Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục hoàn thiện Dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của giáo dục Việt Nam là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Đồng thời, xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Bàn về nội dung này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Ngọc Quang) |
PV: Thưa Giáo sư, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng chiến lược phát triển giáo dục trong giai đoạn mới. Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đang nghiên cứu tham gia xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đại học của nước nhà. Theo Giáo sư, việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục trong giai đoạn mới phải dựa trên những cơ sở quan trọng nào?
Giáo sư Trần Hồng Quân: Tôi cho rằng có ba cơ sở quan trọng.
Trước hết phải khẳng định rằng, việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục trong giai đoạn mới không phải chỉ là yêu cầu tự thân của ngành giáo dục mà trước hết là từ theo yêu cầu phát triển mạnh mẽ đất nước trong giai đoạn đầy khó khăn này.
Để chấn hưng quốc gia, các nhà chiến lược giỏi bao giờ cũng quan tâm trước hết đến nhân tài, nhân lực và dân trí. Do vậy, giáo dục không chỉ là bông hoa đẹp mà chính là cái máy cái quan trọng nhất để xây dựng và phát triển xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, nước ta buộc phải vươn lên nhanh chóng. Không thể nào lùi mục tiêu hiện đại hóa hết lần này đến lần khác , hết đại hội này đến đại hội khác. Thời gian không chờ chúng ta, Việt Nam phải kịp thời đủ sức hội nhập vào dòng chính phát triển của thế giới, không thể để đất nước lạc hậu .
Nhìn lại lịch sử nước nhà, hầu như ta thường mất nước đều do lạc hậu chậm tiến. Nay không thể để thiếu sức mạnh quốc gia, không để bị chèn ép. Thời đại ngày nay muốn có sức mạnh quốc gia thì phải có sức mạnh trí tuệ, phải có một nền khoa học - công nghệ tiên tiến. Điều đó đặt trách nhiệm nặng nề đối với giáo dục nói chung, với giáo dục đại học nói riêng, không thể không có những mục tiêu cụ thể đầy khát vọng và những giải pháp đột phá cho giáo dục đại học. Từ kế hoạch chiến lược tổng thể của quốc gia mà xác định yêu cầu đối với giáo dục đại học, lấy đó làm căn cứ cơ bản đầu tiên để xây dựng chiến lược phát triển ngành.
Thứ hai, đương nhiên cần phải đánh giá thẳng thắn, chính xác, không tránh né về thực trạng của nền giáo dục đại học nước nhà, cả những thành tựu và nhất là những yếu kém.
Không nên quá cường điệu thành tựu làm thứ thuốc an thần cho nhau để cứ thong dong chậm chạp bước đi không chút sốt ruột, không chút lo âu sự lạc hậu của mình.
Thứ ba là cần nhận thức thành tựu và xu thế phát triển của giáo dục thế giới mà so sánh, học tập, hội nhập, thích nghi.
Đó là ba cơ sở chính để xây dựng chiến lược giáo dục trong giai đoạn mới.
PV: Giáo sư thấy cần lưu ý đặc biệt điều gì khi xây dựng chiến lược phát triển giáo dục trong giai đoạn mới?
Giáo sư Trần Hồng Quân: Ta thường quen xây dựng chiến lược chủ yếu là đề ra một hệ thống các mục tiêu mong muốn mà rất ít nêu ra những giải pháp khả thi đủ tầm để thực hiện các mục tiêu đó.
Khi không đạt được thì biện minh bằng đủ thứ lý do, thậm chí có khi lờ luôn không kiểm điểm nguyên nhân không đạt. Để rồi trong kế hoạch tiếp theo lại đề ra lại các mục tiêu ấy, có khi với chỉ tiêu cơ bản còn thấp hơn trước.
Sự lựa chọn các mục tiêu hợp lý bao giờ cũng phải xét tính khả thi khi cân nhắc giải pháp. Mà tìm giải pháp tốt là khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi phải thực sự sáng tạo.
Đặc biệt là đối với những mục tiêu quan trọng, rất khó đạt nhưng không được phép lùi được, đó là tối thiểu, chết sống gì cũng phải đạt cho kỳ được mà giải pháp lại chưa tìm ra, khi đó đòi hỏi phải đổi mới tư duy, vượt ngoài cách nghĩ, cách làm truyền thống mới có thể tìm được lối ra. Tôi cho là đất nước ta nói chung, giáo dục đại học nói riêng cũng đang đứng trước tình huống như vậy.
