Học sinh được trở lại trường học trực tiếp là nhiều địa phương đã “nở rộ” các cuộc thi giáo viên giỏi. Các hội thi như nấm mọc sau mưa khiến giáo viên “lao tâm khổ tứ”, mướt cả mồ hôi.
Nhà giáo chúng tôi kháo nhau: Cuộc đời đi dạy, chỉ mỗi việc thi giáo viên giỏi thôi cũng đầy chuyện thâm cung bí sử và đầy bi hài... lắm rồi.
Vào mùa "xin, mua" sáng kiến và "vay mượn" giáo án thi giáo viên giỏi
Trước Tết, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỗ tôi dạy gửi kế hoạch chỉ đạo các trường về việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện vào tháng 2, 3, 4. Đến hẹn lại lên, đây là thời điểm tôi nhận được khá nhiều điện thoại, tin nhắn để “nhờ vả”.
Buồn là vì chủ yếu là xin sáng kiến (nay là báo cáo biện pháp), xin giáo án Word, giáo án điện tử (PowerPoint), giáo án tương tác (dạy trên bảng tương tác). Vì là chỗ quen biết, thân thiết nên khó mà từ chối cho được.
Mới đây, khi ra Tết, một đồng nghiệp trẻ nhắn tin “cầu cứu” tôi giúp góp ý báo cáo biện pháp giảng dạy và hỏi chọn môn nào để đăng ký dự thi cho đạt kết quả cao.
Mùa nào mà địa phương tổ chức các hội thi giáo viên giỏi là những giáo viên già chúng tôi lại được các em học hỏi kinh nghiệm bằng việc xin sáng kiến, giáo án mẫu tiết dạy giỏi hay nhờ góp ý.
(Ảnh minh hoạ: Vanhocvui.com) |
Một người bạn có kinh nghiệm dạy học gần ba mươi năm tâm tư: “Mục đích của hội thi giáo viên giỏi là tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp. Thế nhưng, giáo viên tìm đến mình thay vì soạn trước giáo án để nhờ góp ý thì lại hỏi xin luôn giáo án. Buồn vô cùng. Mượn giáo án để thi có khác nào như mượn hồn của người khác”.
Dạo một vòng qua các nhóm trên mạng xã hội của giáo viên, người viết thấy hằng hà sa số những quảng cáo báo cáo biện pháp này báo cáo biện pháp kia đã thi đỗ giáo viên giỏi các cấp từ trường đến tỉnh.
Thôi thì có đủ cả, vài ba trăm ngàn là sẽ có ngay 1 sáng kiến, khỏi mất công làm, cứ thế đem đi thi. Có lẽ vấn đề này không chỉ là cá biệt ở một vài địa phương mà nó có ở khắp nơi.
Một cô giáo dạy tiếng Anh ở Đồng Nai cho biết: “Lúc đầu tham gia vào các nhóm trên mạng xã hội chỉ để giao lưu, song thấy nhiều người bán sáng kiến tôi cũng bán và có lúc mua giúp bạn bè. Chỉ cần 200 ngàn đồng gửi vào tài khoản là nhận được ngay 1 sáng kiến thi là đậu”.
Cô kể, có lần mình hỏi mua cho giáo viên khác, nói người bán gửi 1 trang để “thẩm định” thì hỡi ôi gặp ngay sáng kiến của… chính mình đã bán trước đó mấy tháng. Mua đi bán lại là chuyện thường của những người bán sáng kiến online.
Cô giáo này kết luận: “Sáng kiến bán cho người này rồi người này lại bán hay cho người khác, cứ thế nó được nhân bản lên”.
Một thầy giáo đã từng là giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh chia sẻ:
“Thi giáo viên giỏi là để tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện tay nghề, học hỏi, sáng tạo, trao đổi kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và công tác chủ nhiệm.
Qua các cuộc thi thực chất sẽ giúp giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.
