Kiểm định không chỉ đơn thuần là để được công nhận đạt chuẩn chất lượng GDĐH

07/02/2022 06:59
Thùy Linh (thực hiện)
GDVN- Bảo đảm chất lượng không có đích đến, không xác định thời điểm hoàn thành mà là trong mỗi thời gian đều phải không ngừng phấn đấu để ngày càng tốt hơn.

LTS: Chất lượng giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 14/1/2022 phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030”.

Mục tiêu chung của Chương trình là phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Để hiểu hơn về mục tiêu này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long – CEA Thăng Long, Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự.

Xin bà cho biết, bảo đảm chất lượng có vai trò như thế nào trong phát triển đại học hiện nay?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Trong thời gian gần đây, chất lượng và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học được đặc biệt quan tâm, đã khẳng định vai trò của mình trên nhiều phương diện như Luật Giáo dục đại học (được ban hành năm 2012 và sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định: “Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học là quá trình liên tục, mang tính hệ thống, bao gồm các chính sách, cơ chế, tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại học (Khoản 1, Điều 49).

Quy định này thể hiện vị trí, vai trò bao trùm của bảo đảm chất lượng lên tất cả các phương diện, quá trình, hệ thống giáo dục… từ ban hành chính sách đến thiết lập cơ chế tổ chức thực hiện đều phải hướng đến các tiêu chuẩn chất lượng để đạt mục tiêu giáo dục hoặc/và chuẩn đầu ra đã được xác định cho từng giai đoạn, không ngừng được nâng cao cho mỗi giai đoạn tiếp theo.

Bảo đảm chất lượng chi phối đến cơ chế quản lý, các quyết định, các hoạt động, điều kiện và nguồn lực… để duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan (cơ quan quản lý; người học, người sử dụng lao động, các đối tác… trong và ngoài nước).

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long – CEA Thăng Long, Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long – CEA Thăng Long, Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - Ảnh: NVCC

Bảo đảm chất lượng vừa là điều kiện trao quyền tự chủ, vừa thể hiện năng lực tự chủ đại học của các trường. Luật Giáo dục đại học sau khi được sửa đổi đã đưa bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học là điều kiện để thực hiện quyền tự chủ, điều kiện để các trường tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài, xác định mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo… Khi tự chủ đại học đã được thực hiện trong phạm vi rộng, mức độ cao thì lại tạo ra cơ hội để huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực tri thức, sáng tạo để nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống giáo dục đại học.

Bảo đảm chất lượng giáo dục vừa là giải pháp để xây dựng và khẳng định thương hiệu, năng lực cạnh tranh nhằm phát triển chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo, vị thế của giáo dục đại học quốc gia trên bình diện quốc tế… vừa là phương diện chính để quản lý chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là trong điều kiện tự chủ đại học.

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu rõ việc “Đổi mới căn bản công tác quản lí giáo dục đào tạo” cần “coi trọng quản lý chất lượng”. Có thể hiểu, bảo đảm chất lượng giáo dục là một lĩnh vực trọng tâm trong chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác quản lí, trao quyền tự chủ để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bảo đảm chất lượng giáo dục còn giúp cho chính các trường có góc nhìn toàn diện trong quá trình đánh giá, cải thiện và phát triển; giúp người học và các chủ thể liên quan lựa chọn nơi học, lựa chọn đối tác phù hợp; giúp cho cơ quan quản lý có hệ thống thông tin khách quan hơn về các điều kiện đảm bảo chất lượng và chất lượng thực tế của cơ sở giáo dục đào tạo để xây dựng và kiến tạo chính sách sát thực và hiệu quả.

Như vậy, bảo đảm chất lượng là quá trình tập trung mọi chủ thể, mọi hoạt động, mọi nguồn lực… hướng tới việc không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng liên tục, không có đích đến cuối cùng hay thời điểm hoàn thành. Thông qua đó, không chỉ hệ thống giáo dục đại học phát triển mà toàn bộ nền kinh tế xã hội và vị thế của quốc gia cũng được cải thiện.

