Tôi không hiểu nổi vì sao Bộ Giáo dục vẫn chia giáo viên làm 3 hạng

08/02/2022 06:41
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực hiện phân loại giáo viên theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP là thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Bài viết “Chính phủ đã bỏ chia hạng viên chức, sao Bộ Giáo dục vẫn chia hạng giáo viên?” đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã được nhiều giáo viên chia sẻ, bình luận rộng rãi trên các nhóm diễn đàn giáo viên.

Phần lớn giáo viên đều bất ngờ trước thông tin này, Chính phủ đã thay thế Nghị định 29/2012/NĐ-CP bằng Nghị định 115/2020/NĐ-CP, vậy mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện thay đổi cách phân loại giáo viên trong văn bản dự thảo?

Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, có hiệu lực ngày 29/9/2020, tính đến nay (tháng 2/2022) đã gần 18 tháng, thế nhưng trong dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, còn đó: Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành: Viên chức làm công tác giảng dạy gồm có giáo viên hạng I, hạng II, hạng III.

Theo Điều 3 Nghị định 115/2020/NĐ-CP: Phân loại viên chức

1. Theo chức trách, nhiệm vụ, viên chức được phân loại như sau:

a) Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý;

b) Viên chức không giữ chức vụ quản lý là người chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Theo trình độ đào tạo, viên chức được phân loại như sau:

a) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ;

b) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ;

c) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo đại học;

d) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng;

đ) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp.

Rõ ràng, từ ngày 29/9/2020 Nghị định 115/2020/NĐ-CP có hiệu lực, phân loại viên chức nói chung, phân loại giáo viên nói riêng không còn theo hạng, mà theo 02 tiêu chí:

- Theo chức trách, nhiệm vụ: Viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý;

- Theo trình độ đào tạo: Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp.

Ảnh chụp màn hình chia sẻ, bình luận của giáo viên do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình chia sẻ, bình luận của giáo viên do tác giả cung cấp

Việc phân loại giáo viên theo hạng như hiện nay, thực hiện theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP, là trái với Nghị định 115/2020/NĐ-CP, hay nói thẳng, nếu còn phân loại giáo viên theo hạng sau ngày 29/9/2020 là chưa "cập nhật" quy định của Chính phủ.

Phân loại giáo viên như thế nào cho phù hợp?

Điều 72 Luật Giáo dục 2019 ghi rõ: Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo

1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

2. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, với giáo viên mầm non, phân hạng giáo viên theo bằng cấp là phù hợp. Hạng II: giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Hạng I: giáo viên có bằng tốt nghiệp Cử nhân Sư phạm.

Giáo viên tiểu học, trung học, có yêu cầu chuẩn bằng cấp đào tạo Cử nhân như nhau, nên phân loại theo tiêu chí: Viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý, là phù hợp.

Điều gì sẽ xảy ra khi giáo viên không còn phân loại theo hạng?

Giáo viên không còn phân loại theo hạng, đó là thực hiện đúng văn bản pháp luật của nhà nước về phân loại viên chức nói chung, giáo viên nói riêng.

Những tác động tiêu cực của “hạng” đến tâm tư, tình cảm của giáo viên sẽ kết thúc, thay vào đó là sự phấn khởi, tin tưởng.

Không phân loại giáo viên theo hạng, là thể hiện rõ nét tinh thần sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Không phân loại giáo viên theo hạng, ngành giáo dục sẽ xóa bỏ được các cuộc thi, xét thăng hạng cho giáo viên hàng năm, đang tiêu tốn ngân sách không nhỏ cho các ban bệ, từ ra đề, chấm, xét hồ sơ…, hạn chế tiêu cực, chạy chọt, mua bán… vì hạng.

Không phân loại giáo viên theo hạng, sẽ xóa bỏ triệt để chứng chỉ “vô bổ”, không còn “cớ” bắt giáo viên phải có chứng chỉ để … minh chứng.

Không còn “hạng”, đồng nghĩa với việc từ nay, giáo viên không phải mất “phí” để học các chứng chỉ: tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp… Những chứng chỉ “vô bổ” đó là “nồi cơm”, “tài nguyên”, “chùm khế ngọt” của ai đó, nhưng là nỗi “khiếp sợ” của giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

- Nghị định Số: 115/2020/NĐ-CP, Nghị định Số: 29/2012/NĐ-CP, Luật Giáo dục 2019

- Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1580

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh