Chưa làm rõ nghi vấn lộ đề thi, Bộ nên giao các sở xét tốt nghiệp phổ thông

05/02/2022 06:35
Cao Nguyên
GDVN- Bộ Giáo dục nên giao các sở xét tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 vì nghi vấn lộ, lọt đề thi tốt nghiệp môn Sinh, Toán… năm 2021 chưa được làm rõ.

Bài viết “Cử tri đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục nói gì?” được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 27/1/2022 nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên, học sinh, phụ huynh.

Theo đó, cử tri Hải Phòng đề nghị Bộ Giáo dục xem xét, nghiên cứu phương án không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, thực hiện xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện ở trường phổ thông; qua đó định hướng thực hiện phân luồng học sinh ngay từ đầu cấp học.

Về nội dung này, Bộ Giáo dục cho biết, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp được sử dụng để đánh giá kết quả học tập ở bậc phổ thông, xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Tuy vậy, cá nhân người viết cho rằng, Bộ Giáo dục nên giao các Sở Giáo dục địa phương tổ chức xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh học hết chương trình trung học phổ thông năm học 2021-2022 vì những lí do sau đây.

Bỏ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Bỏ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Thứ nhất, nghi vấn lộ, lọt đề thi tốt nghiệp môn Sinh, môn Toán… từ năm 2021 đang trong quá trình được Bộ Giáo dục điều tra làm rõ khiến giáo viên, học sinh, phụ huynh chưa thể yên tâm về kỳ thi này do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chung cho cả nước. Nếu lấy điểm tốt nghiệp xét tuyển vào các trường đại học có thể sẽ gây thiệt thòi cho học sinh.

Thầy L.V.Q. dạy môn Vật lí một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nhiều giáo viên dạy môn tự nhiện ở thành phố này nhận định, độ khó đề thi tốt nghiệp môn Toán, Vật lí, Hóa học năm 2021 tương đương với năm 2020 nhưng lạ thay, điểm chuẩn của nhiều trường đại học lại tăng cao - phải chẳng điểm thi “có vấn đề”?.

Vậy nên, theo ý kiến của thầy Q., Bộ Giáo dục nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, còn chuyện các trường đại học tuyển sinh theo phương án nào là quyền của từng trường. Minh chứng là, rất nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2022, trong đó giảm tỉ lệ xét tuyển theo phương thức lấy điểm thi tốt nghiệp.

Thứ hai, cho đến thời điểm này, có khoảng 20 phương thức xét tuyển sẽ được các trường đại học sử dụng trong mùa tuyển sinh năm 2022. Bên cạnh những phương thức tuyển sinh quen thuộc như xét kết quả thi tốt nghiệp, xét học bạ, xét tuyển thẳng, các trường còn đưa ra nhiều hình thức xét tuyển kết hợp đa dạng.

Cụ thể, xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi đánh giá tư duy, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt; xét tuyển học lực kết hợp phỏng vấn; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp; xét tuyển kết hợp giữa học bạ, kết quả thi tốt nghiệp với các môn năng khiếu,…

Điều đó cho thấy rằng, các trường đại học - đặc biệt là những trường tốp đầu có ngành nghề đào tạo đa dạng - không trông chờ kết quả kỳ thi tốt nghiệp để tuyển sinh. Hơn nữa, áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh nhằm đáp ứng chất lượng đầu vào đồng thời đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho mọi học sinh.

Thứ ba, năm học này dịch Covid-19 hoành hành ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Nếu Bộ Giáo dục bỏ kỳ thi tốt nghiệp thì đỡ tốn hàng ngàn tỉ đồng. Một kỳ thi biết trước sẽ tốn kém hàng ngàn tỉ đồng mà tỉ lệ trượt hàng năm chỉ vài %, liệu có đáng?

Đó cũng chính là lí do khiến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế gửi kiến nghị của cử tri về việc cân nhắc xét tốt nghiệp cho học sinh trung học phổ thông và tổ chức thi đại học, cao đẳng đối với các thí sinh có nhu cầu. [1]

Nếu xét tốt nghiệp sẽ đỡ tốn kém hàng ngàn tỉ đồng, đáp ứng với yêu cầu thực tế của học sinh trung học phổ thông khi tốt nghiệp không có nhu cầu học cao hơn mà muốn học nghề, đi xuất khẩu lao động, buôn bán kinh doanh…

Qua đó, tiết kiệm được nguồn lực để tập trung đầu tư cải thiện chất lượng dạy và học, chất lượng sách giáo khoa, góp phần nâng cao vị thế của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ tư, Bộ Giáo dục giữ quan điểm vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, trong đó có lí do, việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông được quy định tại khoản 3, Điều 34, Luật Giáo dục năm 2019.

Theo tác giả Xuân Dương, “không có điều khoản nào trong Luật Giáo dục 2019 quy định bắt buộc phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thống nhất toàn quốc và kỳ thi này do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khâu ra đề.”

Tôi cho rằng, với thẩm quyền của mình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có thể đề nghị Chính phủ, Quốc hội bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, thay vào đó là xét công nhận tốt nghiệp thì sẽ nhận được sự hưởng ứng của Nhân dân.

Tôi đồng tình với quan điểm của Bộ Giáo dục, “với đặc điểm văn hóa của người Việt Nam, nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học trung học phổ thông sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông không học (không thi, không học).”.

Thế nhưng, theo tôi, Bộ Giáo dục nên giao việc tổ chức thi/xét tốt nghiệp năm 2022 cho các sở giáo dục và đào tạo, do nghi vấn lộ, lọt đề thi tốt nghiệp môn Sinh, Toán… từ năm 2021 vẫn chưa được làm rõ. Bộ Giáo dục cần rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan tới kỳ thi này, đặc biệt là khâu đề thi rồi hãy tiếp tục tổ chức kỳ thi ở các năm tới cũng chưa muộn.

Tài liệu tham khảo:

[1] //congluan.vn/kien-nghi-xet-tot-nghiep-de-tiet-kiem-hang-ngan-ti-dong-bo-gddt-len-tieng-post178091.html

[2] //laodong.vn/tuyen-sinh/hoc-sinh-phu-huynh-roi-boi-truoc-20-con-duong-vao-dai-hoc-nam-2022-995773.ldo

[3] //vnexpress.net/vi-sao-dai-hoc-dung-nhieu-phuong-thuc-tuyen-sinh-4417253.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên