Ngày 21/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và thời gian lấy ý kiến của dư luận sẽ kết thúc vào ngày 21/3/2022.
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có một số bài viết góp ý cho dự thảo Thông tư và chúng ta thấy vẫn có những luồng ý kiến khác nhau.
Theo dự thảo Thông tư, viên chức giảng dạy ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều được xếp làm 3 hạng, đó là: Giáo viên hạng I, II, III.
Nhiều thầy cô giáo không đồng tình với cách chia hạng như trong dự thảo của Thông tư vì chia hạng như vậy sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau.
Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết bài này thì việc xếp hạng như vậy cũng là điều cần thiết, phù hợp trong từng nhà trường.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Lã Tiến |
Vấn đề còn lại là cách hướng dẫn, thực hiện xếp hạng giáo viên như thế nào để các trường có thể đảm bảo được việc xếp hạng giáo viên một cách công bằng, khách quan để đảm bảo quyền lợi của mỗi nhà giáo mà thôi.
Chính sách nào cũng không thể đảm bảo tuyệt đối quyền lợi của tất cả mọi người chịu tác động
Hiện nay, toàn ngành giáo dục có khoảng hơn 1 triệu giáo viên cấp phổ thông. So với các ngành nghề khác đang làm việc và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đây là một lực lượng rất đông đảo.
Trong số này, có nhiều thầy cô giáo đang rất tích cực, chịu đảm nhận những đầu việc khó của tổ chuyên môn, nhà trường. Họ đầu tư cho chuyên môn nhiều và cũng đem lại nhiều thành tích cho nhà trường, cho ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận thầy cô giáo an phận với công việc của mình đang có. Họ có thể làm tàng tàng, không cần phải phấn đấu, không tham gia các phong trào do nhà trường và ngành phát động.
Khi được tổ chuyên môn, nhà trường phân công việc gì cũng tìm cách thoái thác để không phải thực hiện hoặc làm cầm chừng cho có và thường chậm trễ.
Nhiều đầu việc bắt buộc, đơn thuần của người giáo viên như soạn giáo án, soạn đề kiểm tra định kỳ… mà vẫn có những giáo viên không thể làm được, họ vẫn phải đi xin, vẫn phải nhờ đồng nghiệp làm thay, làm giúp.
Khi giảng dạy trên lớp vẫn có tình trạng giáo viên vừa giảng dạy vừa nhìn giáo án để chép lên bảng - cho dù chương trình, sách giáo khoa đã thực hiện được hàng chục năm trời.
Thế nhưng, chế độ lương, phụ cấp của giáo viên trong các trường phổ thông công lập cơ bản đều như nhau.
Người giỏi chuyên môn, tích cực trong công tác, tâm huyết với nghề, với đơn vị cũng giống như những người làm việc tàng tàng. Cứ 3 năm 1 bậc lương như nhau. Ai nhiều năm công tác thì người đó lương cao nên không tạo được động lực phấn đấu cho nhiều thầy cô giáo.
Tư tưởng "phấn đấu cũng vậy, không phấn đấu cũng thế" đã ngấm sâu vào suy nghĩ của một bộ phận nhà giáo trong những năm qua. Từ đó, dẫn đến những thua thiệt cho những thầy cô phải đương đầu với những công việc khó của tổ, của trường.
Tư tưởng "nhường việc", “né việc” để đồng nghiệp làm không hiếm ở các trường phổ thông hiện nay.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập mà Bộ đang lấy ý kiến về việc xếp hạng giáo viên chắc chắn sẽ vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình…
Nhưng, chúng tôi tin cũng sẽ có rất thầy cô giáo đồng tình với dự thảo này bởi khi xếp hạng giáo viên cao, được đãi ngộ tương xứng bằng chế độ lương, phụ cấp thì nhiều người sẽ phấn đấu bởi nó sẽ tạo được động lực cho nhiều thầy cô giáo cố gắng và đầu tư nhiều hơn cho công việc, nghề nghiệp mà mình đang gắn bó.
Tấm huy chương nào cũng sẽ có mặt trái, mặt phải và chính sách nào cũng sẽ có những ưu điểm, hạn chế nhất định nên dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập cũng không nằm ngoài quy luật này.
Nhưng, nó sẽ đem lại một luồng gió mới cho hàng triệu nhà giáo, làm thay đổi cách cào bằng các chính sách đãi ngộ nhà giáo đã tồn tại hàng mấy chục năm nay ở ngành Giáo dục.
Vấn đề cần giải quyết là cách xếp hạng giáo viên sao cho công bằng, khách quan
Một nhà giáo, một nhà sư phạm giỏi không chỉ là một người làm chuyên môn đơn thuần bởi bên cạnh việc giảng dạy còn có nhiều đầu việc, mối quan hệ khác với đồng nghiệp, với học sinh và những người xung quanh mình và những phong trào, hội thi khác nhau.
Người thầy giỏi phải là những người có nhiều thành tích trong giảng dạy, họ không để lại những tai tiếng, thị phi và tất nhiên sẽ làm hài lòng được nhiều người trong đơn vị mình đang công tác.
Chúng ta đừng ngại khi xếp hạng giáo viên thì có có vấn đề phe phái, cục bộ trong nhà trường. Bởi, chúng tôi tin khi xếp một giáo viên ở hạng cao nó phải bao hàm nhiều yếu tố, nhiều thành tích mà nhà giáo đó đã đạt được.
Bên cạnh đó là lòng nhiệt huyết đối với nhà trường, với nghề nghiệp của mình đang gắn bó.
Chúng tôi tin không có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn nào lại đề nghị giáo viên trong trường, trong tổ của mình không có thành tích gì trong giảng dạy, phấn đấu ở hạng cao nhất.
Tất nhiên càng không có việc đề nghị một giáo viên giỏi, có nhiều thành tích, sống chan hòa với đồng nghiệp, luôn nỗ lực trong giảng dạy và thường xuyên làm những công việc chung của tổ, của trường mà lại xếp ở hạng thấp hơn.
Vì thế, nếu xếp hạng giáo viên, có chế độ đãi ngộ tương xứng, công bằng với hiệu quả công việc mà họ đã và đang đóng góp cho đơn vị thì sẽ có nhiều thầy cô giáo toàn tâm, toàn ý với nghề của mình hơn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.