Khó khăn từ các qui định riêng của từng bộ chủ quản
Câu chuyện hội đồng trường vẫn tiếp tục là vấn đề nóng ngay khi Nghị định hướng dẫn và thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học được công bố cuối tháng 12/2019 và có hiệu lực từ 15/2/2020.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích rằng Nghị định 99/2019 đã có hướng dẫn việc cơ quan chủ quản có trách nhiệm thế nào trong việc công nhận hội đồng trường.
"Các cơ quan chủ quản cũng phải quan tâm, thống nhất nhận thức về quyền và trách nhiệm của hội đồng trường, tránh sự can thiệp hành chính vào hoạt động của hội đồng trường", ông Nhạ nhấn mạnh.
“Luật là kim chỉ nam xuyên suốt và cao nhất. Còn bất kỳ sự hướng dẫn nào trái với Luật 34, Nghị định 99 này đều không được chấp nhận”, Bộ trưởng Nhạ nói. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tại hội nghị triển khai Nghị định 99 diễn ra ngày 6/1, lãnh đạo nhiều trường đại học liên tục đặt ra các câu hỏi liên quan đến vấn đề hội đồng trường.
Giáo sư Nguyễn Quang Kim, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủy lợi đặt vấn đề để thực hiện tốt chủ trương tự chủ thì cần có sự đồng bộ, thống nhất giữa các bộ ngành, địa phương; vì hiện nay các trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được chỉ đạo của Bộ trưởng thì rất thuận lợi; còn các trường thuộc Bộ ngành khác phải chấp hành rất nhiều văn bản quy định riêng của từng bộ, ngành nên rất khó cho việc thực hiện. Đặc biệt là công tác tổ chức cán bộ; công tác thống nhất cơ cấu nhân sự hội đồng trường.
Cụ thể, Giáo sư Kim nêu, Quy định 105 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đã nêu quy trình bổ nhiệm rất rõ; hay theo quy định về quản lý công chức thì Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng là công chức.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành quy định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng thì lại không hề nhắc gì tới quy trình trên. Vậy các trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Trường Đại học Thủy Lợi sẽ phải làm sao?
Ngoài ra, vị Chủ tịch Hội đồng trường này cũng nêu, về tổ chức bộ máy đã phân cấp cho các trường; và được Luật hóa. Nhưng đến nay, ngay cả tình trạng trường muốn sát nhập khoa lại với nhau vì thực tế hoạt động không phù hợp; rất dễ bị Vụ tổ chức cán bộ tuýt còi.
“Bộ trưởng nên có ý kiến để các bộ ngành, địa phương đồng nhất trong cơ chế quản lý. Nếu không, rất khó cho các trường trong việc thực hiện tự chủ”, Giáo sư Kim kiến nghị.
Ngoài ra, nhiều người cũng phản ảnh rằng Nghị quyết 19/NQ-TW đã chỉ đạo rõ là trong đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trường đại học công lập nói riêng mà tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên (nghĩa là không có quỹ lương từ Ngân sách nhà nước) thì không có cán bộ và công chức. Chính phủ cũng có một số văn bản qui định về việc này.
Nhưng nhiều bộ, ngành vẫn cứ xem Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng là công chức; và quản lý việc bổ nhiệm theo qui trình đối với cán bộ, công chức. Đấy là việc vô cùng bất cập. Bộ ngành chậm thay đổi theo chỉ đạo của Đảng và nhà nước đã ngăn cản việc tự chủ theo Luật của trường đại học công lập.
Văn bản dưới Luật mà trái luật thì tự thân nó không có giá trị thi hành
Tiếp nhận ý kiến này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, đúng là hiện nay một số Bộ có một số cơ sở giáo dục đại học trực thuộc; nhưng chưa cập nhật hết tinh thần Luật 34 và Nghị định 99. Điều này đã gây khó khăn cho các trường là có thật.
Bộ trưởng Nhạ: Hội đồng trường phải có thực quyền, chủ quản không nên can thiệp |
Tư lệnh ngành giáo dục cho biết: “Trong phiên họp Chính phủ, tôi đã có ý kiến về việc các bộ ngành, địa phương chủ quản của các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện theo tinh thần của Luật 34 và Nghị định 99.
Trong phiên họp Chính phủ tới, sau phiên họp hội nghị hôm nay, tôi sẽ tổ chức tập hợp ý kiến rồi báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương chủ quản phải thống nhất thực hiện theo tinh thần Luật 34 và Nghị định 99”.
Cũng liên quan đến vai trò của cơ quan chủ quản, trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài về câu chuyện của Quyết định 1584/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có những nội dung điều chỉnh hoạt động và quyền tự chủ của các trường đại học trực thuộc Tổng Liên đoàn một cách trái với Luật 34/2018/QH14.
Theo đó, ngày 1/7/2019, Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) được xây dựng trên tinh thần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học của Đảng, Nhà nước bắt đầu có hiệu lực.
Tuy nhiên, ngày 16/10/2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận chức vụ, cho thôi chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển đối với cán bộ trong tổ chức Công đoàn trong đó có nhiều nội dung trái với chủ trương về tự chủ đại học và Luật số 34/2018/QH14.
Cụ thể là trái với Luật số 34/2019/QH14 về thẩm quyền của Hội đồng trường và quyền tự chủ đại học đã được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chỉ ra; và phân tích sâu sắc tại Văn bản số 188/HH-NC và PTCS ngày 25/11/2019; và đã được công khai trên dư luận thông tin đại chúng.
Những nội dung này cho thấy nếu các trường đại học của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện đúng theo tinh thần Luật 34 và Nghị định 99 thì có nhiều điều khoản không đúng với quy định của Quyết định 1584. Đến nay các nhà trường vẫn đang loay hoay đi tìm cho mình câu trả lời rằng Trường sẽ thực hiện theo văn bản nào trong công tác quy hoạch các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hay kế toán trưởng…;?.
Tổng Liên đoàn không hủy Quyết định 1584, các trường hãy khiếu nại lên Thủ tướng |
Dĩ nhiên là Trường sẽ thực hiện theo Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99 vì đây là những văn bản pháp qui đối với cơ sở giáo dục đại học và có giá trị pháp lý cao hơn. Tuy nhiên, khả năng có thể xảy ra là cơ quan chủ quản có thể không hoặc chậm phê chuẩn các kết quả nhân sự thuộc thẩm quyền của hội đồng trường với lý do là cứ xem trường như một đơn vị hành chính-sự nghiệp trực thuộc, một đơn vị đoàn thể cấp dưới.
Cho biết ý kiến về khả năng này và giải pháp, Bộ trưởng Nhạ cũng đã khẳng định: “Luật là kim chỉ nam xuyên suốt và cao nhất. Còn bất kỳ sự hướng dẫn nào trái với Luật 34, Nghị định 99 này đều không được chấp nhận”.
Hi vọng là các cơ quan chủ quản ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tuân thủ Luật và Nghị định đúng như khẳng định của Bộ trưởng; để không biến bộ, ngành mình trở thành lực cản đối với sự phát triển của đại học Việt Nam, lực cản đối với việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước.