Nhiều trường đại học đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh năm 2022, trong đó, điểm đặc biệt khiến học sinh và phụ huynh quan tâm là việc các trường bổ sung nhiều phương thức xét tuyển. Theo khảo sát, thời điểm hiện tại đã có gần "20 con đường" vào đại học cho thí sinh năm 2022.
Bên cạnh những phương thức tuyển sinh quen thuộc như dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét học bạ, tuyển thẳng, các trường còn đưa ra nhiều hình thức xét tuyển kết hợp đa dạng như: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi đánh giá tư duy, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt; xét tuyển học lực kết hợp phỏng vấn; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển kết hợp giữa học bạ, kết quả thi trung học phổ thông với các môn năng khiếu,…
Nhiều ý kiến cho rằng, các trường đại học “quá” ưu tiên cho chứng chỉ IELTS, trong việc xét tuyển. Trong khi đó, Việt Nam cũng có hệ chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, và các chứng chỉ ngoại ngữ nội tại sao lại không dùng hoặc sao không nghĩ tới làm sao để có một chứng chỉ ngoại ngữ đủ để các trường tin tưởng sử dụng xét tuyển. Làm được như vậy, vừa thúc đẩy được việc học tiếng Anh và cũng không khiến nguồn tài chính từ việc học và thi các chứng chỉ này ra ngoài Việt Nam.
Nếu chỉ 15% chỉ tiêu căn cứ vào điểm tốt nghiệp Trung học phổ thông, như vậy có thể nói là thiếu công bằng. Ảnh minh họa: T.D. |
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Hoàng Cúc - Giáo viên dạy môn tiếng Anh ở một trường Trung học phổ thông tại quận nội thành Hà Nội nêu quan điểm: “Khi xét tuyển đại học ngoài chứng chỉ IELTS thì các trường còn ưu tiên cả chứng chỉ TOEFL. Đây là 2 chứng chỉ chuẩn của Châu Âu và được cả thế giới công nhận.
Việc các trường đại học của Việt Nam ưu tiên những chứng chỉ này bởi họ chọn phương án của bên thứ 3, một phần cũng bởi việc thi 2 chứng chỉ này không thể có gian lận. Hơn nữa nếu trường đại học quốc tế hoặc dạy theo chương trình quốc tế, chương trình liên kết nước ngoài thì bắt buộc phải lấy chứng chỉ IELTS, còn các trường đại học top dưới học chương trình bình thường thì theo tôi có thể xét chứng chỉ B1, B2 hoặc Vstep của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hợp lý hơn.
Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2021 cũng quy định về yêu cầu ngoại ngữ, trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có trình độ ngoại ngữ tương đương B2, vậy chúng ta tuyển sinh đại học ở cấp thấp hơn đào tạo tiến sĩ, nhưng các trường lại đưa ra yêu cầu về ngoại ngữ quá cao như vậy thì cũng thiệt thòi cho học sinh, hơn nữa đào tạo đại học đâu phải chỉ cần ngoại ngữ.
Học sinh các tỉnh có chứng chỉ IELTS không nhiều
Theo cô Cúc: “Với số tiền tham dự một khóa học và thi đạt chứng chỉ IELTS là khá cao, và với những học sinh có điều kiện kinh tế ở các thành phố lớn thì có thể không vấn đề gì, hơn nữa học sinh ở thành phố được học tiếng Anh từ nhỏ, nhưng với đa số học sinh ở nông thôn, vùng xa kinh tế khó khăn thì lấy đâu ra tiền mà theo học và thi.
Mặc dù các tỉnh có khá nhiều trung tâm ôn luyện tiếng Anh, học sinh theo học khá đông nhưng mặt bằng chung trình độ tiếng Anh ở những vùng đó thường là thấp hơn so với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy số lượng học sinh ở các tỉnh có chứng chỉ IELTS không nhiều.
Tôi thấy một số trường đại học hiện nay đã công bố phương án tuyển sinh, trong đó họ đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thuần túy chỉ còn khoảng trên 15%, những phương thức xét tuyển khác lên đến 85% trong đó có IELTS...
Nếu chỉ 15% chỉ tiêu căn cứ vào điểm tốt nghiệp trung học phổ thông, như vậy có thể nói là thiếu công bằng, đặc biệt với những học sinh tại các tỉnh có lực học rất tốt các môn khác, nhưng thiếu chứng chỉ tiếng Anh IELTS dẫn đến “cửa” vào trường đại học bị hẹp lại, không có nhiều cơ hội cho những học sinh này, mà đây lại là số đông.
Theo tôi nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn cho những năm sau thì sẽ bất cập, và các trường sẽ không tuyển được các nhân tài thật sự trong khi mục tiêu của các trường là muốn tuyển được càng nhiều nhân tài càng tốt.
Nhìn lại vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 tôi thấy cũng không công bằng, nhiều học sinh có lực học rất tốt, học rất giỏi nhưng lại trượt đại học, trong khi những bạn học khá nhưng có chứng chỉ tiếng Anh IELTS lại có cơ hội rộng hơn. Đây chính là vấn đề thiếu công bằng của năm vừa qua. Vậy có nên để tình trạng này tiếp diễn?”.
Cô Cúc nói: “Mỗi trường, mỗi học sinh có trình độ khác nhau, chứng chỉ B2 nếu quy đổi thì cũng bằng 6.5, chứng chỉ C1 là 7.0 thì cũng tương đương với chứng chỉ IELTS.
Do đó trước ý kiến cho rằng cần đưa thêm những chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Anh của Việt Nam vào để làm điều kiện xét tuyển, theo tôi cần thay đổi cách thi, cách ra đề thi, cách chấm thi,…phải tuyệt đối nghiêm túc, chuẩn chỉ và cũng để tăng thêm cơ hội vào đại học cho nhiều học sinh ở các vùng miền trong cả nước, những học sinh giỏi các môn học khác nhưng chưa giỏi tiếng Anh, bởi suy cho cùng tiếng Anh là kĩ năng cần thiết nhưng không phải ngành nghề nào cũng đòi hỏi học sinh phải có trình độ ngoại ngữ cao”.
Đến thời điểm này gần như chưa có trường đại học nào, kể cả những trường dạy theo giáo trình trong nước vẫn chưa ưu tiên tuyển thí sinh có trình độ theo khung 6 bậc của Việt Nam. Ảnh minh họa: T.D. |
Nên lấy chuẩn tiếng Anh của Việt Nam?
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Ngọc Hải - Giáo viên dạy tiếng Anh bậc trung học phổ thông tại Hà Nội nói: “Tại sao các trường đại học lại chỉ ưu tiên tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS, mà không phải là thí sinh có trình độ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam có 3 trình độ là sơ cấp, trung cấp và cao cấp, và 6 bậc, từ bậc 1 đến bậc 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 theo khung tham chiếu chung Châu Âu.
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam có mục đích làm căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực cho tất cả ngoại ngữ được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tại mục 4 Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT đã quy định quy chuẩn quy đổi điểm TOEIC, TOEFL, IELTS sang trình độ tương ứng. Trong đó, điểm IELTS 3.5 đến 4.5 tương đương bậc 3 (B1), IELTS 5.0 đến 5.5 tương đương B2 (bậc 4), IELTS 6.0 đến 6.5 tương đương C1 (bậc 5), IELTS 7.0 đến 7.5 tương đương C2 (bậc 6).
Khung năng lực ngoại ngữ này được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng Khung tham chiếu Châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam. Khi có khung quy đổi điểm rõ ràng như vậy thì chúng ta nên đưa những chứng chỉ tiếng Anh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt vào xét tuyển đại học, cũng là để thêm nhiều phương thức.
Để học và có được chứng chỉ tiếng Anh trong nước dù sao cũng đỡ tốn kém rất nhiều về chi phí, học sinh dễ tiếp cận chứ không như chứng chỉ tiếng Anh IELTS. Tuy nhiên, đến thời điểm này gần như chưa có trường đại học nào, kể cả những trường dạy theo giáo trình trong nước vẫn chưa ưu tiên tuyển thí sinh có trình độ theo khung 6 bậc của Việt Nam. Tôi thấy như vậy là bất cập và làm mất đi cơ hội vào đại học của rất nhiều thí sinh. Như vậy cũng có thể nói là gây ra mất công bằng trong tuyển sinh đại học giữa các em học sinh các vùng miền”.