PV: Thưa Giáo sư, vậy chúng ta cần quan tâm những vấn đề quan trọng nào khi xây dựng chiến lược giáo dục trong giai đoạn mới?
Giáo sư Trần Hồng Quân: Có rất nhiều vấn đề quan trọng có liên quan đã được đề cập trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong Nghị quyết 29 của Ban chấp hành trung ương Đảng, chúng ta nên quan tâm nghiên cứu.
Ở đây tôi muốn nêu hai vấn đề lớn mang tính chất giải pháp cơ bản để phát triển, mỗi vấn đề cần một nhóm giải pháp cụ thể cần đặc biệt quan tâm nghiên cứu đề ra:
Một là vấn đề động lực. Phải có các giải pháp phát huy động lực của cả hệ thống, của từng cơ sở đào tạo và nghiên cứu, của từng cá nhân... bằng cách động viên khát vọng vươn tới, bằng các chính sách liên quan đến quyền lợi.
Đồng thời phải tháo gỡ các ràng buộc không phù hợp trong quản lý để giải phóng động lực. Giáo dục cũng như rất nhiều các lĩnh vực khác đều bị trói buộc bởi cách quản lý tập trung cũ kỹ cản trở sự phát triển.
Vấn đề động lực phát triển là sức sống của nền giáo dục, cũng là vấn đề lớn nhất cho thể chế chúng ta. Thiếu động lực thì không có ý chí, không có khí thế tiến lên, không thể sáng tạo.
Một thí dụ, tự chủ đại học là một giải pháp nhằm giải phóng khỏi cách quản lý tập trung cứng nhắc, phát huy động lực tự thân của các trường đại học, được rộng đường phát triển đồng thời cũng chịu áp lực buộc phải luôn canh tân để phát triển. Nếu thực hiện tốt một cách phổ biến chủ trương này thì nền giáo dục đại học sẽ có sinh khí mới, sẽ tiến bộ nhanh chóng.
Thứ hai là vấn đề nguồn lực. Phải tăng cường đầu tư và sử dụng hợp lý nguồn lực phát triển. Đầu tư cho giáo dục là thứ đầu tư mang tính cơ bản hơn bất cứ loại đầu tư nào khác, có hiệu quả cực kỳ to lớn, bền vững và sâu sắc. Nhưng đó là thứ đầu tư chu kỳ dài, không thể thấy kết quả ngay lập tức hiển thị bằng tiền mà là loại hiệu quả phức hợp tác động trong mọi lĩnh vực xã hội.
Cho nên khi chịu áp lực khó khăn về ngân sách, những người thiếu tầm nhìn chiến lược có thể không đặt đầu tư cho giáo dục ở mức ưu tiên cần thiết, mà tạm gác lại chờ khi khấm khá hơn. Nhưng đã và sẽ thường xuyên gác lại như vậy vì ngân sách có bao giờ hết căng thẳng? Chính vì thế mà làm cho 'Quốc sách hàng đầu' chỉ còn là khẩu hiệu trên giấy.
Thực ra ngân sách Nhà nước hiện nay cũng phải không phải quá khó khăn như nhiều thập kỷ trước. Không thể viện cớ khó khăn mà Nhà nước không tăng cường đầu tư mạnh mẽ hơn, càng không nên chuyển gánh cho 'xã hội hóa'.
Mặt khác, ở bất cứ quốc gia nào kể cả những nước giàu có, ngân sách dành cho giáo dục bao giờ cũng là vấn đề khó khăn, bởi vì giáo dục luôn luôn phát triển, luôn có những đòi hỏi mới. Vì vậy trong điều kiện ngày nay, nhiều bộ phận xã hội cũng giàu có hơn trước, ta có khả năng huy động nguồn lực xã hội tốt hơn để phụ thêm với Nhà nước .
Tôi cho rằng, nên nghiên cứu nhiều mô hình trường, nhiều dạng đầu tư, nhiều dạng sở hữu công và tư là hai cực đoan. Ở giữa hai cực đó là một phổ sở hữu đan xen với nhiều mô hình quản lý khác nhau có thể chấp nhận được, cốt lõi là giáo dục phát triển nhanh, đúng hướng, đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước. Hai vấn đề lớn đó cần tập trung nghiên cứu để có nhiều giải pháp cụ thể hiệu quả. Đặt được vấn đề một cách đúng đắn thì coi như đi được nửa đoạn đường tìm giải pháp đạt mục tiêu.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!