Ngày 14/1/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030” với những mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp khá toàn diện, rõ ràng. Điều đó cho thấy bảo đảm chất lượng giáo dục có vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống giáo dục đại học tự chủ và quản lý chất lượng giáo dục ở Việt Nam trong thời gian tới.

Quá trình triển khai bảo đảm, kiểm định chất lượng thời gian qua cho thấy một số vấn đề cụ thể còn tồn tại mà các trường đại học cần tập trung cải thiện chất lượng đó là vấn đề về quản trị đại học, tổ chức quản lý và chương trình đào tạo (ví như một số cơ sở giáo dục đội ngũ giảng viên không đảm bảo về số lượng lẫn chất lượng. Thậm chí là tìm cách đối phó bằng các hình thức đi thuê bằng tiến sĩ, thạc sĩ để mở ngành, duy trì ngành để đáp ứng tạm thời các yêu cầu về xác định chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành). Qua thực tiễn, bà đánh giá sao về thực trạng này?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Trước hết, phải nói rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của kiểm định chất lượng giáo dục là xác định rõ những điểm mạnh cần phát huy và tiếp tục phát triển để trở thành thế mạnh trong cạnh tranh của nhà trường; phát hiện những điểm còn tồn tại hoặc chưa thực sự tốt hoặc vẫn có thể cải thiện tốt hơn... để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng trong mọi hoạt động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Như trên đã nói, bảo đảm chất lượng không có đích đến, không xác định thời điểm hoàn thành mà là trong mỗi thời gian đều phải không ngừng phấn đấu để ngày càng tốt hơn. Vì vậy, khi đánh giá, bất cứ trường nào, kể cả những trường tốt trong hệ thống vẫn có thể có những điểm tồn tại hoặc chưa tốt cần phải tiếp tục cải thiện chất lượng nên việc các báo cáo đánh giá luôn chỉ ra những điểm còn tồn tại của các trường/chương trình đào tạo là thể hiện tính tích cực (giúp hệ thống không ngừng phát triển) của hoạt động kiểm định.

Tuy nhiên, có thể phân tồn tại thành hai loại:

(1) Trường có một số tiêu chí ở thời điểm đánh giá chưa thực hiện đúng, chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; nếu đến một mức nhất định thì trường đó sẽ không được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

(2) Trường (nhìn chung) thực hiện đúng, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, thậm chí có nhiều mặt vượt trội nhưng vẫn có một số tiêu chí chưa thực sự tốt, chưa hợp lý, chưa tiệm cận các nguyên lý bảo đảm chất lượng thì vẫn có đánh giá còn tồn tại và khuyến nghị cần tiếp tục cải thiện để tốt hơn.

Thực tiễn triển khai bảo đảm, kiểm định chất lượng trong thời gian qua cho thấy gần 50% số trường được kiểm định còn một số tiêu chuẩn có tồn tại thuộc nhóm (1) tập trung vào các tiêu chuẩn liên quan đến quản trị, quản lý; bảo đảm chất lượng trong hoạt động đào tạo; trong hoạt động của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và trong công tác nghiên cứu khoa học. Điều đáng nói là nhóm tiêu chuẩn này không hẳn phụ thuộc vào nguồn lực tài chính mà chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức, năng lực, độ quyết tâm của lãnh đạo và tập thể nhà trường.

Trong hệ thống, bên cạnh những trường xây dựng chiến lược phát triển với chỉ tiêu chất lượng cao hơn chuẩn tối thiểu trong các quy định chung, để thực hiện mục tiêu, khẳng định vị thế, thứ hạng trong khu vực và quốc tế thì vẫn còn có những trường không đảm bảo chuẩn chất lượng tối thiểu hoặc dùng nhiều cách “lách luật” hoặc gian lận để đạt chuẩn chất lượng về mặt hình thức.

Một trong những cách đó là thuê mượn bằng cấp để đủ điều kiện mở ngành, tính thêm chỉ tiêu tuyển sinh; duy trì danh sách đội ngũ quản lý và giảng viên quá cao tuổi mà thực tế có những người không đến trường, không thực tế giảng dạy, nghiên cứu hay có bất cứ hoạt động nào ở trường, thậm chí có hiệu trưởng không còn khả năng ký bằng cấp cho sinh viên tốt nghiệp... hoặc hiện tượng thuê viết và công bố các bài nghiên cứu ghi danh trường để tính thành tích ảo mà báo chí đã nhiều lần phản ánh.

Những hiện tượng này không phải là phổ biến trong hệ thống nhưng cũng không hiếm gặp. Nếu cơ quan quản lý không có biện pháp kịp thời, công luận không lên tiếng và người học/người tiêu dùng vẫn nhầm lẫn hoặc chỉ cần “mua bằng” thì “nồi canh” chất lượng dẫu bắt đầu có chút “sơn hào hải vị” cũng sẽ bị những “con sâu” này huỷ hoại, làm hoen ố.

Về việc này, Luật Giáo dục đại học đã có định hướng phải “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học; kiểm định, đánh giá, quản lý, giám sát và đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan” (Điểm c, Khoản 2, Điều 68) và phải có quy định về việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (Khoản 4, Điều 52).

Quyết định số 78/QĐ-TTg cũng đã đưa ra giải pháp phải xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, truyền thông bên trong và bên ngoài, cơ sở dữ liệu bảo đảm chất lượng và quy trình quản lý chất lượng, thực hiện trách nhiệm giải trình và công khai thông tin theo quy định.

Dự thảo các văn bản về kiểm định chất lượng giáo dục (sẽ ban hành trong thời gian tới) cũng đã đưa nội dung các trường phải công khai báo cáo tự đánh giá; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phải công bố công khai kết quả đánh giá ngoài và nội dung nghị quyết của Hội đồng Kiểm định trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục…

Như vậy, cơ chế chính sách để minh bạch thông tin, phân biệt vàng thau đã có, chỉ còn chờ ở sự quyết liệt trong khâu tổ chức thực hiện và xử lý vi phạm thật nghiêm minh để dần làm trong sạch hệ thống, đi đến chất lượng thật, phát triển thật.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xây dựng văn hóa chất lượng trong trường đại học nghĩa là làm cho tất cả đối tượng trong nhà trường đều tham gia vào quá trình xây dựng, kiểm soát và nâng cao chất lượng của mọi hoạt động trong nhà trường. Vậy theo bà, văn hóa chất lượng có vai trò gì trong hệ thống quản lý chất lượng?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Điều đó hoàn toàn đúng. Bởi vì, bảo đảm và kiểm định chất lượng là một tiền đề để xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường và văn hoá chất lượng làm cho công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng trở nên thực chất từ bên trong, trở thành nội lực của mỗi trường.

Văn hóa chất lượng là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến toàn bộ hệ thống đảm bảo chất lượng mỗi cơ sở đào tạo. Nó tạo ra môi trường văn hóa mà ở đó, mọi người, mọi hoạt động đều hướng tới việc nâng cao chất lượng, thực hiện đúng các quy trình, quy định để đạt được mục tiêu, sứ mạng của nhà trường và làm hài lòng các bên liên quan.

Văn hóa chất lượng khi được xây dựng sẽ tạo ra môi trường lý tưởng cho việc quản lý chất lượng, khi mà ở đó, người lãnh đạo lựa chọn những giá trị đúng, cam kết thực hiện, đầu tư cho chất lượng và luôn đi đầu, nêu gương trong việc tự giác thực hiện; đánh giá công bằng và có chế độ khuyến khích xứng đáng đối với những người, đơn vị đề cao chất lượng, thực hiện tốt việc bảo đảm và cải tiến chất lượng.

Trong môi trường đó, từng cán bộ, giảng viên, người học… đều hiểu rõ trách nhiệm của mình, đều cố gắng làm tốt nhất và mỗi ngày tốt hơn, luôn sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ đồng nghiệp kinh nghiệm tốt để cải tiến chất lượng đồng bộ. Dư luận trong trường cũng hướng tới việc tôn trọng, đề cao uy tín của những cá nhân, đơn vị thực hiện công việc với chất lượng tốt, có đóng góp chung cho việc nâng cao chất lượng của toàn trường và lên án những hành vi phản chất lượng…Đến mức độ đó, nghĩa là hầu hết các cá nhân, đơn vị trong trường đều đã tham gia vào quá trình xây dựng, kiểm soát và nâng cao chất lượng của mọi hoạt động trong nhà trường.

Như vậy, văn hóa chất lượng làm cho hoạt động tự kiểm soát, tự đánh giá, tự cải tiến chất lượng trở thành hoạt động thường xuyên, thành nguyên tắc chủ đạo, thành thói quen… Khi đó, văn hóa chất lượng hòa cùng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong sẽ phù hợp với các tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng theo quy định của cơ quan bảo đảm chất lượng bên ngoài; vấn đề quản lý chất lượng gần như trở thành tự giác; kiểm định chất lượng sẽ không còn là công việc vất vả của nhà trường như hiện nay.

Thực tế, văn hóa chất lượng bước đầu, đã trở thành một trong những tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nhà trường theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT. Trong thời gian tới, Quyết định số 78/QĐ-TTg cũng nêu rõ trách nhiệm của các trường phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; tăng cường các điều kiện về bảo đảm chất lượng và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục; xây dựng văn hóa chất lượng.

Thực hiện trách nhiệm này, trường sẽ phải có những thay đổi tích cực trong công tác quản trị nhà trường, tự chủ và tự chịu trách nhiệm, ban hành các văn bản nội bộ, quy định, quy trình… để thay đổi từ nhận thức đến hành động của lãnh đạo nhà trường, cán bộ giảng viên, người học, đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, văn hóa chất lượng chỉ hiệu quả và có sức lan tỏa khi nó được duy trì trong suốt quá trình hoạt động, trở thành nề nếp, thói quen trong các nhà trường và nó yêu cầu phải có môi trường đủ rộng, vượt khỏi hệ thống giáo dục đại học để thực hiện sứ mệnh.

Nếu chỉ một số cơ sở giáo dục đại học xây dựng văn hóa chất lượng mà các lực lượng khác trong xã hội, đặc biệt là cộng đồng các nhà sử dụng lao động, (bao gồm cả và nhất là nhất là khu vực nhà nước) không thấm nhuần văn hóa chất lượng trong tuyển dụng, quản lý, đánh giá lao động, đãi ngộ, khen thưởng, thăng tiến…thì việc xây dựng văn hóa chất lượng trong nhiều cơ sở đào tạo cũng thiếu động lực và khó thành công.

Việt Nam đặt mục tiêu từ năm 2022-2025 hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm (cơ sở đào tạo) được cơ bản hoàn thành; năng lực hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm được nâng cao. Theo bà, để nâng cao chất lượng đào tạo, việc cải tiến chất lượng các hoạt động sau kiểm định cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo phát triển bền vững?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Mục đích của kiểm định không chỉ để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, rồi dùng kết quả đó để quảng bá tuyển sinh, tăng chỉ tiêu tuyển sinh… mà điều quan trọng là để các trường nhận ra những mặt mạnh, mặt yếu của mình, có kế hoạch cải tiến chất lượng ngày một tốt hơn; thực hiện trách nhiệm giải trình với người học, cơ quan quản lý, xã hội và các bên liên quan; xây dựng văn hóa chất lượng, khẳng định thương hiệu và phát triển bền vững.

Tuy vậy, một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian gần đây cho thấy bên cạnh những trường đầu tư tốt cho chất lượng thì vẫn còn tới gần 20% số trường tham gia khảo sát không đầu tư kinh phí cho việc cải tiến chất lượng.

Trong thời gian tới, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển bền vững, việc cải tiến chất lượng sau kiểm định cần được chú trọng theo những quy trình hợp lý, đồng bộ và phải được các chủ thể có trách nhiệm trong nhà trường thực sự quan tâm.

Trước hết, việc cải tiến chất lượng đã phải thực hiện ngay sau giai đoạn tự đánh giá. Trên cơ sở báo cáo tự đánh giá, đánh giá ngoài và nghị quyết thẩm định kết quả đánh giá chất lượng của Hội đồng kiểm định chất lượng, cơ sở đào tạo cần xây dựng kế hoạch và đầu tư nguồn lực để khắc phục những tồn tại, tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục. Trong giai đoạn này, vai trò của đơn vị bảo đảm chất lượng trong trường phải là lực lượng nòng cốt, tham mưu, đề xuất những việc cần thực hiện, cá nhân và đơn vị có trách nhiệm thực hiện, kết quả phải đạt được đến từng thời điểm, từng giai đoạn; thời gian phải báo cáo kết quả thực hiện…

Lãnh đạo nhà trường ban hành kế hoạch cải tiến chất lượng sau kiểm định, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực, huy động lực lượng trong toàn trường thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng một cách quyết liệt, có thứ tự ưu tiên hợp lý. Trước hết là sớm khắc phục những hạn chế thuộc nhóm (1) như đã phân loại ở trên. Những hạn chế mà việc khắc phục không phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư như vấn đề quản trị, quản lý, đẩy mạnh hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong… cũng cần thực hiện ngay và hoàn toàn có thể khắc phục sớm.

Trong điều kiện tự chủ đại học, việc cải tiến chất lượng cũng cần quy chế hóa trong các văn bản nội bộ của nhà trường để các chủ thể liên quan hiểu rõ về trách nhiệm thực hiện và phối hợp thực hiện. Việc đánh giá kết quả, hiệu quả làm việc của các cán bộ, giảng viên, chuyên viên nhất thiết phải căn cứ vào mức độ đạt được các tiêu chuẩn chất lượng thuộc nghĩa vụ, trách nhiệm được giao, đặc biệt là những tồn tại đã được chỉ ra sau kiểm định.

Việc đánh giá kế hoạch cải tiến chất lượng phải được tiến hành thường xuyên trong các cuộc họp giao ban, sơ kết tháng, quý, học kỳ, tổng kết năm học; giữa và cuối chu kỳ kiểm định… để đạt được kết quả mong đợi. Đặc biệt, báo cáo giữa kỳ là vấn đề đã được quy định, là trách nhiệm pháp lý của các trường. Để thực hiện được báo cáo này thì cần có kế hoạch ngay sau khi kiểm định để giữa kỳ khắc phục được cơ bản những vấn đề tồn tại và chuẩn bị cho việc nâng cao chất lượng của chu kỳ sau.

Quyết định số 78/QĐ-TTg cũng đã xác định trách nhiệm của các cơ sở đào tạo phải ban hành đầy đủ văn bản quản lý nội bộ gồm chính sách, quy định, quy trình, hướng dẫn để thực hiện công tác bảo đảm, cải tiến và quản lý chất lượng giáo dục; xây dựng và triển khai chiến lược và các kế hoạch bảo đảm, cải tiến chất lượng trung hạn và hằng năm; tăng cường hoạt động tự đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trong nước hoặc nước ngoài sau đánh giá.

Để thực hiện tốt mục tiêu “phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm” và các chỉ tiêu của Quyết định số 78/QĐ-TTg nêu trên thì trong thời gian tới, không chỉ các cơ sở giáo dục đại học mà cả hệ thống kiểm định sẽ phải thay đổi.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.

Thùy Linh (thực hiện)