Lương giáo viên cao hơn một số ngành nhưng thấp hơn nhu cầu, làm sao toàn tâm?

28/02/2022 06:35
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên mỗi tháng nhận được khoảng 3-4 triệu đồng tiền lương nên họ đang rất khó khăn, vất vả, nhất là những thầy cô công tác xa nhà, hoặc phải thuê trọ.

Hàng chục năm qua, vấn đề lương, phụ cấp của đội ngũ nhà giáo dạy mầm non, phổ thông đã được các cơ quan chức năng đề cập, bàn luận nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn không có gì mới.

Thu nhập từ lương và phụ cấp của giáo viên còn có thể bị giảm bớt trong thời gian tới đây vì phụ cấp thâm niên nhà giáo sẽ không còn.

Ngày 25/2 vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19” và tại phiên giải trình này thì vấn đề lương giáo viên lại được đề cập.

Lương bậc 1 của giáo viên mầm non và phổ thông hiện nay khoảng trên 3 triệu đồng/tháng. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Lương bậc 1 của giáo viên mầm non và phổ thông hiện nay khoảng trên 3 triệu đồng/tháng.
(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Trong thời buổi vật giá leo thang như hiện nay, nhiều giáo viên mỗi tháng chỉ nhận được khoảng 3-4 triệu đồng tiền lương nên họ đang rất khó khăn, vất vả, nhất là những thầy cô công tác xa nhà, hoặc phải thuê trọ…

Giáo viên mới ra trường mỗi tháng nhận hơn 3 triệu đồng tiền lương!

Tại phiên giải trình về: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19”, nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề lương, công việc của nhà giáo.

Trong đó, đại biểu Dương Minh Ánh nêu quan điểm: “Theo số liệu báo cáo từ các địa phương hiện có khoảng 50% giáo viên phổ thông có mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Mức lương của giáo viên phổ thông vùng đồng bằng với khoảng 30 năm công tác từ 9-11 triệu đồng/tháng.

Hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non và tiểu học theo thông tư mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 2,1.

Do vậy, giáo viên mới đi làm chỉ có mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi đó Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khẳng định lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. [1]

Vấn đề mà đại biểu Dương Minh Ánh nêu, thực ra không phải là vấn đề mới nhưng nó đã cho chúng ta thấy một thực trạng chung về mặt bằng lương của giáo viên công lập hiện nay.

Theo chuẩn trình độ được quy định tại Luật Giáo dục 2019 thì giáo viên mầm non có trình độ từ cao đẳng trở lên. Giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông có trình độ từ đại học trở lên.

Trong khi, những giáo viên mới được tuyển dụng, dù tốt nghiệp cao đẳng hay đại học đều hưởng lương bậc 1 trong 4 năm (năm đầu tập sự) đầu tiên.

Người tốt nghiệp cao đẳng thì hệ số 2.10, tốt nghiệp đại học thì hệ số 2.34 nhân với lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng và phụ cấp đứng lớp thì lương bậc 1 chỉ dao động khoảng trên 3 triệu đồng một chút.

Những giáo viên có thâm niên khoảng 10 năm trong nghề, hưởng lương bậc 3 hoặc bậc 4 thì cũng chỉ được khoảng trên 5 triệu đồng/ tháng nhưng lúc này khó khăn sẽ nhiều hơn khi họ đã có gia đình, con cái học hành…

Vậy nên, đối với những giáo viên giảng dạy xa nhà thì tiền xăng xe, nước nôi, ăn uống đi lại trong ngày cũng chẳng còn được bao nhiêu. Những nhà giáo mà phải thuê trọ thì luôn phải “căng, kéo” đồng lương ít ỏi của mình để sao cho không thiếu trước, hụt sau.

Vấn đề này, cũng được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh đã chia sẻ: “Hiện nay, chế độ chính sách về tiền lương của giáo viên, cán bộ ngành giáo dục cao hơn so với cán bộ công chức, viên chức của một số ngành khác. Tuy nhiên, chế độ tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên theo tính chất đặc thù của ngành thì vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế”. [1]

Chính vì thế, gần như giáo viên bây giờ đều phải có thêm một nghề tay trái để nhằm duy trì công việc chính là nghề dạy học, nhất là những giáo viên đang dạy những môn được xem là “môn phụ” ở các nhà trường.

Nhiều nhà giáo phải tìm nghề tay trái

Thực ra, vấn đề lương giáo viên thấp thì mấy chục năm nay đã nói nhiều rồi nên giáo viên có lẽ họ cũng quen dần với điều này. Song, giáo viên đâu chỉ đối mặt với chuyện đồng lương ít ỏi của mình…

Nhiều nhà giáo không dám nói ra nhưng trước khi được đứng trên bục giảng thì nhiều người phải chạy chọt, nhờ vả mới có thể vào nghề. Nhiều khi các cơ quan tuyển dụng tổ chức thi tuyển qua nhiều vòng, nhìn rất bài bản, khoa học.

Nhưng, có nhiều trường hợp vẫn phải “tạo mối quan hệ” trước thì mới trúng tuyển vì số lượng dự tuyển thì nhiều mà số lượng chỉ tiêu tuyển dụng thì ít. Vào nghề thì nhiều thầy cô phải học nâng chuẩn, học chứng chỉ và tất nhiên học văn bằng hay chứng chỉ nào cũng đều mất tiền.

Ông cha ta có câu: “có thực mới vực được đạo” mà nhiều nhà giáo trẻ hiện nay đồng lương thấp nên tất nhiên họ phải tìm thêm nghề tay trái để tăng thêm thu nhập nhằm đảm bảo cuộc sống cho gia đình mình.

Công việc mà giáo viên làm thêm nhiều nhất hiện nay là bán hàng online, mở quán tạp hóa, sửa điện, lắp máy điều hòa, chạy xe ôm… miễn sao có tiền mà không phạm pháp là làm.

Tội nhất là một số thầy cô thấy các trang mạng xã hội quảng cáo cách kiếm tiền, đầu tư sinh lời hấp dẫn, họ lấy mác công ty này, công ty nọ để lừa đảo nên nhiều giáo viên đã “sập bẫy” và vướng vào nợ nần…

Giá như chế độ lương nhà giáo đáp ứng được cuộc sống hàng ngày thì có lẽ đa phần nhà giáo sẽ toàn tâm cho nghề mà mình đang theo đuổi nhưng với giá cả như hiện nay mà nhiều giáo viên mỗi tháng chỉ nhận được 3-4 triệu đồng thì họ sống ra sao?

Câu hỏi: “bao giờ giáo viên sống được bằng lương?” đã qua nhiều đời Bộ trưởng nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải cụ thể cho vấn đề này nên đội ngũ nhà giáo sẽ tiếp tục…chờ đợi không biết đến bao giờ!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-bo-noi-vu-nen-uu-tien-dieu-chinh-muc-luong-cua-giao-vien-mam-non-post224664.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG