Sau khi học sinh đi học trực tiếp, khá nhiều giáo viên ở các trường học đã mắc Covid-19 nên không thể đến trường. Dù thầy cô không thể lên lớp nhưng học sinh vẫn phải được học.
Một số nơi, giáo viên là F0 vẫn phải dạy trực tuyến tại nhà. Một số nơi khác thì phân công giáo viên thay phiên nhau đảm nhận phần việc của những thầy cô giáo ấy. Không ít thầy cô giáo thắc mắc:
Khi là F0 ở nhà điều trị, giáo viên có được hưởng chế độ bảo hiểm không? Phân công người dạy thay ở trường thì có được tính là làm thêm giờ không? Nếu được thì tại sao còn bắt giáo viên đang nhiễm bệnh phải dạy?
Những chia sẻ liên quan đến việc giáo viên mắc Covid-19 vẫn phải dạy học. (Ảnh: Báo Tin tức/TTXVN) |
Tranh luận đã nổ ra, người bảo giáo viên là F0 sẽ được nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội. Người nói rằng, chỉ ai là F0 nằm viện mới được tính còn điều trị ở nhà thì không, đồng nghĩa với việc giáo viên dạy thay chỉ là dạy tương trợ mà không có chế độ gì.
Với những thông tin thế này, trường học cũng lúng túng khi cho giáo viên nghỉ điều trị bệnh và phân công người dạy thay. Còn một số thầy cô giáo bị Covid mang nhiều áp lực, cùng tâm trạng lo lắng vì phải chịu ơn đồng nghiệp đã phải dạy cả phần việc của mình.
Giáo viên được hưởng quyền lợi như những người lao động ngành nghề khác
Người viết đã có cuộc trò chuyện với một giám đốc của cơ quan bảo hiểm xã hội. Được biết, giáo viên là F0 mà điều trị ngoại trú vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội như những giáo viên là F0 điều trị nội trú.
Cụ thể, Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động bị ốm đau hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau.
Chế độ này hiện được áp dụng để chi trả cho người lao động mắc Covid-19 và nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị mắc Covid-19.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội cũng như các công văn của Bộ Y tế, để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động cần có giấy ra viện (đối với F0 điều trị nội trú) hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú (đối với F0 điều trị ngoại trú).
Để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, giáo viên cần đến cơ sở y tế lấy giấy chứng nhận của bác sĩ
Hiện người bị mắc Covid-19, không phải đến bệnh viện để điều trị (trừ những người tiến triển nặng). Bởi thế, phần đông các thầy cô khi có triệu chứng nhiễm bệnh thường tự đi mua cây test về nhà và tự test. Khi có kết quả nhiễm bệnh là báo với nhà trường để nghỉ dạy.
Nếu tính theo Luật Bảo hiểm xã hội thì như vậy nhà trường chưa đủ căn cứ, cơ sở để làm lương hưởng bảo hiểm xã hội cho giáo viên. Thế nên, giáo viên dạy thay cũng chỉ là tương trợ đồng nghiệp mà không có chế độ gì.
Muốn được hưởng chế độ như quy định, các thầy cô giáo cần đến các cơ sở y tế để lấy giấy xác nhận bị Covid-19 từ y bác sĩ và cho phép nghỉ việc để điều trị bệnh (đối với F0 điều trị ngoại trú).
Lúc đó, giáo viên mắc Covid-19 sẽ ăn lương bảo hiểm xã hội 75% (theo Khoản 1, Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội, trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc) và những thầy cô giáo dạy cho đồng nghiệp mới được tính là thời gian dạy thêm giờ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.