Xin ý kiến giáo viên gấp gáp như "đánh úp", Bộ Giáo dục có biết?

12/02/2022 06:24
Thuận Phương
GDVN- Câu hỏi khảo sát cần mang tính mở để giáo viên tự do bày tỏ quan điểm, tránh kiểu câu hỏi đóng khung buộc phải chọn một trong 2 phương án đồng ý hay không.

Nhận được thông báo đề nghị tham gia trả lời Phiếu lấy ý kiến trên hệ thống TEMIS và nộp gấp, nhiều đồng nghiệp là các thầy cô giáo đang đi dạy (thậm chí dạy cả ngày) phải thốt lên với người viết, góp ý thông tư mà gấp gáp y như "đánh úp" thế này thì chỉ có nước góp ý đại mới xong.

Giáo viên nhận yêu cầu chiều ngày 9/2 hạn nộp ngày 10/2 (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Giáo viên nhận yêu cầu chiều ngày 9/2 hạn nộp ngày 10/2 (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Nhận yêu cầu chiều ngày 9/2 nhưng hạn nộp bắt buộc vào ngày 10/2

Xem kỹ đường đi của yêu cầu khảo sát, chúng tôi nhận thấy không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển công văn yêu cầu góp ý cho Sở Giáo dục khi nào nhưng mãi ngày 8/2/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận mới có Công văn số 263/SGDĐT-TCCB&QLCLGD về việc lấy ý kiến giáo viên về một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

8 giờ 17 phút ngày 9/2, phòng giáo dục chuyển công văn về cho các trường học. Và, 15 giờ ngày 9/2 công văn trên mới được chuyển đến tay giáo viên với lời nhắn hết hạn thực hiện khảo sát vào ngày 10/2.

Thời gian góp ý gấp gáp, nhiều thầy cô giáo chỉ trả lời cho xong

Muốn trả lời các câu hỏi trong phiếu khảo sát, giáo viên phải đọc và suy ngẫm về những điều, những mục những khoản trong thông tư nhất là những thông tư liên quan đến quyền lợi sát sườn của nhà giáo lại càng phải nghiên cứu kỹ.

Chưa tới 1 ngày phải hoàn thành khảo sát trong khi giáo viên các cấp vẫn đang đi dạy. Có những thầy cô giáo dạy suốt cả một ngày thì lấy thời gian nào mà đọc, mà ngẫm để góp ý cho chính xác?

Đây không phải lần đầu tiên ngành giáo dục triển khai việc góp ý thông tư với thời gian nhanh chóng đến như thế.

Chúng tôi vẫn thường nhận được những yêu cầu về góp ý chương trình, góp ý sách giáo khoa, về mô hình dạy học, phương pháp dạy học mới với thời gian cho phép tối đa cũng chỉ một, hai ngày.

Hay như một số yêu cầu về báo cáo liên quan đến thông tin của học sinh cần phụ huynh hợp tác, giáo viên cũng thường bị “đánh úp” như yêu cầu vào 10 giờ trưa nhưng đầu giờ chiều phải có số liệu để nộp.

Việc không thể hoàn thành đúng tiến độ, buộc một số giáo viên phải báo cáo “ma”, báo cáo khống vẫn xảy ra.

Cần thay đổi cách góp ý

Sau khi ban hành chùm Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT đã gặp phải rất nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. Một số ít giáo viên cũng đồng ý với cách phân hạng nhà giáo nhưng đại bộ phận giáo viên đều phản ứng vì rất nhiều bất cập xảy ra.

Đó là việc chuyển xếp hạng nhà giáo còn mang nhiều tính hên xui may rủi. Chưa hẳn giáo viên ở hạng cao đã có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức hơn giáo viên hạng thấp.

Có giáo viên vừa ra trường chưa tới chục năm, lương đã ngang bằng với nhiều thầy cô giáo có thâm niên nghề hơn 20 năm. Có thầy cô dạy gần về hưu còn phải đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mà đi học mất mấy triệu bạc nhưng mức lương cũng chỉ cải thiện vài ba chục ngàn…

Người viết nghĩ rằng, Bộ Giáo dục đã rất cầu thị nên mới tổ chức lấy ý kiến khảo sát của toàn thể giáo viên. Vì thế, chắc chắn Bộ Giáo dục cũng rất muốn lắng nghe những góp ý chân thật nhất, nghiêm túc nhất để hoàn thiện chùm thông tư một cách hoàn chỉnh nhất, hợp lòng đại bộ phận nhà giáo.

Tuy thế, với cách triển khai lấy ý kiến khảo sát vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên Đán đã chưa thật sự hợp lý. Bởi, cận Tết thì biết bao công việc ngập đầu. Sau Tết, không khí xuân còn vấn vương, đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi quý báu. Người đi du lịch, thăm nội ngoại họ hàng, người cũng bận rộn với bao công việc gia đình. Rồi chuẩn bị hồ sơ, giáo án cho ngày trở lại trường.

Cộng với việc công văn bị chuyển lòng vòng từ Bộ về Sở, từ Sở về Phòng, từ Phòng về trường rồi từ trường mới chuyển đến giáo viên. Mỗi nơi nhận cũng phải có thời gian đọc, nghiên cứu, triển khai nên đến được tay thầy cô giáo đã mất khá nhiều thời gian. Giáo viên không còn nhiều thời giờ thực hiện việc khảo sát một cách nghiêm túc.

Bên cạnh đó, khi phiếu khảo sát đã có đầy đủ họ tên, số điện thoại, đơn vị công tác thì không ít thầy cô giáo có cảm giác e ngại khi tỏ thái độ không đồng ý với những quy định trong thông tư.

Cách góp ý hiệu quả nhất, Bộ Giáo dục nên mở thêm diễn đàn góp ý tự do trên Cổng thông tin điện tử của Bộ hoặc ngay trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Các địa phương có trách nhiệm thông báo để giáo viên tham gia đầy đủ.

Những câu hỏi khảo sát cũng cần được thiết kế lại mang tính mở để giáo viên tự do bày tỏ quan điểm của mình, tránh kiểu câu hỏi đóng khung buộc phải chọn một trong 2 phương án đồng ý hay không như hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương