Giáo viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường chuyên của tỉnh Hòa Bình (có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên) có thể được hỗ trợ 1 tỷ đồng.
Đó là một trong những nội dung của dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình quy định một số chính sách đặc thù đối với Trường Trung học phổ thông chuyên; Chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực quốc tế đang lấy ý kiến dư luận.
Theo thầy Nam: "Một tiến sĩ Toán về dạy tại trường phổ thông, và nếu chỉ dạy kiến thức đơn thuần không thôi thì theo tôi không hợp". Ảnh: NVCC. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: “Về tính hiệu quả, chưa chắc giáo sư đã dạy được cấp trung học phổ thông, mà giáo sư phù hợp với việc dạy sau đại học.
Còn dạy phổ thông thì rất cần truyền cảm hứng, phải có phương pháp, bây giờ dạy học theo mô hình mới, liên quan đến kiến thức cốt lõi của giáo viên, rồi đòi hỏi kiến thức cập nhật về công nghệ, và một điều nữa là sư phạm số phải giỏi.
Giáo viên trường chuyên ngoài kiến thức chuyên sâu, lại phải luôn cập nhật về công nghệ, trong khi một vị giáo sư có thể nói là “chuyên quá”, nhưng chưa chắc kiến thức về công nghệ các vị đã cập nhật kịp, và cũng bởi họ quá chuyên. Hơn nữa, sư phạm số để dạy học trong môi trường hiện nay là dạy học tích hợp bằng nhiều phương pháp chứ không còn dạy theo kiểu truyền thống đơn thuần.
Đối với học sinh trung học thì việc dạy kiến thức khác hoàn toàn, đó là dạy qua hoạt động, qua trải nghiệm, phải lấy được những ví dụ rất cụ thể, gần gũi với cuộc sống thì học sinh mới hứng thú, từ hứng thú học sinh mới tham gia các hoạt động, rút ra được những quy luật cho bản thân. Còn cấp giáo sư là dạy học cho người lớn, dạy sau đại học nó khác hoàn toàn với cấp phổ thông”.
Theo thầy Nam: “Nếu cấp phổ thông quy hoạch nhiều giáo sư về chỉ để dạy ở trường chuyên, như vậy sẽ thiệt thòi cho những vị giáo sư đó và cho cả nhà trường, ngôi trường đó sẽ không thể phát huy được hết năng lực của một vị giáo sư. Và đã là giáo sư thì phải nghiên cứu các công trình ở tầm cao hơn cho đất nước.
Giáo dục hiện đại, người ta thường đề cao việc tạo nên sự đồng điệu, hiểu được tâm lí học sinh, hiểu cá tính của từng em,…từ đó đưa ra được hướng giảng dạy phù hợp, thúc đẩy động lực học tập của từng học sinh. Ví dụ: Có những học sinh cảm thấy khó khăn với một số môn học, nhưng qua nghe thầy cô giảng bài, tự nhiên em đó thấy hứng thú, nhìn ra được một con đường dễ dàng hơn để chinh phục môn học đó, và điều này không nhất thiết phải là một giáo sư.
Lấy giáo sư dạy cấp phổ thông, như vậy tốn chi phí đào tạo của nhà nước. Nghe đề xuất như vậy tôi thấy có vẻ rất hình thức, mang danh bởi xã hội thấy rằng ở một ngôi trường phổ thông như vậy lại có vị giáo sư này, tiến sĩ kia giảng dạy, nhưng thực chất có hiệu quả hay không thì tôi cho là không bởi dùng người không đúng chức năng.
Giáo sư phải đóng góp những việc to lớn hơn cho một quốc gia, làm ở tầm vĩ mô, chính sách, hoặc có những công trình liên quan cụ thể về giáo dục, và giáo sư thiên về nghiên cứu những cái đó, chứ không phải lên lớp dạy cấp phổ thông”.
Đối với học sinh trung học thì việc dạy kiến thức khác hoàn toàn, đó là dạy qua hoạt động, qua trải nghiệm, phải lấy được những ví dụ rất cụ thể, gần gũi với cuộc sống thì học sinh mới hứng thú. Ảnh minh họa: T.D. |
Giáo sư hay tiến sĩ thì nên nghiên cứu nhiều hơn
Thầy Nam nói: “Về chính sách thu hút đãi ngộ,…theo tôi nó chỉ thể hiện được địa phương quan tâm, thu hút, muốn có chất lượng cao trong giáo dục. Còn câu chuyện hiện nay là tiến sĩ, giáo sư thì việc lựa chọn quyết định có về trường chuyên hay không lại còn ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác nữa.
Thực trạng hiện nay thạc sĩ vẫn phải đi làm những công việc của bậc trung cấp, và như vậy là đi “học ngược”. Có những vấn đề liên quan đến kiến thức, năng lực, chúng ta đào tạo ra một con người trong một khoảng thời gian, và có thể bằng cấp vẫn chưa tương xứng với kĩ năng công việc, hoặc kĩ năng được đào tạo ra với bằng cấp đó không còn phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Thực tế rất nhiều người có bằng cấp nhưng lại không hề có kĩ năng, như vậy họ bắt buộc phải đi làm những công việc dưới tầm bằng cấp của họ được đào tạo, như vậy là tùy năng lực của từng người. Nhưng quan trọng nhất là làm sao những vị tiến sĩ về trường phải được phát huy hết khả năng, chính sách của các tỉnh thu hút người tài nhưng đồng thời cũng phải thực hiện được mục tiêu của nhà trường.
Ví dụ: Một tiến sĩ Toán về dạy tại trường phổ thông, và nếu chỉ dạy kiến thức đơn thuần không thôi thì theo tôi không hợp, mà phải bố trí công việc phù hợp, tránh chuyện để phí tài năng dẫn đến bản thân họ thấy chán nản, ở lại không xong mà xin đi cũng không được.
Cảm nhận chung thì đây là chơi trội, tôi có cảm nhận là tỉnh đang cố chạy theo một “cái gì” đó, có thể là thương hiệu, thích danh, xếp hạng, gây sự chú ý bởi mục tiêu giáo sư chỉ dạy trường chuyên là không cần thiết.
Giáo viên phổ thông còn phải thường xuyên tập huấn hàng năm mới có thể dạy được, vậy một vị giáo sư có thường xuyên tập huấn, cập nhật những cái mới ở cấp phổ thông hay không? Trong bối cảnh chuyển đổi số, giáo viên cần phải có kiến thức cốt lõi, nhưng kiến thức của vị giáo sư không liên quan gì đến lĩnh vực kiến thức phổ thông. Vậy giáo sư không thể dạy tốt được ở cấp phổ thông”.
Thầy Nguyễn Thành Công - Giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Nên dùng tiền đó hỗ trợ cho giáo viên trẻ có năng lực
Cũng về vấn đề này, thầy Nguyễn Thành Công - Giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Theo thầy Công: "Việc một địa phương mời giáo sư về giảng dạy tại trường trung học phổ thông chuyên với đãi ngộ lên tới cả tỉ đồng theo quan điểm của cá nhân tôi là không phù hợp. Mặc dù, việc này có thể tạo ra một làn gió mới trong giai đoạn đầu giúp cho các học sinh tập trung hơn với việc học, thầy cô trong trường chuyên tâm hơn với quá trình nâng cao năng lực, kiến thức nhưng sẽ không kéo dài được lâu.
Với bản thân các giáo sư được đào tạo lâu năm, theo đuổi một lĩnh vực chuyên ngành hẹp thậm chí rất hẹp, đó là đam mê, là tuổi trẻ của họ, liệu rằng họ sẽ từ bỏ đam mê đó để chuyển công tác về một trường phổ thông và từ bỏ cơ sở làm việc của mình ở một trường đại học, viện nghiên cứu?
Vì là giáo sư, nên kiến thức chuyên ngành hẹp có thể rất sâu, chưa chắc đã phù hợp với việc giảng dạy ở trường phổ thông với lượng kiến thức đòi hỏi rộng, tất nhiên, việc học chuyên của nhiều môn chuyên có thể đi sâu nhưng khó có thể đến mức mà các giáo sư nghiên cứu. Do vậy, cả 2 phía đều khó gặp nhau!
Về các trường, theo tôi nên chăng dùng ngân sách đó để trao học bổng cho học sinh giỏi, hỗ trợ cho giáo viên trẻ có năng lực tốt về khía cạnh đào tạo, bồi dưỡng. Tạo điều kiện về thu nhập, nơi ở để các thầy, cô trẻ thực sự theo đuổi đam mê, lăn lộn với nghề và lãnh đội cùng với các học sinh trong các kì thi chọn học sinh giỏi.
Một phần kinh phí dùng để mời các giáo sư đầu ngành giảng dạy riêng cho các em học sinh trong đội tuyển, nâng cao thành tích giáo dục mũi nhọn để nâng cao vị thế trường chuyên, các học sinh khác cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng vị thế này. Đầu tư mũi nhọn nhưng cũng phân phối cho các khía cạnh khác của giáo dục tại trường chuyên, các hoạt động Stem, các hoạt động giáo dục kĩ năng cũng cần nâng cao số lượng và chất lượng để giáo dục là toàn diện".
Thầy Công cho biết: "Việc này khiến tôi nhớ đến một số phòng thí nghiệm của nhiều trường phổ thông mua các thiết bị đắt tiền phục vụ cho các cơ sở nghiên cứu mang về cho học sinh làm thí nghiệm.Điều này không phù hợp với cả 2 phía, phía thiết bị lẫn phía người học, bởi thiết bị sẽ không được sử dụng hết tiềm năng và người học có thể chỉ hứng thú làm thí nghiệm trong những lần đầu, sau đó lại không còn hứng thú".