Tốt nghiệp tiến sĩ tại Đài Loan và trước đó cũng đã từng làm việc tại Australia, Tiến sĩ Phạm Hiệp quyết định trở về nước vào năm 2017.
Tại Hà Nội, anh cũng từ chối một số lời mời của một số đại học lớn ở Hà Nội để tự “khởi nghiệp”, đồng sáng lập 1 trung tâm nghiên cứu độc lập, tổ chức “huấn luyện” nghiên cứu, hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội. Trong 4 năm qua, thông qua chương trình “huấn luyện nghiên cứu” của Tiến sĩ Hiệp, gần 50 bạn trẻ đã có có công bố quốc tế ISI/Scopus đầu tiên trong lĩnh vực khoa học xã hội, gần 20 bạn đã xin được học bổng thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài và khoảng 10 bạn đã tốt nghiệp tiến sĩ.
Riêng năm 2021, nhóm của Tiến sĩ Hiệp đã công bố 21 bài báo trên các tạp chí ISI, Scopus; trong đó có 8 học viên đã có công bố đầu tiên trong 21 bài báo kể trên; 7 học viên xin được học bổng thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài và 4 học viên tốt nghiệp tiến sĩ.
Trở về nước từ năm 2017, Tiến sĩ Phạm Hiệp xây dựng chương trình “huấn luyện nghiên cứu” (Research Coach) nhằm hỗ trợ các bạn trẻ bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học. Ảnh: Ngọc Ánh |
Đồng thời, Tiến sĩ Hiệp cũng là nhà hoạt động giáo dục tích cực, thường xuyên tham gia phản biện nhiều vấn đề nóng của giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học trên các diễn đàn báo chí, mạng xã hội. Nhân dịp đầu xuân mới Nhâm Dần 2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có buổi trò chuyện với tiến sĩ trẻ này.
Huấn luyện nghiên cứu cũng giống như huấn luyện bóng đá
Thưa Tiến sĩ Phạm Hiệp, được biết chương trình hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội của anh có tên là “Huấn luyện nghiên cứu” (Research Coach), tại sao anh lại dùng chữ “huấn luyện” thay vì “đào tạo” hay “tập huấn”?
TS Phạm Hiệp: Khi còn học nghiên cứu sinh ở Đài Loan, tôi có tham gia hỗ trợ cho nhiều học viên người Việt trong quá trình làm luận văn thạc sĩ. Trường chúng tôi theo học là một ngôi trường nhỏ, vì thế mà đầu vào không quá cao.
Trong quá trình đồng hành cùng các bạn, tôi nhận ra rằng, đôi khi chất lượng đầu vào không phải là yếu tố mang tính quyết định mà quan trọng hơn là phương pháp dạy và học. Nếu có phương pháp tốt, quy trình đào tạo bài bản thì một học viên từ năng lực trung bình cũng có thể trở thành khá, giỏi.
Các bạn tôi hỗ trợ ít nhiều 10 năm trước, nhiều bạn học ngày nay, đã học xong tiến sĩ và trở thành các nhà khoa học hoạt động rất tích cực, tham gia vào lực lượng nghiên cứu trong và ngoài nước.
Cũng từ cơ duyên đó, năm 2017, khi trở về nước, tôi đã ấp ủ việc biến những ý tưởng đào tạo của mình thành một chương trình, nhằm hỗ trợ các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn mới chập chững bước vào con đường nghiên cứu khoa học.
Và vậy là chương trình “Huấn luyện nghiên cứu” (Research Coach) ra đời từ đây. Tôi muốn nhấn mạnh hai chữ “huấn luyện” để phân biệt với cách dạy truyền thống những chương trình đào tạo sau đại học ở trường đại học Việt Nam: thầy nói, trò chép; người thầy không theo sát quá trình nghiên cứu của học trò.
Anh có thể phân tích rõ hơn sự khác biệt ở đây?
TS Phạm Hiệp: Chữ “huấn luyện” trong chương trình của tôi được lấy cảm hứng từ thể thao. Ví dụ như trong bóng đá, có lúc huấn luyện viên phải thị phạm, làm mẫu cho học trò; khi học trò có động tác sai thì cần phân tích lỗi sai ngay để học trò hiểu; huấn luyện viên cũng phải chỉ cho học trò biết anh cần học những gì ở đồng đội của mình, cần hỗ trợ ra sao với những đồng đội khác.
Sau một thời gian hoạt động, tôi đã cố gắng xây dựng hẳn thành được một phương pháp luận cho chương trình của mình, gọi là “nghiên cứu vi mô” (Micro researching).
Trong nghiên cứu vi mô có ba trụ cột chính.
Thứ nhất là nghiên cứu khoa học phải gắn với “thực chiến”. Sau một khóa lý thuyết, học viên cần phải được tham gia vào nghiên cứu ngay để hiểu “guồng quay” từ những dự án nghiên cứu thực định hướng quốc tế; rồi sau đó, nếu cần lại quay lại học lý thuyết. Điều này cũng tương tự như học bơi, không ai học lý thuyết trên bờ cả buổi, phải nhảy xuống bể học ngay sau khi đã nắm được những nguyên tắc sơ bộ về bơi trên bờ.
Thứ hai, vấn đề nghiên cứu sẽ được chia thành những bước nhỏ (baby steps), điều này giúp người học không bị “ngợp” trước những vấn đề nghiên cứu quá lớn. Khi học viên được từng bước, từng bước chinh phục những nấc thang trong nghiên cứu, các em sẽ tự tin hơn, hứng thú với với công việc này. Để làm được điều đó thì người huấn luyện viên phải biết cách chia nhỏ vấn đề, ra đề bài thật chuẩn cho học viên.
Thứ ba là các học viên cần chủ động trong việc hướng dẫn nhau. Một học viên khi đã đạt được trình độ nhất định rồi sẽ cùng tham gia vào quá trình huấn luyện những bạn mới. Cái này thực ra là tôi học từ phong trào “bình dân học vụ” của Bác Hồ: người biết nhiều chữ dạy người biết ít chữ, người biết ít chữ lại dạy người chưa biết chữ.
Anh nghĩ đâu là tố chất quan trọng của một huấn luyện viên nghiên cứu?
TS Phạm Hiệp: Muốn trở thành huấn luyện viên, điều kiện cần là anh phải là nhà nghiên cứu hoạt động tích cực. Nghĩa là anh phải làm việc liên tục, không có giai đoạn nghỉ và phải thường xuyên có công bố, tham gia biên tập, phản biện ở các tạp chí quốc tế cũng như các diễn đàn học thuật khác. Trong khoa học, nếu anh nghỉ khoảng 2 năm thôi thì anh có nguy cơ không thể cập nhật được những kiến thức khoa học mới và bị bỏ lại phía sau. Cùng là một vấn đề, năm nay là đỉnh cao trong nghiên cứu thì có khi năm sau đã lạc hậu mất rồi!
Tiến sĩ Hiệp cho rằng, điều kiện cần để trở thành một huấn luyện viên nghiên cứu là anh phải là nhà nghiên cứu hoạt động tích cực. Ảnh: Ngọc Ánh |
Bên cạnh đó điều kiện đủ là người huấn luyện nghiên cứu phải có tư duy khác trong cách đào tạo học trò như tôi vừa phân tích.
Ở chương trình Research Coach, hiện nay đã có nhiều nhà khoa học tham gia giảng dạy, huấn luyện nhưng thường là mọi người chỉ đáp ứng điều kiện cần khi mới bắt đầu. Còn về điều kiện đủ, tôi phải trao đổi, thảo luận rất kỹ và đồng hành cùng họ một thời gian thì mới đáp ứng được.
Theo anh, những nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những khó khăn gì?
TS Phạm Hiệp: Điều này đã nhiều người chỉ ra rồi, nào là thiếu kinh phí, thiếu tư liệu khoa học hay thiếu thời gian tập trung cho nghiên cứu.
Song, bấy nhiêu đó vẫn chưa phải là là vấn đề lớn nhất. Vấn đề lớn nhất hiện nay là chưa có được một môi trường học thuật đúng nghĩa – một môi trường học thuật tạo nên không khí, tạo nên động lực, hứng thú làm việc, học tập, các bạn trẻ cần có không gian để tương tác, trao đổi, học hỏi lẫn nhau.
Từng có một đồng nghiệp tham gia buổi hội thảo do chúng tôi tổ chức, chị chia sẻ rằng, điều buồn nhất ở Việt Nam là đang thiếu một không gian học thuật. Các trường đại học ở Việt Nam phần lớn theo định hướng giảng dạy chứ chưa phát triển nghiên cứu. Chỉ khi đến với “Research Coach”, chị mới thấy cảm giác “như được về nhà”, bởi nơi đây có không khí học thuật, môi trường học thuật. Và với tôi, “Research Coach” thực sự là “ngôi nhà học thuật dành cho các nhà nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội”. Ngôi nhà học thuật này luôn chào đón các nhà nghiên cứu trẻ đang tìm kiếm sự hỗ trợ, sự chia sẻ, và cùng nhau đóng góp vào sự phát triển khoa học nước nhà.
Người thầy tốt cần phải chỉ cho học trò cái đắng cay của nghề
Anh có gửi gắm gì với các bạn trẻ khi mới bước chân vào con đường nghiên cứu?
TS Phạm Hiệp: Thực ra thì tôi vẫn còn rất trẻ mà (cười). Tôi nghĩ điều quan trọng là các bạn phải làm việc mình thích, khi chọn đúng con đường, mỗi ngày trôi qua bạn đều có 24 giờ vui vẻ, hạnh phúc.
Nói về nghề nghiên cứu, nhiều người chỉ tô vẽ những gam màu sáng, những cái ngọt ngào, vinh quang, thành công của nghề. Đó là những cái có thật, nhưng với tôi, một người thầy tốt cũng cần phải chỉ cho học trò thấy cái vất vả, nhọc nhằn, đắng cay của nghề.
Tiến sĩ Phạm Hiệp chia sẻ với các bạn trẻ bước vào con đường nghiên cứu phải biết "nếm", biết "tận hưởng" cả những đắng cay của nghề. Ảnh: Ngọc Ánh |
Tôi rất thích lời Giáo sư Ngô Bảo Châu từng nói: “có cả những đắng cay nằm trong hạnh phúc”. Nghề nghiên cứu nó cũng xen lẫn nỗi vất vả, dư vị đắng cay, và trước tiên, các bạn phải biết “nếm” cái đắng cay ấy, rồi đến lúc phải biết “tận hưởng” cả những đắng cay, để rồi chuyển hóa vị đắng ấy thành vị ngọt, biến nó thành niềm vui, thành công cho chính mình, như thế thì các bạn mới gắn bó với nghề được.
Anh có nghĩ rằng nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đang bị “lép vế” so với nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên?
TS Phạm Hiệp: Trong quá khứ thì nghiên cứu khoa học xã hội bị “lép vế” rất nhiều so với khoa học tự nhiên.
Nhưng ngày nay, khoảng cách giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đang được thu hẹp lại.
Thậm chí ngày nay, khoa học xã hội lại có những lợi thế nhất định so với khoa học tự nhiên.
Để dễ hiểu tôi xin kể một câu chuyện, cách đây một năm, tôi có buổi làm việc với một giáo sư người Úc khi bà sang Việt Nam công tác. 8 giờ sáng, chúng tôi ngồi tại một quán cà phê ngay mặt đường. Khi bà hỏi tôi về điểm mạnh của nhóm tôi, tôi hướng ánh nhìn ra ngoài, nơi dòng người đang bon chen trên con phố huyết mạch của Thủ đô. Bà giáo sư ngay lập tức đã cười phá lên rất to.
Việt Nam là một đất nước 100 triệu dân trong khi số lượng công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế chỉ khoảng 1,000-2,000 bài/năm. Phòng thí nghiệm của chúng tôi là những góc vườn, ngã tư đường, con phố nhỏ,… đi bất kỳ đâu chúng tôi cũng nhìn thấy vấn đề nghiên cứu, có thể khai thác từ góc độ của giáo dục, văn hóa, kinh tế hay xã hội. Đó là những lợi thế quá rõ ràng trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn mà các đồng nghiệp trong khoa học tự nhiên không thể có được.
“Research Coach” được khởi sự bắt đầu từ năm 2017, hành trình 4 năm qua đã có những dấu ấn nào đặc biệt với anh cũng như các cộng sự của mình?
TS Phạm Hiệp: Hằng năm chúng tôi đều có tổng kết với những chỉ số cụ thể. Song, tôi không muốn nói nhiều về những chỉ số định lượng, đôi khi nó còn hơi khô khan.
Điều tôi hạnh phúc, tự hào nhất là đã tạo dựng được ngôi nhà học thuật, cộng đồng học thuật mà ở đó, các thành viên được học tập, trao đổi, sẻ chia, có được không khí học thuật không khác gì những đơn vị nghiên cứu trên thế giới.
Có thể nhóm nghiên cứu của chúng tôi, về chất lượng nghiên cứu còn khoảng cách rất xa so với các nhóm tại trường đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng có một điều chúng tôi tự tin là môi trường học thuật, không khí học tập thì không thua kém đâu trên thế giới.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động huấn luyện, chúng tôi giúp được các bạn trẻ có định hướng nghề nghiệp đúng liên quan đến nghề nghiên cứu.
Thế nào là định hướng nghề nghiệp đúng? Là khi bạn đi đúng đường, đúng hướng và tiết kiệm được thời gian. Ví dụ có những bạn trẻ sau khi ra trường tham gia vào nhóm nghiên cứu của chúng tôi 1 năm, đi học thạc sĩ 2 năm, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ đã công bố 5 – 7 bài báo quốc tế và nhận được học bổng tiến sĩ của các trường quốc tế.
Việc định hướng nghề nghiệp liên quan đến nghiên cứu không chỉ là câu chuyện của những người thành công mà còn là câu chuyện của những người thất bại.
Có những bạn mới ra trường muốn làm nghiên cứu, có bạn đang kinh doanh muốn chuyển sang làm nghiên cứu, có những giảng viên trẻ đang băn khoăn liệu có nên bỏ nghề hay là ở lại với nghề,… Qua quá trình tham gia vào ngôi nhà học thuật của tôi thì họ đã tìm được câu trả lời.
Anh có thể kể về một học trò để lại trong anh nhiều ấn tượng nhất không?
TS Phạm Hiệp: Đó là một bạn từng làm lãnh đạo trong một doanh nghiệp có uy tín, rồi bạn cảm thấy mình không phù hợp với kinh doanh và muốn học tiến sĩ ở một chương trình liên kết quốc tế đồng thời tham gia vào nhóm của tôi.
Sau thời gian, để tập trung, bạn quyết định từ bỏ công việc làm lãnh đạo doanh nghiệp để xin làm giảng viên một trường đại học. Tức là từ bỏ mức lương vài chục đến cả trăm triệu/tháng để nhận mức lương giảng viên tập sự chỉ dưới 10 triệu/tháng. Nhưng vì bạn đã xác định rất rõ hướng đi của mình rồi nên rất quyết tâm và cũng rất hồi hộp khi ứng tuyển.
Thật tình cờ là trong hội đồng xét tuyển lại có đồng nghiệp của tôi. Và khi họ nhìn thấy thư giới thiệu của tôi, họ nói đại ý: “học trò Research Coach thì yên tâm rồi”, thế là bạn được tuyển. Tôi mừng cho bạn đó đã chọn đúng con đường mà bạn thực sự mong muốn, dù với mức lương thấp hơn nhiều. Và tôi cũng vui vì Research Coach của tôi đã có “thương hiệu” và là dấu hiệu để các trường đại học cảm thấy yên tâm khi tuyển giảng viên.
Nhiều người vẫn quan niệm rằng, nếu muốn theo con đường nghiên cứu thì nên ra nước ngoài (những quốc gia phát triển) để nghiên cứu, học tập. Anh có suy nghĩ gì về vấn đề này? Và tại sao anh lại không lựa chọn ở lại nước ngoài làm việc mà về nước?
TS Phạm Hiệp: Tôi nghĩ rằng điều này vẫn đúng với số đông. Dù sao thì ở một đất nước phát triển với những đại học hàng đầu thế giới sẽ có nhiều điều kiện để làm nghiên cứu và phát triển hơn, và điều này cũng đúng với phần lớn những bạn trẻ chưa có bằng tiến sĩ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định và đặc biệt là trong ngành khoa học xã hội thì điều đó chưa chắc đúng. Trở lại với câu chuyện giữa tôi và bà giáo sư người Úc. Bạn biết đấy! Một đất nước như Úc 25 triệu dân thì chắc chắn không thể nhiều vấn đề xã hội bằng nước ta với cả 100 triệu dân. Trong trường hợp này rõ ràng, khi ở Việt Nam, tôi cũng sẽ có những lợi thế nhất định so với đồng nghiệp ở Úc.
Bởi lẽ chất liệu nghiên cứu của khoa học xã hội chính là cuộc sống. Làm nghiên cứu trên chính quê hương đất nước mình, giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra cũng giống như một sứ mệnh tốt đẹp mà nhà khoa học có thể thực hiện.
Làm nghiên cứu trên chính quê hương đất nước mình, giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra cũng giống như một sứ mệnh tốt đẹp mà nhà khoa học có thể thực hiện. |
Làm nghiên cứu và phản biện xã hội giống như người đi xe đạp
Ngoài làm nghiên cứu và tổ chức “huấn luyện” nghiên cứu, anh còn rất tích cực tham gia phản biện, thảo luận các vấn đề nóng về giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học trên báo chí và mạng xã hội? Anh có bao giờ cảm thấy mình bị mất cân bằng giữa 2 việc không?
TS Phạm Hiệp: Ngược lại chứ. Làm nghiên cứu giáo dục và phản biện xã hội (một phần của thực hành kết quả nghiên cứu) thì cũng giống như một người đi xe đạp thôi, một bên là “pê đan nghiên cứu”, một bên là “pê đan thực hành”. Thiếu một trong 2 bên là … ngã xe ngay.
Năm 2022, anh mong ước, kỳ vọng gì về giáo dục đại học Việt Nam – lĩnh vực nghiên cứu sâu nhất của anh?
TS Phạm Hiệp: Giáo dục đại học nói riêng cũng như mọi ngành, lĩnh vực khác trong cả nước đang chuyển sang một giai đoạn với những dấu mốc quan trọng. Nhiều ngành đang đề ra chiến lược phát triển mới đến 2030, tầm nhìn 2045 - là dấu kỷ niệm 100 năm thành lập đất nước.
Từ 2017 tôi đã được tham gia vào một nhóm thực hiện giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Thế giới chuẩn bị cho bản kế hoạch chiến lược này nhưng vì nhiều lý do bản kế hoạch chiến lược mới chỉ dừng ở kết quả nghiên cứu chứ chưa được ban hành chính thức. Tôi mong trong giai đoạn tới, nếu các đơn vị có trách nhiệm tiếp tục thực hiện công việc này, mình sẽ lại được tham gia và đóng góp, không ít thì nhiều.
Về kế hoạch cá nhân, tôi rất mong sẽ sớm hoàn thiện mô hình Micro Research trong Research Coach của tôi. Hiện tôi đã gửi 1 bản thảo bài báo giới thiệu mô hình này đến tạp chí chuyên ngành để nhận sự phản biện của đồng nghiệp quốc tế. Hy vọng, trong tương lai không xa, Research Coach của tôi sẽ có cơ hội được hợp tác và “cấy” vào trong các chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước. Tôi nghĩ, rồi đến một ngày, khi các chương trình tiến sĩ được vận hành tốt, thì những chương trình kiểu học thêm, hay hỗ trợ như Research Coach hiện tại sẽ không có lý do gì để tồn tại cả.
Trân trọng cảm ơn Anh!