Mong trời mau sáng để được đến trường

16/02/2022 06:38
Đỗ Quyên
GDVN- Tất cả giáo viên vẫn đang nỗ lực từng ngày với mong muốn bù đắp phần nào lỗ hổng kiến thức cho học sinh.

Sau 9 tháng xa trường và học online, sáng ngày 14/2 học sinh tiểu học ở nhiều địa phương bắt đầu được đến trường học trực tiếp. Ngày đầu tiên tựu trường, nhiều cung bậc cảm xúc được học sinh vô tư thể hiện. Em thì vui ngất ngây, có em lại mè nheo khóc lóc vì mọi thứ đều trở nên xa lạ trước mắt.

Những học sinh đầu tiên chờ được vào trường (Ảnh tác giả)

Những học sinh đầu tiên chờ được vào trường (Ảnh tác giả)

Cả đêm phấp phỏng mong trời mau sáng

Mới 6 giờ 5 phút nhưng cổng trường Tiểu học Tân An 1, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận đã có khá nhiều học sinh đứng chờ sẵn tại đó. Trên tay mỗi bé đều cầm theo đồ ăn sáng. Bất ngờ vì phải 7 giờ mới vào học nhưng học sinh đã đi trước đó gần cả tiếng đồng hồ.

Một phụ huynh chia sẻ với tôi, suốt đêm qua 2 chị em (cô chị học lớp 4, cô em học lớp 3) không ngủ được. Đứa nào cũng chập chờn và mong trời mau sáng để được đến trường.

Tôi hỏi cô bé Hân, học trò cũ năm ngoái: “Sao con đi học sớm vậy? Sao không ăn sáng rồi hãy đi?”. Cô bé cười bẽn lẽn chưa kịp lên tiếng thì mẹ đứng bên đã nhanh miệng trả lời: “Chúng nôn nóng được đến trường nên nhất định không chịu ngồi ăn sáng. Cả ngày hôm qua, khi nào cũng khấp khởi vì gần được đến trường”

Cô bé Trâm thổ lộ: “Ở nhà hoài chán lắm cô ơi! Học online cũng chán, con muốn được học trực tiếp cơ”.

Con không học đâu! Con muốn về với mẹ thôi!

Dù chương trình đã học gần hết học kỳ I nhưng với học sinh lớp 1 đây là ngày đầu tiên các em được tựu trường. Mọi thứ đều xa lạ nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ, rụt rè.

Sau khi được giáo viên dắt tay vào tận lớp, nhiều học sinh đã nhanh chóng làm quen với môi trường mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số em không chịu ngồi học mà khóc lóc đòi về.

Có em khóc, ho, nước mắt chứa chan trên khuôn mặt mà giáo viên dỗ thế nào vẫn không nín. Có em khóc nhiều quá nên nôn ói ngay trên mặt bàn trong lớp. Giáo viên phải mất khá nhiều công lau dọn và tẩy uế để không khí lớp trở lại bình thường.

Thầy trò đều mệt bở hơi tai

Sau phút giây ổn định lớp, giáo viên bắt đầu kiểm tra sách vở học sinh. Mỗi lớp được khoảng chục em thực hiện tốt theo hướng dẫn của thầy cô. Khá nhiều em chưa bao bìa, dán nhãn, chữ viết thì nguệch ngoạc.

Vào phần bài học, mới thấy áp lực nhiều hơn. Mặc dù chưa dạy kiến thức mới, đang chủ yếu ôn tập nhưng không ít em không làm được cả những bài tập đã học trước đó.

Có những học sinh lớp 2, một phép tính đơn giản của lớp 1 là 2+5 hoặc 6-2… cũng không thể tính ra kết quả. Học sinh lớp 3, lớp 4 thậm chí lớp 5 cũng đã quên sạch bảng nhân chia. Những bài toán cộng trừ đơn giản làm vẫn sai.

Nỗ lực kèm học sinh mất căn bản. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Nỗ lực kèm học sinh mất căn bản. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Để giúp học sinh lấy lại căn bản, các thầy cô giáo phải nỗ lực rất lớn. Công sức sẽ tính bằng ngày, tháng, năm không thể tính được bằng giờ.

Học hành áp lực, sự háo hức, niềm mong chờ được đi học đã nhanh chóng lịm tắt trên những khuôn mặt ngây thơ.

Bắt đầu củng cố chất lượng giáo dục sau một thời gian dài học online

Buổi học đầu tiên, tôi gọi đó là buổi học thăm dò lực học của từng học sinh để thầy cô lên kế hoạch phụ đạo sao cho hiệu quả nhất. Sau khi cho học sinh viết bài chính tả (nghe đọc) và làm một số bài toán cơ bản của khối lớp ấy.

Nhiều thầy cô giáo cùng chung một nhận xét: kết quả học online với việc kiểm tra năng lực thực tế của học sinh có sự khác xa một trời một vực. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng như vậy.

Ngoài một số em có kết quả học tập khá tốt, một số khác gần như không biết gì mà nguyên nhân do phụ huynh lơ là nên thả các bé tự học.

Một số học sinh lớp tôi chủ nhiệm, do ba mẹ bận đi làm nên thảy cho con chiếc điện thoại ở nhà học online. Thế là, những bé này luôn tắt camera để ngồi chơi. Nhiều lần giáo viên gọi khản hơn cũng chẳng lên tiếng.

Số phụ huynh khác lại kèm con quá kỹ dẫn đến các bé không tự học, tạo thói quen trông chờ, ỉ lại.

Có cậu bé, trong những giờ học online, cậu rất năng nổ giơ tay phát biểu ý kiến xây dựng bài, trả lời câu hỏi nào cũng đúng. Làm bài tập trên phần mềm Azota luôn đạt kết quả tuyệt đối.

Tuy nhiên, ngay buổi học đầu tiên, chỉ một vài phép tính đơn giản (ôn kiến thức lớp 1) cậu bé cũng làm sai. Viết chính tả thì mười tiếng sai đến 7, 8 lỗi.

Khi nghe giáo viên hỏi, cậu bé đã thừa nhận những bài tập giáo viên yêu cầu làm đều do chị gái lớp 8 làm giúp. Những câu trả lời đúng cũng do chị bày cho từ trước.

Mới buổi học đầu tiên, cả thầy và trò đều mệt bở hơi tai vì có quá nhiều điều cần phải chỉnh đốn lại.

Dù kết quả học tập online của học sinh không được như ý, dù nề nếp lớp học bị phá vỡ nhưng cũng nằm trong dự liệu của giáo viên. Hiểu rõ học sinh để biết cảm thông với điều kiện khắc nghiệt mà dịch bệnh mang lại. Tất cả giáo viên vẫn đang nỗ lực từng ngày với mong buốn bù đắp phần nào lỗ hổng kiến thức cho học sinh.

Đỗ Quyên