Kiểm tra trực tuyến điểm cao hơn trực tiếp là điều bất thường

20/01/2022 06:49
NGUYỄN ĐĂNG
GDVN- Bài toán chất lượng học trực tuyến quả là khó khăn và đang tồn tại một nghịch lý là học trực tuyến nhưng điểm kiểm tra của học trò thì lại cao hơn học trực tiếp.

Năm học này, các tỉnh phía Nam đang phải dạy và học trực tuyến nên việc kiểm tra cũng phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến và điều mà giáo viên đang phải chứng kiến là điểm học sinh luôn cao bất thường.

Mặc dù nhà trường đã biết, đã nhìn thấy vấn đề không trung thực trong kiểm tra, thấy những điều bất thường qua kiểm tra thường xuyên, định kỳ (kiểm tra giữa kỳ) và đưa ra giải pháp khi kiểm tra học kỳ nhưng cuối cùng cũng không khả thi.

Những môn trắc nghiệm thì cao đã đành, môn tự luận như Ngữ văn thì nhiều học sinh cũng làm giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Thầy cô ngồi chấm bài cho học trò mà lòng buồn khôn xiết bởi nội dung các bài kiểm tra giống nhau đến khó tin.

Học sinh giỏi thì điểm giỏi đã đành, học sinh học hành lơ mơ, chểnh mảng nhưng cuối cùng điểm kiểm tra vẫn cao như thường. Việc gian lận trong kiểm tra trực tuyến vẫn xảy ra thường xuyên.

Việc kiểm tra trực tuyến hiện nay rất khó đánh giá đúng chất lượng học tập (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Tiền phong)
Việc kiểm tra trực tuyến hiện nay rất khó đánh giá đúng chất lượng học tập
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Tiền phong)

Những điểm số của học trò cao bất ngờ trong các bài kiểm tra

Nhìn thấy thực trạng gian lận của học trò trong kiểm tra nên nhiều trường học đã triển khai kiểm tra cuối học kỳ I khá bài bản. Dù kiểm tra trực tuyến nhưng giáo viên vẫn vào trường để gác kiểm tra.

Đề kiểm tra được giáo viên dựng trên Google form và gửi vào ngân hàng đề của nhà trường. Ban giám hiệu nhà trường sẽ lựa chọn 1 trong số đề mà giáo viên đã ra để làm đề kiểm tra chính thức.

Ngày kiểm tra, học sinh vẫn vào lớp học trực tuyến bằng đường link của lớp, nhà trường sẽ gửi đề kiểm tra học kỳ lên mail chung của nhà trường. Giám thị gác sẽ copy đường link kiểm tra vào dán vào khung chat của phần mềm Google Meet cho học sinh làm bài.

Quá trình làm bài, nhà trường yêu cầu học sinh phải mở webcam để giáo viên quan sát nhưng khi hết giờ thì nhìn lên bảng nộp bài đối với những môn trắc nghiệm thì điểm của học trò rất cao. Đa số điểm giỏi, điểm trung bình rất ít và tất nhiên điểm dưới trung bình thì cực hiếm.

Trong các môn học hiện nay, chỉ có môn Ngữ văn là làm bài tự luận nhưng cho dù tự luận thì đa phần học sinh cũng gian lận mà giám thị cũng không thể phát hiện ra. Còn giáo viên chấm bài thì đương nhiên phải chấm cho học sinh điểm cao - dù biết rõ là học trò đã gian lận trong quá trình làm bài.

Học trò có nhiều cách để đối phó và gian lận với thầy cô

Cho dù nhà trường yêu cầu học sinh phải mở webcam trong suốt quá trình làm bài kiểm tra nhưng không thể áp dụng triệt để được vì chỉ có một số em thực hiện theo yêu cầu của giám thị.

Các em đưa ra lí do là làm bài bằng điện thoại nên khi làm bài kiểm tra thì phải chuyển chức năng, có em thì nói không mở được hình ảnh, có em thì nói em học máy bàn không có webcam nên nhà trường và giám thị đành phải thuận theo cách lí giải của học trò.

Quá trình làm bài thì trong mỗi lớp chỉ cần 1-2 em làm được là cả lớp làm được vì các em vừa làm, vừa chụp màn hình gửi lên nhóm Zalo của nhóm để các bạn cùng “tham khảo”.

Môn Ngữ văn là môn kiểm tra tự luận duy nhất cũng không tránh khỏi những đáp án được photo bằng các "bản sao" cho nhau.

Đề môn Ngữ văn có 2 phần, phần đọc hiểu là những câu hỏi ngắn, được thầy cô thiết kế làm trực tiếp trên phần mềm thì học trò vừa làm, vừa chụp gửi cho nhau nên khi chấm thì đa phần các câu trả lời giống nhau đến từng dấu phẩy nhưng đều đúng.

Phần làm văn thì học trò copy trên mạng Internet rồi dán vào file Word và tải lên nộp bài. Em nào ranh mãnh thì còn cắt dán cẩn thận, nhiều em copy trên mạng sao thì dán vào file Word nộp cho thầy y nguyên vậy.

Những em thực hiện viết tay thì cũng nhìn các bài mẫu trên mạng hoặc sách tham khảo để chép rồi chụp ảnh gửi cho thầy cô. Chỉ có một số rất ít em tự làm bài bằng chính năng lực của mình.

Thầy cô chấm Văn chỉ cần thấy vài bài mà giống nhau thì sẽ đi đến kết luận, hoặc chấm trên file Word, file PDF thì chỉ cần copy một đoạn dán lên Google.com là sẽ ra được nguồn gốc của bài văn một cách dễ dàng.

Nhưng, giáo viên làm gì được học trò đây khi mà các em vẫn làm đúng với đáp án thầy cô thì không có lí do gì mà thầy cô cho điểm thấp.

Bởi, quanh đi, quẩn lại cũng chừng ấy phương thức biểu đạt, tác phẩm văn học thì phải ra đề vào nội dung kiến thức đã học chứ ra đề mở, hoặc quá cao thì không đúng với tinh thần chỉ đạo giảm tải mà điều quan trọng là học sinh không làm được bài thì điểm thấp mà điểm thấp thì giáo viên còn bị phê bình, hoặc giải trình rất mệt mỏi.

Thậm chí còn bị cắt thi đua, đánh giá, xếp loại ở mức thấp vào dịp cuối năm học khi mà kết quả giảng dạy không đạt chỉ tiêu hoặc không bằng điểm bình quân của bộ môn trong trường.

Thầy cô bất lực trước gian lận trong kiểm tra trực tuyến của học trò

Bây giờ, học sinh rất giỏi công nghệ và những thao tác trên điện thoại, máy tính được các em thực hiện rất nhanh và tinh vi. Cho dù thầy cô đưa ra giải pháp nào để chống gian lận thì học sinh vẫn tìm cách để đối phó.

Học sinh từ cấp Trung học cơ sở trở lên là các em đã thành thạo trong việc sử dụng các phần mềm. Nhất là học trực tuyến thì bắt buộc các em phải có máy tính, điện thoại và các lớp, các môn học đều phải lập nhóm Zalo để trao đổi, thông tin giữa giáo viên với học sinh.

Từ đó, các em dễ dàng tạo nhóm để trao đổi, trò chuyện và cũng là cách để giúp nhau khi kiểm tra hoặc khi bị thầy cô hỏi trả bài trên lớp.

Trong quá trình học trực tuyến, nhiều học sinh liên tục mở các tab khác nhau, nếu như giáo viên đặt câu hỏi, gọi một học sinh nào đó trả lời thì những học sinh giỏi đã “ra tay nghĩa hiệp” bằng cách nhắn tin lên nhóm.

Với cách “học” này, thầy cô khó phát hiện ra được những gian lận của học trò. Chỉ những học sinh quá chậm, hoặc ít giao lưu mới đơn độc trong học tập, còn lại thì các em giúp đỡ nhau rất nhiệt tình.

Chính vì vậy, việc giáo viên đánh giá kết quả học tập, kiểm tra trực tuyến hiện nay rất gian nan và không thể nào đánh giá chính xác được. Dù thầy cô biết rõ cách thức, chiêu trò của học sinh nhưng không thể nào làm gì được học trò.

Bây giờ thầy cô chỉ có thể động viên tinh thần tự học, đề cao trung thực trong học tập, kiểm tra nhưng thầy cô chỉ nói còn học sinh có thực hiện hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Bài toán chất lượng học tập trực tuyến quả là khó khăn và nó đang tồn tại một nghịch lý là học trực tuyến nhưng điểm kiểm tra của học trò thì lại cao hơn rất nhiều học trực tiếp nhưng thầy cô cũng đành chịu thua học trò.

Vì bài các em làm đúng thì không có lí do gì để thầy cô cho học trò điểm thấp!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG