chủ đại học được thực thi một cách thực chất dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp có thẩm quyền cao nhất thì nền giáo dục đại học nước nhà chắc chắn sẽ phát triển bứt phá, là tiền đề quan trọng để “con tàu” Việt Nam băng băng tiến đến những mục tiêu trong từng cột mốc quan trọng vào năm 2025, 2030 và đặc biệt là năm 2045, “Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao” như kỳ vọng đã được định ra ở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như mong ước của toàn dân ta.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/cac-truong-dh-phai-tu-chu-va-tu-chu-la-ban-chat-cua-dh-20190929190214704.htm
[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tien-si-vu-ngoc-hoang-neu-6-van-de-can-luu-y-de-co-thanh-cong-ve-tu-chu-dai-hoc-post223033.gd