Nhiều giáo viên đã thật sự thành công, được đồng nghiệp biết đến, phụ huynh tin tưởng. Thế nhưng, ngày càng nhiều áp lực công việc khiến thầy cô không còn thời gian đầu tư cho hội thi và chuyện vay mượn sáng kiến, giáo án là điều khó tránh khỏi”.
Thầy trò cùng... diễn trên sân khấu
Nhà giáo chúng tôi thường nhắc lại những vất vả, khổ ải khi thi giáo viên giỏi theo Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT.
Được tham dự hội thi với danh hiệu cao quý đó, nhưng có mấy ai vui bởi áp lực thành tích quá lớn đè nặng lên vai các thầy cô giáo.
Qua vòng “gợn đục khơi trong”(vòng 1 thi năng lực), lọt vào vòng thực hành (vòng 2) thi 2 tiết dạy, nhiều giáo viên mới thấy mệt nhoài và ngán ngẩm. Thầy cô giáo thường nói với nhau đây là vòng thi giáo viên giỏi... diễn.
Giáo viên ví von thầy cô là người viết “kịch bản” (giáo án) và làm đạo diễn kiêm diễn viên cùng với học trò.
Thầy rối tung đầu vì những thay đổi về phương pháp, hình thức sau khi dạy thử đi rồi dạy lại, dạy nháp nhiều đến chóng mặt được ban giám hiệu góp ý, rút kinh nghiệm.
Trò còn hơn thế vì một bài mà cứ “nhai đi nhai lại” nhiều lần riết đến chán ngán. Gian nan nhất là đi dạy ở trường khác cho ban giám khảo chấm và xếp loại.
Dạy ở trường bạn, học trò mượn nên giáo viên vất vả vô cùng. Ai cứng tay nghề, có nhiều kinh nghiệm thì không sao, người mới đi thi lần đầu còn non chuyên môn là dạy tiết dự thi sẽ như cực hình.
Tôi từng chứng kiến cảnh đồng nghiệp phải ngồi ngoài cửa lớp nhắc “tuồng” cho bạn mình.
Cô giáo viết vào bảng con giơ lên cho người đang dạy trong lớp biết. Nào là chưa xóa bảng bài cũ, quên chưa đưa bảng phụ xuống, học sinh làm sai không phát hiện được là nhắc. Nào là còn 5, 10 phút nữa hết giờ, trễ, ướt hay cháy giáo án... Ấy thế mà giáo viên mải mê giảng có khi không nhìn thấy tấm bảng ghi hết giờ, cứ thao thao bất tuyệt và bị... “khét”.
Giám khảo quen biết nên lúc dự giờ ra đã bỏ nhỏ: “Ở ngoài không nhắc giờ cô giáo, trễ nhiều quá”.
Biết “gà” bài trước là quá hình thức, phản giáo dục nhưng ai cũng làm vậy, mình đứng ngoài cuộc, thi rớt về trường cấp trên sẽ phê bình, bao khó nhọc, vất vả đầu tư để đi thi bị đổ sông đổ biển hết. Chưa xong, lại phải lo báo cáo sáng kiến kinh nghiệm cũng “trần ai khoai củ” lắm.
Mừng là sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho ra đời thông tư để chấn chỉnh bệnh thành tích, hình thức, gỡ bỏ áp lực cho giáo viên.
Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT ngày 20/12/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “Ban hành Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông” đã nhẹ nhàng hơn, không ép buộc giáo viên thi mà chỉ là tự nguyện và dựa trên sự tự nguyện của giáo viên.
Tuy nhiên, căn bệnh "chạy theo thành tích" thì vẫn khó trị dứt được.
Vì chỉ báo trước tiết dạy có 2 ngày và dạy ngay lớp mình phụ trách nên giáo viên đăng ký thi môn nào sẽ dạy trước cho học sinh những bài trong thời gian dự thi.
Thế là thời gian hội thi diễn ra trong 4 tuần thì giáo viên cứ thế “mớm” trước cho học trò ngày này qua ngày kia.
Thi giáo viên chủ nhiệm với 1 tiết sinh hoạt thì “kịch bản” còn được dàn dựng, phân vai như diễn viên chuyên nghiệp: Học sinh học dẫn chương trình, trò chơi, múa hát, đọc thơ, biểu diễn thời trang, phát biểu ý kiến, nhận xét về bạn…
Tới giờ sinh hoạt lớp dự thi giáo viên chủ nhiệm giỏi là giáo viên và học sinh lên "sân khấu”… diễn tuồng, trơn tru đến từng milimet.
Một giáo viên tiểu học xin giấu tên chia sẻ thật lòng: “Tôi đăng ký môn Toán, mỗi tuần 5 tiết. Ngày nào cũng mong ngóng không biết 2 ngày nữa giám khảo có đến chấm mình không. Tôi phải soạn giáo án, dạy “nháp” cho học trò 8 tiết mới tới ngày mình dạy dự thi, oải vô cùng”.
Đúng là tưởng rằng dạy chỉ 1 tiết giáo viên sẽ không còn áp lực, tiết thi giáo viên giỏi thực chất hơn nhưng “liều thuốc thông tư 22” này vẫn không thể chữa khỏi bệnh thành tích.
Cứ nói đến chuyện thi giáo viên giỏi, bạn tôi làm giáo viên lại mang câu chuyện năm nào kể lại: “Trong một tiết thi giáo viên giỏi, cô giáo dặn lớp cứ giơ tay hết, cô chỉ kêu những bạn đã được phân công học thuộc lòng thôi. Đến khi cô giáo gọi 1 học trò đứng lên trả lời, em này tỉnh bơ nói câu này cô đâu có giao cho em học".
Là trẻ con tiểu học nên các em rất ngây thơ, hồn nhiên, có sao nói vậy và cô chỉ biết đỏ mặt đứng nhìn.
Cô trò đều hụt hẫng sau tiết thi giáo viên giỏi bị bỏ dở vì giáo viên chưa giảng hết bài, giám khảo đứng dậy ra khỏi lớp.
Nỗi buồn thi rớt của giáo viên còn lây sang cả học trò. Cô con gái học lớp 8 của tôi từng buồn thiu kể: “Cô giáo tiếng Anh dạy tiết dự thi giáo viên giỏi cấp tỉnh ở lớp con rớt rồi. Nhưng con thấy các thầy cô giám khảo kì quá, trống hết giờ, cô đang còn giảng mà đứng dậy đi ra hết”.
Tôi giải thích với con tôi rằng đó là tiết dạy của cô bị “cháy” giáo án, song cháu cho biết là do bảng tương tác.
Thì ra, trường trung học cơ sở của cháu là 1 địa điểm để giáo viên các huyện, thị, thành phố trong tỉnh về tham gia hội thi.
Lớp cháu hôm đó có 3 tiết giáo viên dự thi. Khi vừa xong tiết 2, đến tiết cuối cùng cũng là tiết tiếng Anh của cô giáo, giám khảo đã vào lớp, cô kết nối laptop với bảng tương tác thì bảng cứ “đơ” ra, không thể nào tương tác được. Loay hoay mãi và có thêm sự trợ giúp của một thầy giáo đi cùng rồi tiết dạy cũng được tiến hành.
Với những trục trặc “kĩ thuật” ban đầu ít nhiều đã ảnh hưởng đến tâm lý của cô. Thế rồi tiết dạy cũng được cô dần đưa vào theo những ý tưởng đã thiết kế kế hoạch dạy học (giáo án).
Cô trò đang hào hứng với giờ học thì trống vang lên báo hết tiết. Và rồi mặt cô buồn xo, học trò hụt hẫng khi thấy ban giám khảo đứng lên đi ra khỏi lớp.
Không khí lớp học chùng xuống, bài giảng bị dang dở, bỏ ngỏ. Học trò không dám nhìn cô vì sợ thấy khuôn mặt thẫn thờ không hiểu điều gì đã xảy ra với mình.