Ngày 12/1/2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành nội vụ do Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức.
Theo đó, trong năm qua Bộ, ngành Nội vụ đã đạt được nhiều thành tích, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được Thủ tướng đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, hoan nghênh.
"Bộ, ngành Nội vụ tiếp tục thực hiện hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, ngành, địa phương; hoàn thành vượt chỉ tiêu giảm biên chế công chức và số viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 39-NQ/TW, Kết luận 71-KL/TW của Bộ Chính trị; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước; chủ động rà soát, cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với công chức, viên chức được dư luận đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.” [1]
Ảnh minh họa: Nhandan.vn |
Bỏ chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học, chức danh nghề nghiệp đã giảm được áp lực, kinh phí cho giáo viên cả nước
Nỗ lực về cắt giảm các chứng chỉ không phù hợp của nhà giáo nói riêng và cán bộ, công chức, viên chức nói chung được Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu kịp thời cho Chính phủ và đã được hiện thực hóa bằng việc ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2021 đã chính thức bỏ nội dung đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, chỉ còn quy định giáo viên chỉ cần duy nhất một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (hiện nay một giáo viên có thể cần đến 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khi thăng hạng III, II, I).
Nghị định 89 ban hành đã được cán bộ, công chức, viên chức đồng tình ủng hộ, hoan nghênh.
Giáo viên không chỉ đỡ một phần kinh phí không nhỏ để học các chứng chỉ trên mà còn giảm áp lực về thời gian, công sức để học bồi dưỡng các chứng chỉ không hiệu quả trên.
Người viết cũng là một giáo viên đang đứng lớp tin rằng nhà giáo cả nước rất biết ơn Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vấn đề trên, từng bước giảm việc hình thức, đi vào thực chất hơn lấy lại niềm tin trong giáo viên cả nước.
Chúng tôi mong Bộ trưởng Nội vụ, ngành Nội vụ tiếp tục quan tâm tháo gỡ các khó khăn của giáo viên. Trong năm qua kết quả làm việc của Bộ, ngành Nội vụ rất đáng ghi nhận, chúng tôi vô cùng biết ơn Bộ trưởng Bộ Nội vụ không chỉ tham mưu Chính phủ ban hành quy định về bỏ chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học, chức danh nghề nghiệp mà còn thông qua những việc khác như tinh giản biên chế, sáp nhập các cơ quan, địa bàn,…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ còn có phát biểu rất được giáo viên cả nước quan tâm đó là việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường Quốc hội ngày 11/11/2021:
“Tôi rất mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm căn cứ vào Nghị định này để rà soát và sửa đổi một cách hết sức khẩn trương đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04, vì hiện nay, trong quá trình tổ chức thực hiện chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều những đơn thư đề nghị từ giáo viên ở cơ sở trong việc còn những vướng mắc, bất cập, bởi vì chúng ta chưa tính đến sự chuyển tiếp đối với rất nhiều thế hệ giáo viên đào tạo qua nhiều hệ đào tạo khác nhau…”
Giáo viên vô cùng hoan nghênh hy vọng về việc sửa đổi sắp tới sẽ khắc phục được những bất cập trong thời gian qua.
Người viết rất biết ơn Bộ trưởng Bộ Nội vụ và thông qua bài viết, rất mong Bộ Nội vụ tiếp tục quan tâm đến giáo viên cả nước, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về lương, chế độ giáo viên.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: TTXVN) |
Trong phạm vi quyền hạn của mình, hy vọng Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới quan tâm những vấn đề mà theo người viết là còn chưa phù hợp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên
Thực tế, Nghị định 89/2021 quy định giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành cũng đã giải tỏa phần nào áp lực của giáo viên, giáo viên vui mừng và rất biết ơn.
Tuy nhiên, ngành giáo dục là ngành đặc thù, giáo viên khi ra trường đã được học tại trường sư phạm về nhiệm vụ giáo viên, kiến thức pháp luật, chuyên ngành,… khi công tác thì được hiệu trưởng, tổ trưởng giao và thực hiện nhiệm vụ nên chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thực tế không cần thiết, đối với giáo viên cũng không có giá trị, nên rất mong Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét và tiếp tục kiến nghị Chính phủ bỏ hẳn quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.
Thứ hai, xem xét lại việc giảm biên chế các trường
Hiện nay giáo viên cả nước còn thiếu khá nhiều, tuy nhiên quy định giảm 10% biên chế giáo viên tại các trường khiến các địa phương rất khó tuyển dụng giáo viên, gây khó khăn cho các trường.
Giáo viên là người thực hiện nhiệm vụ theo quy định ví dụ dạy ở trung học phổ thông 17 tiết/tuần, trung học cơ sở 19 tiết/tuần, tiểu học 23 tiết/tuần, giảm 10% biên chế giáo viên thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên kéo dài, việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, chính trị tại trường rất khó hoàn thành tốt.
Thứ ba, tiếp tục theo dõi sát việc sửa đổi lương giáo viên theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04
Hiện nay, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉnh sửa chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 (có hiệu lực 20/3/2021) nên dẫn đến tình trạng một số giáo viên hưởng lương theo Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 đã hết hạn, đối với giáo viên mới ra trường thì lại nhận lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 dẫn đến không đồng bộ, khoa học lẫn lộn giữa Thông tư cũ và mới. Rất mong Bộ Nội vụ có trao đổi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định thống nhất về mã số, hạng chức danh nghề nghiệp thống nhất cả nước.
Cũng rất mong Bộ Nội vụ có sự quan tâm khi Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 khắc phục một số bất cập sau:
Một là, việc xếp lương phải được thực hiện đồng bộ, cùng một thời điểm thống nhất cả nước. Tránh việc mỗi địa phương xếp lương một kiểu khác nhau.
Hai là, quan tâm đến giáo viên chưa đạt chuẩn mới
Do Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 01/7/2020 thì trình độ chuẩn của giáo viên các cấp học được nâng lên đã dẫn đến nhiều trường hợp từ đạt chuẩn, trên chuẩn thành chưa đạt chuẩn do đó nhiều giáo viên khi xếp lương mới thì không được xếp hạng, rất thiệt thòi cho họ.
Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đối tượng này nhất là giáo viên gần nghỉ hưu và giáo viên có nhiều thành tích, cống hiến.
Ba là, quan tâm đến đối tượng giáo viên có trình độ thạc sĩ, đại học vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng nhiều năm
Giáo viên có trình độ thạc sĩ, đại học có người gần 10 năm nay hiện nay vẫn còn hưởng lương trung cấp, cao đẳng là hết sức thiệt thòi trong thời gian qua.
Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo khi sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 thì quan tâm đến những giáo viên này, nhất là những giáo viên đang là hiệu trưởng, tổ trưởng và những giáo viên có nhiều thành tích, đạt các tiêu chuẩn hạng I, II.
Bốn là, ban hành rõ quy định về việc chuyển xếp lương khi thăng hạng
Hiện nay việc chuyển xếp lương khi thăng hạng được thực hiện theo Thông tư 02/2007/TT-BNV nhưng khi chuyển xếp lương gặp một số vấn đề như khi chuyển xếp lương thì có trường hợp chuyển xếp lương rất cao, có trường hợp hầu như không tăng dẫn đến không công bằng.
Rất mong Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 02/2007 cho phù hợp tình hình hiện nay, xóa bất cập khi chuyển xếp lương.
Năm là, các trường hợp xuống hạng
Hiện nay ở bậc mầm non có quy định trường hợp xuống hạng, xuống lương ví dụ giáo viên mầm non hạng II hiện nay (có hệ số lương 2,34 - 4,98) nếu không đạt tiêu chuẩn giáo viên hạng II mới thì bị chuyển xuống hạng III mới có hệ số lương (2,1 - 4,89) bị xuống hạng, xuống lương. Tuy nhiên, quy định hiện nay không có quy định chuyển xếp lương khi xuống hạng. Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc này.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://baochinhphu.vn/Thoi-su/Lan-dau-tien-vuot-muc-tieu-tinh-gian-bien-che-va-giam-hang-nghin-don-vi-cap-phong/458554.vgp?
[2] Nghị định 89/2021/NĐ-CP
[3] Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT