Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến giáo viên cả nước tại địa chỉ https://temis.edu.csdl.vn về một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông.
Đây có thể coi là một “cơ hội vàng” của giáo viên cả nước sau khi chùm Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT được thực hiện nhưng có nhiều bất cập.
Điều này chứng tỏ Bộ đang lắng nghe để bổ sung, chỉnh sửa các thông tư sao cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi của giáo viên.
(Ảnh minh họa: VTV) |
Bộ sửa đổi chùm thông tư để tháo gỡ những bất cập, tạo nhiều thuận lợi cho giáo viên
Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, mục đích của việc lấy ý kiến giáo viên để phục vụ cho công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và bảo đảm quyền lợi trực tiếp của giáo viên.
Nội dung khảo sát gồm 3 phần: I. Thông tin chung, II. Về việc bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp (quy định tại Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT), III. Nội dung xin ý kiến khác.
Có thể nói, các nội dung lấy ý kiến giáo viên phù hợp với những mong muốn, yêu cầu chính đáng của nhà giáo cả nước.
Cụ thể, ở nội dung II. Về việc bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp (quy định tại Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT), phiếu khảo sát đưa ra là: 3. Về quy định bổ nhiệm và xếp lương (Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điều chỉnh một số quy định về bổ nhiệm và xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập, trân trọng đề nghị Quý thầy/cô cho biết ý kiến về những nội dung dự kiến quy định sau đây (lựa chọn bằng cách tích vào ô “Đồng ý” hoặc ô “Không đồng ý”):
3.1. Giáo viên chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng thì giữ nguyên mã số và hệ số lương hiện hưởng, khi đạt các tiêu chuẩn thì bổ nhiệm vào hạng mà không phải thông qua thi, xét thăng hạng
3.2. Giáo viên chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng thì tạm thời bổ nhiệm vào hạng thấp hơn liền kề
3.3. Giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp từ các Thông tư liên tịch 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT để bảo đảm quy định về thời gian làm việc tối thiểu trong hạng tại khoản 4 mục ghi chú Bảng 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP
3.4. Giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó để bảo đảm đúng với quy định về nguyên tắc xếp lương tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP (VD: giáo viên THCS hạng II cũ hệ số lương 3,33 đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm hạng II mới thì được chuyển xếp lương vào hệ số 4,00)
3.5. Khi giáo viên đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm từ hạng I, II cũ vào hạng I, II mới nhưng hệ số lương hiện hưởng chưa ngang bằng với hệ số lương khởi điểm của bảng lương quy định cho hạng thì chưa thực hiện chuyển xếp lương mới mà giữ nguyên hệ số lương hiện hưởng (VD: giáo viên THCS hạng II cũ đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm hạng II mới, nhưng hệ số lương hiện hưởng là 3,33 thì chưa chuyển xếp lương vào hệ số 4,00 mà phải đợi đến khi được hưởng hệ số lương 3,99 thì mới được xếp lương 4,00).
Về nội dung này, một giáo viên tiểu học ở Đồng Nai cho biết: “Tôi thấy việc bổ nhiệm, xếp lương Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thực hiện theo mục 3.2 và 3.5 để tạo công bằng trong giáo viên.
Giáo viên chưa đạt chuẩn của hạng tương ứng thì bổ nhiệm vào hạng thấp hơn liền kề.
Giáo viên có hệ số lương hiện hưởng chưa ngang bằng với hệ số lương khởi điểm của bảng lương quy định cho hạng thì giữ nguyên hệ số cũ”.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều giáo viên cũng cho rằng sửa đổi các thông tư 01, 02, 03, 04 theo tiêu chí 3.2, 3.5 là hợp lí. Làm như vậy là vừa tạo công bằng vừa đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.
Đối với nội dung lấy ý kiến III. Nội dung xin ý kiến khác. Ở đây là về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông. Đa số giáo viên tôi gặp đều cho rằng tiêu chuẩn ở mục 1. Về quy định nhiệm vụ của giáo viên có sự thay đổi lớn, phù hợp hơn:
1.1. Quy định nhiệm vụ chung cho tất cả giáo viên các hạng, giáo viên ở hạng cao thì quy định thêm một số nhiệm vụ phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp, yêu cầu về năng lực và sự thăng tiến nghề nghiệp của giáo viên (như quy định hiện hành).
1.2. Nhiệm vụ của giáo viên được quy định đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công.
Như vậy, nhiệm vụ của giáo viên được “nới lỏng” vì “là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công”.
Thế nhưng, nhiều người thấy không cần thiết phải có minh chứng ở tiêu chuẩn này. Bộ nên bỏ yêu cầu về minh chứng: 1.3. Giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ trước khi bổ nhiệm vào hạng.
Tiêu chuẩn lấy ý kiến thứ 2 về quy định đạo đức nghề nghiệp của giáo viên:
2.1. Quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho tất cả giáo viên các hạng, không yêu cầu mức độ cao hơn đối với giáo viên ở hạng cao.
2.2. Quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung như sau “Giáo viên phải thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của viên chức theo Luật Viên chức 2010 và quy định của Bộ GDĐT về đạo đức nhà giáo”.
Đây là nội dung sửa đổi rất hợp lí sau khi nhận được nhiều góp ý từ giáo viên, dư luận xã hội và truyền thông.
Những điểm mới của thông tư sửa đổi
Có nhiều điểm mới nếu được bổ sung cho chùm thông tư như ở hạng I của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, những yếu tố để phân biệt giáo viên ở hạng cao.
Tiêu chuẩn thứ 3. Về quy định trình độ đào tạo của giáo viên hạng I:
3.1. Quy định trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I là đại học.
Việc quy định trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I là đại học trong khi thông tư 02,03 quy định là thạc sĩ được giáo viên cho rằng như thế là phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của xã hội.
Còn với mục 4. Về quy định chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp:
4.1. Mỗi cấp học có 01 chương trình bồi dưỡng, mỗi giáo viên chỉ cần 01 chứng chỉ bồi dưỡng tương ứng với cấp học đang giảng dạy.
4.2. Đối với những giáo viên đã có ít nhất 01 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng bất kỳ (tương ứng với cấp học đang giảng dạy) thì không yêu cầu phải có chứng chỉ theo quy định mới.
4.3. Đối với những giáo viên đã có ít nhất 01 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng bất kỳ nhưng không tương ứng với cấp học đang giảng dạy thì yêu cầu phải có chứng chỉ theo quy định mới
4.4. Đối với những giáo viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, đang giảng dạy nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng bất kỳ (tương ứng với cấp học đang giảng dạy) yêu cầu phải có chứng chỉ theo quy định mới
Những thầy cô giáo tôi gặp đều có chung quan điểm đề nghị Bộ sửa đổi theo quy định 4.1 và 4.2 để đỡ tốn kém kinh phí, thời gian học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên.
Một thầy giáo ở tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tôi đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, nếu Bộ quy định chỉ cần 01 chứng chỉ bồi dưỡng cho hạng bất kỳ thì sẽ không phải mất thêm tiền và thời gian học chứng chỉ khác”.
Theo người viết, để phân biệt được giáo viên ở hạng cao, cần dựa vào những yếu tố:
b) Giáo viên ở hạng cao hơn có trình độ đào tạo, bồi dưỡng cao hơn;
c) Giáo viên ở hạng cao hơn có trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn;
d) Giáo viên ở hạng cao hơn được xếp lương ở bảng lương có hệ số lương cao hơn;
Bộ cần đưa ra những tiêu chí cụ thể cho yếu tố c) Giáo viên ở hạng cao hơn có trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn. Làm như vậy mới tạo công bằng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, tránh tình trạng “cào bằng”... Ví dụ: Giáo viên tiểu học hạng I cần đạt danh hiệu thi đua, giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp nào chẳng hạn…
Cơ hội để giáo viên lên tiếng cho quyền lợi của mình
Trong những bài viết vừa qua về việc Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lấy ý kiến giáo viên sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục, tôi thấy tác giả một số bài viết còn băn khoăn.
Đó là những lo lắng: “Bộ Giáo dục khảo sát kiểu này, liệu giáo viên có dám nói thẳng, nói thật?”, hay “9/2 nhận công văn Bộ Giáo dục xin góp ý, 10/2 hết hạn, tôi thấy "bệnh hình thức".
Thế nhưng, theo người viết, đợt lấy ý kiến lần này của Bộ sẽ được nhà giáo cả nước đón nhận và góp ý một cách thiết thực, cụ thể.
Hầu hết đồng nghiệp tôi tìm hiều đều vui mừng và tin tưởng chùm thông tư sắp tới của Bộ sẽ ra theo hướng có lợi cho giáo viên, không còn những bất cập, rối bời như trước.
Về việc sửa đổi, bổ sung chùm thông tư, tôi xin có ý kiến của mình như sau:
Thứ nhất, do thời gian lấy ý kiến trùng với thời gian nghỉ tết nên nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có công văn chỉ đạo kịp thời đến giáo viên. Do đó, Bộ cần cho thêm thời gian để giáo viên góp ý cho chùm thông tư.
Thứ hai, giáo viên cần nghiên cứu kĩ các văn bản, góp ý những ý kiến một cách xác đáng, chất lượng, tránh việc làm cho có.
Chúng ta không câu lệ, không có suy nghĩ những góp ý của mình có tên tuổi, đơn vị công tác, tỉnh thành sẽ bị nhắc nhở kiểm điểm…
Đợt lấy ý kiến của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục lần này sẽ là cơ hội để giáo viên mầm non, phổ thông lên tiếng cho quyền lợi của chính mình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.