Tôi đề nghị bỏ quy định chủ tịch hội đồng trường là chức danh quản lý

28/02/2022 06:37
Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)
GDVN- Để giáo viên được thăng hạng từ thấp lên hạng cao thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ra một bộ tiêu chí rõ ràng và thống nhất trên toàn quốc.

Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trên các diễn đàn, nhiều giáo viên và cán bộ quản lý tham gia đóng góp rất sôi nổi.

Các ý kiến đóng góp đa chiều giúp chúng ta thấy rõ một số vấn đề đồng thuận và không đồng thuận. Là một giáo viên lâu năm trong nghề, khi nghiên cứu dự thảo tôi có ba vấn đề đóng góp như sau:

Vấn đề 1: Vị trí việc làm lãnh đạo, cán bộ quản lý của ba bậc học

Hiện nay, tại các cơ sở giáo dục phổ thông, hiệu trưởng kiêm luôn chức bí thư chi bộ cho nên mọi công việc ở trường do hiệu trưởng quyết định, mỗi thành viên trong trường làm theo kế hoạch của hiệu trưởng đề ra.

Nếu hiệu trưởng kiêm thêm chức chủ tịch hội trường thì mọi công việc coi như là một; nếu giáo viên làm chủ tịch hội đồng trường thì vai trò của chủ tịch hội đồng trường rất mờ nhạt, tiếng nói trong hội đồng sư phạm không có trọng lượng vì bị hiệu trưởng lấn lướt.

Mặt khác, mỗi trường phải thêm một phòng làm việc cho chủ tịch hội đồng trường và nhà nước trả thêm phần phụ cấp quản lý. Do đó, tôi đề xuất trong dự thảo bỏ chức danh chủ tịch hội đồng trường.

Về vị trí hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, tôi đề xuất mỗi trường chỉ định biên một hiệu trưởng và một phó hiệu trưởng là hợp lý.

Thời đại công nghệ thông tin, ta phân cấp phân quyền nên làm việc rất tinh gọn, nhiều phó hiệu trưởng như dự thảo dẫn đến bộ máy cồng kềnh.

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Vấn đề 2: Định mức giáo viên trên số học sinh

Chúng ta biết rằng, trong chương trình cải cách sách giáo khoa với chủ trương là dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Lấy học sinh làm trung tâm để phát triển tư duy và tăng sự sáng tạo; giúp học sinh hình thành kỹ năng, kỹ xảo và ứng dụng vào cuộc sống.

Trong dự thảo của Bộ, mỗi lớp có 45 học sinh thì làm sao giáo viên thực hiện được quan điểm nói trên.

Bộ chia định mức giáo viên theo từng bậc học và theo từng vùng, thoáng nhìn thì hay nhưng thực hiện rất khó. Bởi vì, học sinh biến động theo từng năm dẫn đến giáo viên bị biến động theo. Cán bộ quản lý gặp khó khăn trong việc quản lý giáo viên vì người đi, người ở.

Đối với bậc trung học cơ sở và bậc trung học phổ thông, tôi đề xuất chia thành hai vùng là hợp lý. Đối với bậc trung học cơ sở vùng 1 mỗi lớp dao động từ 30 đến 34 học sinh và số giáo viên tương ứng chiếm tỷ lệ là 1,9; vùng 2 mỗi lớp dao động từ 35 đến 40 học sinh và số giáo viên tương ứng chiếm tỷ lệ là là 1,9.

Bậc trung học phổ thông vùng 1 mỗi lớp dao động từ 30 đến 34 học sinh và số giáo viên tương ứng chiếm tỷ lệ là 2,25; vùng 2 mỗi lớp dao động từ 35 đến 40 học sinh và số giáo viên tương ứng chiếm tỷ lệ là 2,25.

Vấn đề 3: Chia hạng giáo viên là hợp lý

Trong dự thảo, Bộ Giáo dục phân chia giáo viên thành ba hạng I, II và III. Cá nhân tôi rất ủng hộ việc chia hạng.

Bởi vì, mỗi giáo viên cần phấn đấu để từ hạng thấp lên hạng cao. Không thể cào bằng làm giáo viên không chịu phấn đấu.

Giáo viên giỏi có tâm huyết luôn luôn phấn đấu thì hưởng lương ở hạng cao, giáo viên không chịu phấn đấu thì hưởng lương ở hạng thấp.

Tuy nhiên, do sự chênh lệch về hệ số lương ở các hạng không cao nên nhiều giáo viên hạng III có mức lương bậc 8 và bậc 9 thì họ không cần phấn đấu vì chuyển qua hạng II lương không lên bao nhiêu.

Để giáo viên được thăng hạng từ thấp lên hạng cao thì Bộ Giáo dục cần ra một bộ tiêu chí rõ ràng và thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương dựa vào đó để xét thăng hạng cho giáo viên. Khi đó, giáo viên chuyển từ địa phương này sang địa phương khác không bị xuống hạng hay lên hạng.

Tôi mạo muội đề xuất một bộ tiêu chí xét thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II hoặc từ hạng II lên hạng I như sau:

Tiêu chí 1. Thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước; có lập trường chính trị vững vàng; được học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp yêu quý trong giảng dạy và giáo dục học sinh.

Tiêu chí 2. Đạt trình độ thạc sĩ về chuyên môn đào tạo. Với tiêu chí này thể hiện giáo viên không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ.

Tiêu chí 3. Trong quá trình công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và tính đến ngày xét thăng hạng phải có ít nhất 5 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; ít nhất 5 lần công nhận giáo viên giỏi cấp cơ sở; ít nhất một lần công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh; ít nhất một lần được nhận bằng khen của tỉnh hay chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Với tiêu chí này thể hiện giáo viên nhiệt tình trong các phong trào thi đua dạy tốt học tốt của địa phương đó.

Tiêu chí 4. Luôn tích cực tham gia ôn thi học sinh giỏi của trường và ít nhất 5 lần có học đạt học sinh giỏi cấp tỉnh (đối với giáo viên trường chuyên phải có học sinh giỏi quốc gia). Với tiêu chí này thể hiện giáo viên có năng lực chuyên môn trong việc đào tạo mũi nhọn cho địa phương đó.

Tiêu chí 5. Có tối thiểu 10 bài báo khoa học sư phạm đăng trên các tạp chí chuyên ngành của môn mình đang giảng dạy. Với tiêu chí này thể hiện giáo viên say mê nghiên cứu khoa học để giúp cho việc giảng dạy ngày một tốt hơn.

Tiêu chí 6. Tham gia làm giáo khảo các cuộc thi như: thi giáo viên giỏi cấp trường trở lên, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi từ cấp trường trở lên, chấm giải pháp hữu ích, chấm sáng kiến kinh nghiệm hoặc hướng dẫn giáo viên tập sự. Với tiêu chí này thể hiện giáo viên có năng lực đánh giá và xếp loại đồng nghiệp.

Tiêu chí 7. Có chứng chỉ về chức danh nghề nghiệp trung học phổ thông hạng II hoặc hạng I tương ứng khi tham gia xét thăng hạng. Với tiêu chí này thể hiện giáo viên đã hoàn thành lớp bồi dưỡng chức danh các hạng tương ứng.

Tiêu chí 8. Biết ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học một cách thành thạo. Tham gia dạy hội giảng cấp trường, cấp quận huyện và cấp tỉnh. Tham gia biên soạn tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi của cấp mình dạy để phục vụ cho trường, cho tỉnh.

Riêng giáo viên bậc trung học phổ thông biên soạn thêm tài liệu ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Với tiêu chí này thể hiện giáo viên có năng lực toàn diện trong dạy học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)