Lớp 1 học online từ buổi đầu tiên, quá nhiều lo lắng về chất lượng dạy và học

12/08/2021 06:59
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngừng đến trường để phòng tránh dịch bệnh Covid-19 là đúng, nhưng nghĩ các con lớp 1 phải học online tôi lo quá. Làm sao vợ chồng tôi ở nhà để học cùng con được?

Theo khung kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022 học sinh sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9. Đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23/8, tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Thế nhưng với những em vào lớp 1 tại Hà Nội, đây là năm học chưa từng có từ trước đến nay do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách xã hội có thể kéo dài.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều cha mẹ có con vào lớp 1 năm học 2021-2022 không giấu được sự lo lắng. Nỗi lo không dừng lại ở việc con sẽ học như thế nào, có thích nghi với môi trường mới ra sao, và đặc biệt là dạy online với các con lớp 1 thì chất lượng sẽ thế nào khi các con chưa hề biết đọc, biết viết? Các con đã kết thúc năm học mẫu giáo từ đầu tháng 5, sau đó dịch kéo dài liên tục nên việc các em cũng không có thời gian làm quen với các kỹ năng tiền lớp 1.

Cứ nghĩ đến các con lớp 1 phải học online tôi lo quá. Làm sao vợ chồng tôi ở nhà để học cùng con được? Đó là lo lắng của rất nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng gia tăng. Nhiều người lo lắng, với tình hình này con có thể bắt đầu năm học mới hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Với nhiều bậc học khác, học sinh đã có thời gian học trực tiếp trên lớp, làm quen với bạn bè, trường lớp, thầy cô trước đó.

Nhiều phụ huynh cho biết: "Cứ nghĩ đến các con lớp 1 phải học online tôi lo quá. Làm sao vợ chồng tôi ở nhà để học cùng con được?". Ảnh minh họa: Giang Huy.
Nhiều phụ huynh cho biết: "Cứ nghĩ đến các con lớp 1 phải học online tôi lo quá. Làm sao vợ chồng tôi ở nhà để học cùng con được?". Ảnh minh họa: Giang Huy.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô N.K, hiệu trưởng một trường Tiểu học tại Hà Nội, cô N.K chia sẻ: “Quan điểm của tôi là một giáo viên đã dạy tiểu học lâu năm, đã có có học lớp 1, tôi thấy đối với các con năm nay vào lớp 1, nếu dịch bệnh có diễn biến phức tạp như hiện nay nên cho các con tạm nghỉ học, sau đó chương trình của lớp 1 sẽ cô đọng lại và truyền đạt đến học sinh sau khi các con được đến trường đi học trở lại.

Chương trình này có thể kéo dài thêm vào dịp hè, hoặc nếu có học online thì sẽ đẩy vào chương trình học kì 2. Còn học kì 1 theo tôi nên cho các con tạm thời nghỉ. Ví dụ khai giảng vào đầu tháng 9, nhưng vì dịch nên các con có thể nhập học sau 1 tháng, vậy là đầu tháng 10 sẽ học bài đầu tiên của lớp 1. Chương trình “co” lại để đảm bảo đúng lượng kiến thức tối thiểu cần đạt cho một học sinh lớp 1 trong học kì 1.

Sau đó nếu có “vấn đề” gì sẽ cho các con học online, như vậy các con đã có một khoảng thời gian học kì 1 học trực tiếp trên lớp thì mới có thể đủ kĩ năng và kiến thức cơ bản để học online. Còn ngay từ giờ phút đầu tiên đã cho các con lớp 1 học online, việc này theo tôi không thể nào làm được. Đây là điều vô cùng khó khăn đối với các giáo viên lớp 1. Việc này chúng tôi cũng đã trải qua năm học vừa rồi, mặc dù các con có học trực tiếp và sau đó học online nhưng quả thật chất lượng chưa đạt vì không phải các con đều có cùng trình độ nhận thức”.

Nếu tình hình dịch bệnh phức tạp, thời gian giãn cách có thể kéo dài thêm 1-2 tháng, vậy không lẽ cứ cho các con lớp 1 tạm nghỉ học ở nhà? Về vấn đề này, cô N.K nói: “ Theo tôi nếu như vậy vẫn nên cho các con tạm nghỉ học, nên lùi lại, có như vậy mới là học thật, còn nếu dạy online ngay từ buổi học đầu tiên thì đó là kiểu “dạy cho xong”, không thể có chất lượng, chỉ làm khó các con và phụ huynh mà thôi.

Đã có trường hợp một vài học sinh lớp 1 chưa nắm chắc kiến thức sau năm học, chúng tôi phải gặp gỡ, trao đổi động viên phụ huynh đồng ý cho con được lưu ban lại 1 năm, sau này các phụ huynh đó hiểu ra và rất cảm ơn nhà trường.

Nếu những học sinh đó lưu ban lại lớp 1, năm học ngay sau đó các con rất vững vàng, bớt tự ti, lực học vượt trội, và có trường hợp học sinh đó đã đạt danh hiệu xuất sắc. Đây là kết quả năng lực học tập của con đã “vỡ ra”, sau khi lên lớp 2 con đã có nền tảng vững chắc ở lớp 1. Nếu kiến thức ở lớp 1 đã đuối rồi thì khi con lên lớp 2 sẽ rất nguy hiểm, không theo kịp các bạn, tự ti, mặc cảm và lực học sẽ càng đi xuống”.

Cô N.K chia sẻ: “Đối với học sinh lớp 1, giáo viên vô cùng vất vả, uốn nắn từng li từng tí mà còn chưa đạt, nay lại dạy và học online sẽ lại càng khó khăn hơn. Dạy các con tập đọc, tập viết là phần rất khó. Ví dụ, hôm nay các con được học âm A, các con sẽ được nhận biết, được tập đọc, đồng thời tập viết âm A đó luôn và có như vậy các con mới nhớ, học chắc đọc thông viết thạo liên quan đến nhau là như vậy.

Học sinh phải đọc thông, viết thạo thì mới giải quyết được các môn học khác, nếu để nói về chất lượng đạt được như học trực tiếp trên lớp thì không thể được. Còn nói việc cầm tay các con viết từng nét chữ thì giáo viên không thể làm được rồi. Tôi thực sự lo lắng nếu các con lớp 1 học online ngay từ giờ đầu tiên”.

Không phải gia đình nào cũng có thiết bị thông minh phục vụ các con học online. Ảnh minh hoa: Hoàng Anh.
Không phải gia đình nào cũng có thiết bị thông minh phục vụ các con học online. Ảnh minh hoa: Hoàng Anh.

Phản khoa học nếu áp dụng một "công thức" dạy và học qua mạng với mọi cơ sở giáo dục

Cũng về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Trần Thúy Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 tại một trường tiểu học ở Hà Nội, cô Hà cho biết: “Theo tôi đây là vấn đề khá nan giải, học sinh lớp 1- 2 không có được sự tự giác, tự chủ như học sinh trung học nên bố mẹ rất cực khi con học online. Bố mẹ phải mở máy tính hoặc thiết bị thông minh, kèm con trong suốt quá trình học, hơn nữa còn phải đóng vai giáo viên, giảng bài, hướng dẫn con làm bài tập.

Còn nếu để nói các con lớp 1 lớp 2 học trực tuyến có khó khăn hay không thì chắc chắn là khó khăn hơn với các anh chị lớp lớn. Giáo viên vô cùng vất vả, để mà theo sát được các con, chấm bài…đều khó khăn hơn. Hơn nữa học trực tiếp thì sẽ có 8 tiết trong một ngày nhưng học qua mạng thì không thể nào để học sinh nhìn vào máy tính cả ngày được. Đó cũng là hạn chế.

Ngoài ra chúng ta chưa có sự đầu tư thích đáng cho chương trình, nội dung dạy học trực tuyến cũng như chuẩn bị nguồn học liệu số để thực hiện. Có nhiều trường giáo viên tham gia dạy học trực tuyến đã soạn bài giảng ở file word và trình chiếu trực tiếp file word này trong khi dạy dẫn đến không thu hút được học sinh.

Tôi biết có không ít giáo viên họ đang cố gắng học cách sử dụng một phần mềm dạy học trực tuyến vì thấy mình chưa thành thạo kĩ năng dạy học này, hơn nữa họ cũng rất mong muốn có phần mềm hỗ trợ chuyển hóa bài giảng từ dạng truyền thống sang trực tuyến, vì họ không thể sử ngữ liệu truyền thống để dạy học trực tuyến.

Theo tôi dạy học trực tuyến cần có câu hỏi trắc nghiệm đa dạng, cần có tích hợp phần mềm để người học thể hiện kĩ năng, có phần mềm giúp tương tác làm bài tập trực tiếp trên phần mềm, quản lí được việc học, đánh giá quá trình thì mới đảm bảo được chất lượng học tập, chứ như hiện nay giáo viên vẫn phải gửi bài tập qua email rồi nhờ phụ huynh in ra cho học sinh làm, như vậy chất lượng bài làm không thực chất”.

Cô Hà cho biết: “Theo tôi, nếu muốn dạy và học trực tuyến thì chúng ta phải thay đổi cách truyền đạt của giáo viên. Học trực tuyến phải tập trung vào tương tác chứ không thể giữ nguyên kiểu giáo viên nói một hồi rồi mới hỏi học sinh được. Học thế đừng nói đến trẻ, ngay cả người lớn ngồi nghe cũng buồn ngủ. Ngoài ra, tôi cho là phản giáo dục nếu áp dụng một "công thức" dạy và học qua mạng với mọi cơ sở giáo dục, mọi vùng miền trong khi trình độ dạy và học, điều kiện sống cụ thể khác nhau”.

Tùng Dương