3 nguyên nhân khiến tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ sẽ còn kéo dài

01/03/2022 06:31
THANH AN
GDVN- Bài toán thừa - thiếu giáo viên có lẽ không thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà có thể nó sẽ còn kéo dài dai dẳng, khó khăn trong nhiều năm tới đây.

Câu chuyện thừa - thiếu giáo viên đã được nói nhiều, bàn nhiều và báo chí cũng đã đề cập hàng chục năm nay nhưng có lẽ nó sẽ còn tiếp tục nan giải và chưa biết lúc nào khắc phục được nhất là khi ngành Giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bởi lẽ, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì nhiều môn học mới được đưa vào giảng dạy ở các cấp học, nhiều môn học mới thiếu giáo viên hoàn toàn nhưng cũng nhiều môn học lại dư thừa giáo viên nên sẽ khó phân công, sắp xếp.

Trong khi, những năm qua thì sinh viên sư phạm ra trường khó tìm kiếm việc làm, có nhiều người được tuyển dụng vào thì lại xin ra vì thu nhập thấp mà áp lực lớn. Cách tuyển dụng, thuyên chuyển giáo viên ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ, khách quan dẫn đến tình trạng tiêu cực.

Vì thế, bài toán thừa - thiếu giáo viên có lẽ không thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà có thể nó sẽ còn kéo dài dai dẳng, khó khăn trong nhiều năm tới đây.

Tình trạng thừa - thiếu giáo viên đang xảy ra ở nhiều cấp học (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Tình trạng thừa - thiếu giáo viên đang xảy ra ở nhiều cấp học (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Đang xảy ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên ở các cấp học

Ngày 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19".

Tại phiên giải trình này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Tính đến tháng 5/2021, cả nước có 1.190.443 giáo viên, trong đó giáo viên công lập 1.108.391, ngoài công lập: 82.052; biên chế 1.059.729, hợp đồng trong các trường công lập 48.662.

Trong tổng số hơn 1 triệu giáo viên mầm non, phổ thông, tỷ lệ giáo viên ngoài công lập chiếm 6,9% tổng số giáo viên của cả nước”. [1]

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cũng đã chia sẻ tình trạng thừa thiếu giáo viên như sau:

Căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục thừa 10.178 giáo viên (trong đó thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên trung học cơ sở, 315 giáo viên trung học phổ thông), thiếu 94.714 giáo viên (trong đó: thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên trung học cơ sở, 11.133 giáo viên trung học phổ thông).

Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán.., thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật....”. [1]

Như vậy, nhìn vào những con số mà Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ thì chúng ta thấy tình trạng thừa - thiếu giáo viên đang xảy ra khá phổ biến ở các cấp học.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa thiếu như hiện nay thì chúng ta thấy có nhiều nhưng có lẽ nó bắt đầu từ một số nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất: tình trạng thừa giáo viên phổ thông hiện nay được bắt đầu từ chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm vào năm 1997.

Lúc đó, do thiếu giáo viên nên Nhà nước chủ trương miễn học phí cho sinh viên sư phạm và sinh viên sư phạm những năm sau đó ra trường rất dễ dàng tìm kiếm việc làm.

Nhưng, cũng chỉ được mấy năm thì nhân lực ngành giáo dục đã bão hòa vì các địa phương đua nhau mở trường sư phạm, đa phần các tỉnh đều có trường sư phạm hoặc khoa sư phạm để đào tạo giáo viên các cấp học.

Nhiều trường trung cấp, cao đẳng sư phạm được nâng cấp thành các trường đại học sư phạm. Nhiều trường đại học không phải là trường sư phạm nhưng cũng nhanh chóng mở thêm khoa sư phạm.

Cách tuyển dụng giáo viên những năm trước đây có nhiều nơi cũng chưa được công khai, minh bạch. Khi xảy ra tình trạng thừa giáo viên thì những tiêu cực cũng bắt đầu xuất hiện. Nhiều người phải tìm cách nhờ vả chạy chọt.

Nhiều người gửi gắm con cháu, người thân của mình về các nhà trường. Nhiều hiệu trưởng thấy thừa nhưng vì cấp trên “ấn về” nên vẫn phải nhận vì họ không có sự lựa chọn nào khác.

Một số con cháu, người thân của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành khi thấy những trường gần nhà không thể nhận thêm được nữa nên lúc đầu ra trường sẽ nhận một số công việc như làm tổng phụ trách Đội, công tác Đoàn, thiết bị, thư viện, giám thị hoặc nhận công tác ở những vùng khó khăn.

Sau khi hết tập sự, có quyết định vào hợp đồng không xác định thời hạn thì họ tìm cách chuyển về gần nhà hoặc những trường có điều kiện. Cơ chế giám sát những năm trước đây ở một số địa phương chưa tốt nên xảy ra tình trạng nhiều môn học thừa giáo viên nhưng trường vẫn tiếp nhận giáo viên mới.

Vì thế, nhiều trường cấp trung học cơ sở hiện nay có những môn học giáo viên dạy chỉ hết một nửa định mức. Nhà trường phải linh hoạt xếp những giáo viên thiếu tiết đi trực hành chính, làm giám thị để đảm bảo định mức giảng dạy của giáo viên.

Thứ hai: bên cạnh việc thừa cục bộ ở một số môn học, cấp học thì cũng xảy ra tình trạng thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học.

Đối với cấp mầm non ở những thành phố lớn thường khó tuyển được giáo viên mầm non vì thu nhập quá thấp so với mặt bằng chung mà áp lực dạy mầm non thì thường rất lớn, thời gian thì nhiều.

Chính vì thế, việc tuyển đầu vào để đào tạo, tuyển dụng giáo viên mầm non mới ở khu vực đô thị đã khó nhưng việc “giữ chân” những giáo viên trẻ còn khó khăn hơn. Thời điểm hiện nay mà giáo viên mần non mới vào nghề với hệ số lương 2.10 nên chỉ được hơn 3 triệu đồng một chút thì rõ ràng rất khó để thu hút được nhân lực cho cấp học này.

Thứ ba: chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được thực hiện cuốn chiếu. Năm học 2020-2021 triển khai ở lớp 1; năm học 2021-2022 triển khai ở lớp 2, lớp 6; năm học 2022-2023 triển khai ở lớp 3, lớp 7, lớp 10. Năm học 2023-2024 triển khai ở lớp 4, lớp 8, lớp 11; năm học 2024-2025 triển khai ở lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Điều đáng nói là ở cấp tiểu học sẽ có thêm môn Tin học và môn Tiếng Anh sẽ được dạy từ lớp 1 nên cấp học này chắc chắn phải tuyển mới giáo viên Tin học và tuyển thêm giáo viên tiếng Anh.

Ở cấp trung học phổ thông thì có 2 môn học mới hoàn toàn cũng được đưa vào giảng dạy, đó là môn Âm nhạc và Mĩ thuật. Điều đặc biệt là cấp học này phải tuyển mới toàn bộ giáo viên 2 môn học này.

Bởi, chương trình năm 2000 chỉ dạy môn Âm nhạc và Mĩ thuật đến hết học kỳ I của lớp 9 và cấp trung học phổ thông thì không có 2 môn học này.

Chính vì thế, chỉ riêng tuyển mới giáo viên Tin học, tuyển thêm giáo viên tiếng Anh ở cấp tiểu học và giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông thì bây giờ và những năm tới đây ngành Giáo dục phải tuyển mới hàng chục ngàn giáo viên.

Trong khi, những người giỏi về Tin học và tiếng Anh thì họ rất ít khi xin đi dạy vì thu nhập thấp hơn rất nhiều họ làm các công việc khác. Giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật thì rất kén người học nên chuyện thiếu giáo viên các môn học này có lẽ sẽ chưa thể khắc phục ngay trong vài năm tới đây.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/ra-truong-luong-hon-3-trieu-dongthang-giao-vien-song-sao-duoc-voi-nghe-20220225202541560.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN