Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và giai đoạn 2023-2025 để địa phương chủ động hơn trong công tác chuẩn bị.
Trước kiến nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, kế thừa các kết quả đạt được trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm (gọi chung là đại học, cao đẳng) những năm qua, nhất là các năm 2020 và 2021, sau khi xin ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan, các địa phương, các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 với một số nội dung chính như sau:
Ảnh minh họa: Thùy Linh |
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian tổ chức thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; thời gian tổ chức Kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục trung học phổ thông hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, không bao gồm các nội dung được tinh giản phục vụ dạy và học ứng phó dịch COVID-19 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố; đề thi được xây dựng đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi, bảo đảm độ phân hóa phù hợp và hạn chế học tủ, học lệch, khuyến khích sáng tạo của thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành quy chế, xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi, công bố đề thi tham khảo; hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi, xây dựng đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi bảo đảm cân bằng giữa các vùng miền, các tỉnh và giữa các đợt thi (nếu tổ chức nhiều đợt thi).
Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện công tác tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức tuyển sinh; khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường/nhóm trường đại học đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi cùng các địa phương để bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2023-2025.
Phương án được xây dựng theo tinh thần chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm tốt của quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng; kế thừa và phát huy kết quả tổ chức thi/tuyển sinh những năm qua; bảo đảm đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; thực hiện hiệu quả phân cấp trách nhiệm: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức thực hiện tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại địa phương theo quy định của Luật Giáo dục; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tự chủ và chịu trách nhiệm thực hiện công tác tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Phương án trên cơ sở tham khảo ý kiến rộng rãi các bên liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố vào Quý I năm 2022 để các địa phương, các cơ sở đào tạo chủ động trong công tác chuẩn bị tổ chức thi/tuyển sinh hằng năm.