Cô giáo phản biện Vụ trưởng Tài: ngồi nhầm lớp là do áp lực chỉ tiêu thành tích

16/12/2021 06:55
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chất lượng ảo, học sinh ngồi nhầm lớp do chỉ tiêu, là bệnh ngụy thành tích mang lại, hoàn toàn không phải cứ tổ chức kiểm tra trực tiếp tại lớp là chấm dứt được.

Ngày 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học phù hợp với tình huống dạy học thích ứng với dịch COVID-19.

Theo đó, học sinh lớp 3, 4, 5 được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và phù hợp với tình hình phòng dịch Covid-19 tại địa phương vào thời điểm tổ chức đánh giá.

Đối với lớp 1, lớp 2, việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp khi học sinh trở lại trường học.

Ảnh minh hoạ: ANẢnh minh hoạ: AN

Giải thích về vấn đề này ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, lớp 1, lớp 2 chỉ thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học.

Khi đó Hiệu trưởng nhà trường là người đánh giá công bằng, khách quan về kết quả của quá trình tổ chức dạy học thời gian qua của học sinh và giáo viên, từ đó xác nhận kết quả này cho các em.

Trường hợp bất khả kháng sẽ được tổ chức đánh giá bằng hình thức trực tuyến (nhà trường gửi đề bài, với thời gian làm bài trong bao nhiêu phút thì phụ huynh cho con làm đúng thời gian như vậy. Đồng thời phụ huynh phải xác nhận với giáo viên kết quả mà con đạt được là thực chất, chính xác.

Còn nếu trong trường hợp một địa bàn nào đó bị phong tỏa thì gia đình – nhà trường phải thống nhất cách thức kiểm tra trực tuyến và nhà trường - gia đình phải xác nhận việc kiểm tra đó đảm bảo đánh giá kết quả thực. Khi đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm kiểm tra kết quả đó một cách công bằng.

Nói như vậy để thấy, kết quả của bài kiểm tra định kỳ sẽ đảm bảo quyền lợi học tập, giá trị chất lượng thực về năng lực của học sinh, tránh chất lượng ảo, học sinh ngồi nhầm lớp. Còn nếu em nào chưa đạt thì có kế hoạch bổ sung kiến thức cho em đó, nếu phải học lại phần nào của lớp 1 thì học lại đã. [1]

Học sinh tiểu học đánh giá bằng trực tuyến hay trực tiếp đều không ổn trong giai đoạn này

Từ thực tế, từ kinh nghiệm giảng dạy của mình trong suốt mùa dịch vừa qua để có thể khẳng định rằng, với học sinh tiểu học trong mùa dịch bệnh này dù là đánh giá chất lượng học tập của các em bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến đều khá bất ổn.

Nếu đánh giá trực tuyến, chất lượng ảo sẽ nhiều hơn do phụ huynh can thiệp quá sâu vào quá trình làm bài của các em. Thực tế giảng dạy đã cho chúng tôi biết rõ điều này.

Không ít em làm bài ôn tập đạt số điểm khá cao nhưng khi thầy cô hỏi lại thì không biết làm và nói anh (chị) hoặc ba mẹ bày cho con.

Còn kiểm tra trực tiếp trong khi các em chủ yếu học trực tuyến sẽ tăng sự áp lực cho chính các em và gia đình.

Không ai đánh giá học sinh chính xác nhất bằng giáo viên

Có 2 vấn đề trong lời phát biểu của Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học xoay quanh việc kiểm tra định giá định kỳ học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, lớp 2 mà chúng tôi cho rằng cần phải trao đổi lại để làm sáng rõ vấn đề.

Thứ nhất, Vụ trưởng Vụ Giáo dục cho rằng: Hiệu trưởng nhà trường là người đánh giá công bằng, khách quan về kết quả của quá trình tổ chức dạy học thời gian qua của học sinh và giáo viên, từ đó xác nhận kết quả này cho các em.

Thứ hai, kết quả của bài kiểm tra định kỳ sẽ đảm bảo quyền lợi học tập, giá trị chất lượng thực về năng lực của học sinh, tránh chất lượng ảo, học sinh ngồi nhầm lớp.

Là giáo viên, người viết thấy cả 2 nhận định trên về lý thuyết là hoàn toàn đúng nhưng xét trên thực tế ở các trường học hiện nay, lại có nhiều điều cần phải nói ra cho rõ.

Nếu nói kết quả của bài kiểm tra định kỳ sẽ đảm bảo quyền lợi học tập, giá trị chất lượng thực về năng lực của học sinh, tránh chất lượng ảo, học sinh ngồi nhầm lớp là chưa chính xác.

Bởi, chất lượng ảo, học sinh ngồi nhầm lớp là do áp lực chỉ tiêu thành tích dồn lên giáo viên gây ra, chứ hoàn toàn không phải cứ tổ chức kiểm tra đánh giá là chấm dứt được điều này.

Mà chỉ tiêu về chất lượng giáo dục trong nhà trường lại do hiệu trưởng quy định. Vì thành tích của nhà trường cùng với thành tích cá nhân, nhiều hiệu trưởng cũng đưa chỉ tiêu cao ngất ngưởng và buộc giáo viên phải thực hiện ít nhất là bằng chỉ tiêu đưa ra hoặc là hơn chứ không có chuyện thấp hơn thế.

Nhiều trường học luôn tỏ ra công tâm trong việc đánh giá học sinh, không ép buộc giáo viên phải cho học sinh yếu lên lớp nhưng lại lấy chỉ tiêu thi đua để khống chế giáo viên. Ví như quy định, một lớp không quá 2% học sinh lưu ban (nếu vượt số đó giáo viên sẽ bị hạ một bậc thi đua) trong khi 1 em lưu ban đã là 3% rồi.

Thế nên khẳng định, Hiệu trưởng nhà trường là người đánh giá công bằng, khách quan về kết quả của quá trình tổ chức dạy học thời gian qua của học sinh và giáo viên, từ đó xác nhận kết quả này cho các em cũng chưa được thỏa đáng cho lắm.

Không ai đánh giá học sinh chính xác nhất bằng chính giáo viên. Không có thầy cô giáo nào muốn đưa học sinh yếu kém lên lớp vì như thế sẽ tạo gánh nặng cho đồng nghiệp mình hoặc cho chính mình (có thể sẽ dạy lại lớp học ấy).

Tuy nhiên, vì áp lực từ trên xuống cũng vì thành tích của bản thân, nhiều thầy cô giáo buộc phải tìm cách nâng đõq học sinh sau khi đã nỗ lực phụ đạo.

Vì thế, ngành giáo dục muốn chất lượng giáo dục thật, muốn không còn học sinh ngồi nhầm lớp, không cần cố gắng buộc học sinh tiểu học phải trải qua các kỳ kiểm tra định kỳ mà chỉ cần không giao chỉ tiêu, không lấy trường đạt chỉ tiêu chất lượng cao để tuyên dương khen thưởng, để noi gương cho nhiều trường học tập.

Ngành giáo dục nên chấp nhận sự thật, chất lượng học trực tuyến hạn chế nhiều hơn so với dạy trực tiếp, đặc biệt là bậc tiểu học, nhất là lớp 1, để khuyến khích giáo viên đánh giá thật, báo cáo thật, mạnh tay cho phép học sinh chưa đạt chất lượng học tập được ở lại lớp. Có thế, chắc chắn sẽ không còn chất lượng ảo và không có học sinh ngồi nhầm lớp.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-truong-gdth-kiem-tra-lop-1-2-truc-tiep-de-tranh-chat-luong-ao-ngoi-nham-lop-post223067.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên