Phải tạo hứng thú cho giáo viên, học sinh khi tổ chức đi học trực tiếp sau Tết

07/02/2022 09:29
MINH THẢO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tuyệt đối tránh hiện tượng nảy sinh tâm lý do dạy và học trực tuyến kéo dài nên giáo viên ngại đi dạy trực tiếp, học sinh ngại đi học trực tiếp.

Ngày 6/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, vừa có văn bản gửi các phòng Giáo dục, các cơ sở giáo dục trực thuộc về việc "các cơ sở giáo dục chủ động đưa học sinh đến trường, tạo thói quen, hứng thú cho các em khi dạy và học trực tiếp".

Ở các địa phương có cấp độ dịch là cấp 4, nhà trường sẽ tổ chức hoạt động dạy và học trực tuyến. Ảnh: AN

Ở các địa phương có cấp độ dịch là cấp 4, nhà trường sẽ tổ chức hoạt động dạy và học trực tuyến. Ảnh: AN

Theo đó, căn cứ tình hình dịch Covid-19 tại địa phương (tính đến địa bàn cấp xã/phường) sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến.

Kể từ ngày 7/2, đối với cấp học Trung học cơ sở, Trung học phổ thông ở các địa phương có cấp độ dịch là cấp 1, tổ chức hoạt động dạy và học trực tiếp.

Các địa phương có cấp độ dịch là cấp 2, cấp 3 thì cho hoạt động dạy và học trực tiếp có kết nối để học trực tuyến.

Học sinh sinh viên đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 theo quy định (nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính sẽ được học trực tiếp.

Với những học sinh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng Covid-19 sẽ học qua mạng. Ở các địa phương có cấp độ dịch là cấp 4, nhà trường sẽ tổ chức hoạt động dạy và học trực tuyến.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Duy Định – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho rằng, việc các trường nhanh chóng đưa người học trở lại trường học, kể cả trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học, đối với học sinh Trung học phổ thông là yêu cầu cấp thiết.

Tuy nhiên, phải tạo sự đồng thuận, sự hợp tác của cha mẹ học sinh, tránh cực đoan, chần chừ thái quá và tránh chủ quan, giao khoán, phó mặc cho nhà trường, giáo viên.

Tuyệt đối tránh hiện tượng nảy sinh tâm lý do dạy và học trực tuyến kéo dài nên giáo viên ngại đi dạy trực tiếp, học sinh ngại đi học trực tiếp và phải tạo thói quen, hứng thú khi học sinh đi học trực tiếp.

Trong văn bản của Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, củng cố, bù đắp kiến thức trước khi dạy kiến thức mới.

Đặc biệt là phát triển trẻ mẫu giáo 5 tuổi và Tiếng Việt lớp 1, lớp 2 cho học sinh dân tộc thiểu số. Tiếp tục tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp

MINH THẢO