Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giáo dục chuyển trạng thái từ dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến, một hình thức dạy học mới với cả thầy và trò, thế nhưng bằng nỗ lực vượt khó, dạy trực tuyến đã dần vào nề nếp.
Dạy trực tuyến nên cũng phải kiểm tra, đánh giá trực tuyến, cùng với đó, xuất hiện những vấn đề mới, chưa bao giờ có: đánh giá hạnh kiểm sẽ ra sao? Kiểm tra trực tuyến có đảm bảo công bằng?...
Cười ra nước mắt với kiểm tra trực tuyến
Khi kiểm tra trực tuyến với bài tự luận, giáo viên ra đề, học sinh làm trên giấy, chụp hình gửi cho thầy cô, có trường gửi bài qua Messenger, có trường gửi bài qua Azota, có trường gửi bài qua Zalo,… nói chung là muôn hình vạn trạng.
Cô giáo Ng. (đề nghị không nêu tên) dạy Ngữ văn chia sẻ: “Đọc bài làm của học sinh trên giấy còn phải dịch, phải đoán, mới hiểu được chữ, nghĩa của học trò, nay đọc qua hình ảnh, muốn “lòi mắt” luôn thầy ơi.
Kĩ năng chụp hình của các em, nói chung là quá yếu, phương tiện không chuyên nghiệp, nên hình ảnh “mờ mờ ảo ảo”, dẫu vậy, có bài mà chấm cũng là mừng rồi.
Học sinh còn chụp cả màn hình đang chơi game gửi cho cô giáo nữa đó thầy, không biết cô nên chấm bài hay chấm kết quả chơi game của trò, cười… nhưng ra nước mắt luôn”.
Ảnh chụp màn hình học sinh gửi bài tự luận cho cô giáo: Cô chấm bài hay chấm kết quả học sinh chơi game? |
Đó là bài tự luận, còn bài trắc nghiệm thì sao?
Rất nhiều cơ sở giáo dục hiện nay sử dụng Azota để kiểm tra trắc nghiệm, phần vì dễ sử dụng, phần nhiều vì miễn phí.
Thế nhưng, cùng với đó là sự không hoàn hảo của “miễn phí”. Học sinh làm bài, nộp bài, có điểm nhưng giáo viên không nhận được kết quả. Vì thế, sau khi nộp bài, học sinh đều phải chụp lại màn hình để… làm minh chứng “phòng thân”.
Cũng có những học sinh vào kiểm tra với tên “bá đạo”, đầy “thách thức” giáo viên: Xin cô 5 điểm, Cân bài TN,… kể cả những tên “không dám nói ra”.
Cô giáo T. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Vì học sinh hay chọn nhầm tên, dẫn đến bạn bị chọn nhầm tên không thể vào kiểm tra được, phải chờ giáo viên mở khóa, nên em cho học sinh tự điểm danh khi vào kiểm tra.
Chính vì thế, em nhận được những tên không mong muốn, đọc tên học sinh tự điểm danh mà… rùng cả mình”.
Người viết nhận được hình ảnh chia sẻ của giáo viên, với tên học sinh tự điểm danh khi kiểm tra trực tuyến trên Azota mà không khỏi suy ngẫm: Đố Cho Thiếu Điểm, Đố Cô Cho Em Thiếu Điểm…
“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, quỷ, ma không có, học trò thành nhất, thế nhưng với những tên tự điểm danh đầy khiêu khích, thiếu văn hóa… có phải là học trò?
Tên học sinh đầy thách thức với thầy cô giáo. (Ảnh chụp màn hình) |
Không phải ngẫu nhiên mà học sinh đặt tên “Đố Cho Thiếu Điểm”… dù điểm số của mình chỉ đạt 1.67, phải chăng học sinh này đã bị “đôn” lên lớp cho đạt chỉ tiêu, hay giáo viên các lớp trước đã sửa điểm vì thành tích của bản thân và nhà trường?
Vì thế, bây giờ em ấy mất gốc, không tiếp thu được bài, nhưng vẫn có “niềm tin” mình sẽ “bị lên lớp”, vì thế buông lời thách đố với giáo viên?
Trách học sinh, nhưng chúng ta phải tự trách mình trước. Hậu quả nhãn tiền là đây, khi bệnh thành tích đã và đang hoành hành trong giáo dục “Học trực tuyến chưa được 2/3 sĩ số, chỉ tiêu 98% lên lớp giáo viên phải làm sao?”.
Vì thế, dù dạy trực tiếp hay trực tuyến, đừng để giáo viên phải sửa điểm để khỏi ảnh hưởng thi đua. Muốn vậy, phải dẹp bỏ tiêu chí đăng kí thi đua tỷ lệ học sinh lên lớp đầu năm học.
Không bị áp lực chỉ tiêu chắc chắn giáo viên sẽ tổng kết đánh giá thật, có tổng kết đánh giá thật, mới có dạy thật, học thật.
Dạy thật, học thật là mong ước của cả người dạy và người học, mong rằng trước khi nói đến những điều to tát, xin hãy bỏ chỉ tiêu đăng kí đầu năm, giảm áp lực cho giáo viên, để giáo viên “sống thật” với chính mình, trước khi làm gương cho học trò.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.