Ngày 11/2, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, vừa có công văn gửi các trường về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Lộ trình tổ chức dạy học trực tiếp
Theo đó, các trường được tổ chức dạy học trực tiếp tại địa bàn có cấp độ dịch Covid-19: 1, 2 và 3. Đối với các trường trên địa bàn có dịch cấp độ 4 thì học sinh tiếp tục học trực tuyến.
Đà Nẵng yêu cầu các trường phải đặc biệt quan tâm đến học sinh khối lớp 1 khi quay trở lại học trực tiếp. Ảnh: AN |
Hiện nay thì học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đang học trực tiếp và từ ngày 14/2 thì học sinh lớp 6, học viên các trung tâm ngoại ngữ, tin học, các đơn vị, tổ chức, cơ sở đăng kí hoạt động giáo dục kĩ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được học trực tiếp.
Từ ngày 21/2/2022, học sinh tiểu học được học trực tiếp. Đối với trẻ mầm non thì Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, sẽ có thông báo sau.
Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cũng cho hay, đã yêu cầu các trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp, không chủ quan, buông lỏng.
Trong đó, các trường phải hoàn thành phương án vệ sinh trường lớp, phương án tổ chức dạy học trực tiếp 2 ngày trước khi triển khai dạy học trực tiếp. Riêng giáo viên, học sinh ở địa bàn có cấp độ dịch 4 không đến trường.
Sở cũng giao Hiệu trưởng trường căn cứ vào sự thay đổi cấp độ dịch tại địa bàn trường đóng chân, tình hình giáo viên, học sinh thuộc F0, F1… để chủ động quyết định thay đổi hình thức tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến, kết hợp trực tiếp với trực tuyến phù hợp.
Đặc biệt quan tâm đến học sinh lớp 1
Theo Giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng thì trước mắt, đối với bậc Tiểu học sẽ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Còn các trường chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục và thời khóa biểu, phân chia buổi học đối với các khối lớp.
Hiện các khối lớp từ 7-12 ở Đà Nẵng đã đến trường học trực tiếp. Ảnh: AN |
"Sở cũng chỉ đạo các trường yêu cầu các tổ chuyên môn xây dựng nội dung dạy học các môn học phù hợp với tình hình thực tế và đối tượng học sinh từng lớp.
Không vội chạy theo chương trình khi học sinh chưa hoàn thành nội dung bài học. Mạnh dạn linh hoạt và điều chỉnh thời gian, nội dung, kế hoạch dạy học để phù hợp tình hình của lớp, đối tượng học sinh sau thời gian học trực tuyến. Đảm bảo thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022", bà Thuận cho hay.
Ngoài ra, Hiệu trưởng các trường chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch ôn tập, phụ đạo, bổ sung kiến thức cho những học sinh chưa hoàn thành các nội dung bài học đã được học trực tuyến nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức, kĩ năng, đảm bảo yêu cầu cần đạt, tham gia kiểm tra đánh giá có chất lượng.
Xây dựng kế hoạch bài học hạn chế tối đa việc tổ chức cho học sinh thực hành tập trung, tiếp xúc nhiều người trong điều kiện không thể mang khẩu trang do quá trình vận động; có thể hướng dẫn học sinh tự thực hành ở nhà.
"Khi đi học học trực tiếp, giáo viên cần quan tâm đặc biệt đến học sinh lớp 1, có kế hoạch dạy học, hỗ trợ phù hợp với từng học sinh.
Đối với môn Tiếng Việt, trong thời gian đầu, giáo viên có thể giãn tiết trong mỗi bài học, tăng thời lượng để học sinh nắm chắc kiến thức qua từng bài. Rèn luyện kĩ năng đọc, viết, tạo tâm thế nhẹ nhàng nhằm giúp học sinh tiếp thu bài tốt nhất.
Yêu cầu dạy đâu chắc đấy, học đâu biết đấy, học sinh đạt yêu cầu của hoạt động này mới chuyển qua hoạt động tiếp theo. Có thể giảm số tiếng, từ trong bài và dạy vào các tiết ôn luyện nếu học sinh chưa tiếp thu kịp", bà Thuận thông tin thêm.
Về việc đánh giá học sinh thì Sở yêu cầu quá trình kiểm tra, đánh giá cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện dạy học và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực tâm lí đối với giáo viên và học sinh.
Đối với bậc giáo dục Trung học, Giáo dục thường xuyên, Sở chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của đơn vị về dạy học trực tiếp, trực tuyến bảo đảm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022.
Triển khai thực hiện kế hoạch dạy học ôn tập đến đối tượng học sinh cuối cấp. Trong đó, tập trung hướng dẫn học sinh giải bài tập, các đề thi tham khảo, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đề thi tuyển sinh các năm trước để củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng làm bài.
"Sở cũng đã yêu cầu các trường chú trọng việc tổ chức dạy học đối với học sinh đầu cấp, nhất là lớp 6.
Rà soát việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, linh hoạt sử dụng các phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với đặc trưng bộ môn, đảm bảo thực hiện chương trình hiệu quả, đúng quy định.
Thực hiện kiểm tra, đánh giá đúng quy định tại các thông tư hướng dẫn và cần linh hoạt phù hợp với điều kiện dạy học trực tuyến, trực tiếp và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực tâm lí đối với học sinh và giáo viên", bà Thuận cho biết.