9/2 nhận công văn Bộ Giáo dục xin góp ý, 10/2 hết hạn, tôi thấy "bệnh hình thức"

11/02/2022 06:38
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục lấy ý kiến giáo viên về một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quy định tại Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Ngày 26/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Công văn số 74/NGCBQLGD-CSNGCB gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc lấy ý kiến giáo viên về một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Theo đó, Công văn này có nội dung như sau:

Trong thời gian qua, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục nhận được nhiều ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục và các cơ quan thông tin, báo chí về việc triển khai các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Để có cơ sở sửa đổi, bổ sung các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT phù hợp với quy định mới của Nghị số 89/2021-NĐCP quy định đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lấy ý kiến giáo viên mầm non, phổ thông về một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Về cách thức triển khai: giáo viên mầm non, phổ thông trả lời Phiếu lấy ý kiến trên hệ thống thông tin quản lí đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (TEMIS). Thời gian triển khai: từ ngày 26/1/2022 đến hết ngày 10/2/2022.

Điều đáng nói là Công văn số 74/NGCBQLGD-CSNGCB của Bộ Giáo dục triển khai trong thời gian giáo viên nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần và cho đến ngày 9/2/2022, giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh mới nhận được Công văn này [1] và hôm sau 10/2/2022 thì hết hạn góp ý kiến.

Trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục Văn bản chỉ đạo điều hành lĩnh vực của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, người viết không thể tìm thấy Công văn số 74/NGCBQLGD-CSNGCB. [2]

Với cách triển khai quá rườm rà chậm chạp theo hệ thống quản lý hành chính ngành dọc như thế này trong thời buổi cách mạng 4.0, ngày nay nhận được văn bản của Bộ đề nghị góp ý trong khi ngày mai đã hết hạn góp ý, quả thực tôi và nhiều đồng nghiệp có cảm giác như "bệnh hình thức", phân vân không biết việc lấy ý kiến này là thực lòng hay cho có?.

Phải chăng đây là một trong những minh chứng cho việc Bộ Giáo dục Đào tạo xếp cuối bảng về chỉ số cải cách hành chính năm 2020, thấp nhất trong số 17 bộ, cơ quan ngang bộ [3]?

Tuy nhiên dù thời gian gấp gáp, nhưng vì chùm thông tư này ảnh hưởng đến hàng triệu nhà giáo và có nhiều bất cập, người viết cũng xin tranh thủ có một vài ý kiến đóng góp cho Bộ.

Ảnh chụp màn hình [2]
Ảnh chụp màn hình [2]
Ảnh chụp màn hình

Ảnh chụp màn hình

Công văn của Bộ Giáo dục lấy ý kiến giáo viên về một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. (Ảnh: Ánh Dương)

Công văn của Bộ Giáo dục lấy ý kiến giáo viên về một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. (Ảnh: Ánh Dương)

Tôi không đồng tình nhiều nội dung về tiêu chuẩn chức danh

Thứ nhất, tôi không đồng tình cách xếp lương của giáo viên trung học phổ thông hạng II, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.

Vì giáo viên trung học phổ thông hạng II cơ bản cũng thực hiện nhiệm vụ như giáo viên trung học phổ thông hạng III (giảng dạy và giáo dục học sinh), nhưng giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15, chỉ được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98 – là quá vô lí.

Tôi không đồng tình giáo viên trung học phổ thông hạng I, mã số V.07.05.13, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78, vì quy định nhiệm vụ của giáo viên hạng I vừa thiếu thực tiễn vừa có những tiêu chuẩn cao chót vót, giáo viên rất khó thực hiện.

Chẳng hạn, giáo viên hạng I phải "tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên" (công việc này cần công sức cả tổ chuyên môn mới có thể thực hiện được).

Hay giáo viên hạng I "chủ trì các nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai chủ trương, nội dung đổi mới của ngành hoặc sinh hoạt chuyên đề từ cấp tỉnh trở lên", là bất hợp lí, đây là công việc của tổ trưởng chuyên môn.

Thứ hai, tôi không đồng tình quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của giáo viên các hạng. Vì Điều 67 Luật Giáo dục 2019 quy định tiêu chuẩn của nhà giáo là “có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt”.

Ngoài ra, Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định nhiệm vụ của giáo viên như sau:

“Trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp”.

Điều 31 Thông tư 32 cũng quy định hành vi ứng xử của giáo viên (trích): "Không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp. Ngôn ngữ, ứng xử của giáo viên phải bảo đảm tính sư phạm, đúng mực, có tác dụng giáo dục đối với học sinh".

Tôi không đồng tình nhiều nội dung quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của Bộ Giáo dục. (Ảnh: Ánh Dương)

Tôi không đồng tình nhiều nội dung quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của Bộ Giáo dục. (Ảnh: Ánh Dương)

Thứ ba, tôi không đồng tình quy định trình độ đào tạo của giáo viên hạng I trung học phổ thông (thạc sĩ). Vì Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau (trích):

"Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".

Tôi đồng tình với ý kiến của tác giả Nguyễn Cao được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam khi đề cập đến giáo viên phải có bằng Thạc sĩ, đó là: “Không phải giáo viên nào muốn đi học cao học cũng có thể đi được vì nó còn phụ thuộc vào khoảng cách địa lý, thời gian, tiền bạc nữa.

Nếu yêu cầu giáo viên có hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên sẽ vô tình đẩy giáo viên ở các vùng nông thôn, miền núi… không có cơ hội thăng hạng vì hiện nay các lớp cao học chủ yếu mới mở tại các cơ sở chính của các trường đại học.

Nếu Bộ không kiểm soát được việc đào tạo thì rất dễ dẫn đến tình trạng các trường đại học, các viện khoa học sẽ mở lớp, sẽ chiêu sinh tràn lan ở các địa phương giống như tại chức, từ xa trước đây. Lúc ấy, tấm bằng thạc sĩ sẽ có rất nhiều nhưng chất lượng thì không thể nào kiểm soát được".

Thứ tư, tôi không đồng tình quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Tôi đã học xong và được cấp chứng chỉ này thì thấy rằng, hầu hết các chuyên đề, giáo viên đã được học khi còn là sinh viên ở giảng đường đại học và hàng năm các thầy cô giáo đều được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.

Chẳng hạn, chuyên đề “Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường”, tôi đã học qua các môn ở trường đại học như “Tâm lí lứa tuổi”, “Giao tiếp sư phạm”, “Giáo dục học đại cương”. Hoặc chuyên đề “Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên” thì rất nhiều kì nghỉ hè tôi và các đồng nghiệp đều được cử đi học bồi dưỡng.

Bàn về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết:

“Bản chất, giáo viên trước khi ra giảng dạy là đã được đào tạo và công nhận nghề nghiệp sư phạm. Do đó, quy định có thể bỏ yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên. Điều này sẽ đáp ứng sự phù hợp của xu hướng chung hiện nay là giảm bớt các chứng chỉ không cần thiết; đồng thời, giảm bớt được những phiền hà”. [4]

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục cần nghiên cứu quy đổi chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên hàng năm thành chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là cách làm thiết thực, hợp tình hợp lí nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1] //hcm.edu.vn/thong-bao/tin-khan-ve-lay-y-kien-giao-vien-ve-mot-so-noi-dung-lien-quan-den-tieuchuan-chu/ctfull/41012/67991

[2]https://moet.gov.vn/van-ban/vbdh/Pages/default.aspx?LinhVucVanBanID=25\

[3]https://vnexpress.net/bo-giao-duc-dao-tao-xep-cuoi-bang-ve-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-4299266.html

[4] //tuoitre.vn/do-xo-hoc-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-se-kien-nghi-bo-gd-dt-xem-xet-lai-20210303225321955.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương