Đầu tháng 3, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến về Dự thảo chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đó, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực y tế nếu có nguyện vọng về công tác tại Thủ đô sẽ được hỗ trợ một lần bằng 80 lần mức lương cơ sở tại thời điểm được tuyển dụng.
Theo đó, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực y tế nếu có nguyện vọng về công tác tại Thủ đô sẽ được hỗ trợ một lần bằng 80 lần mức lương cơ sở tại thời điểm được tuyển dụng (lương cơ sở hiện nay gần 1,5 triệu đồng).
Những trường hợp trên nếu đăng ký xét tuyển vào các chuyên ngành y tế, giáo dục và đào tạo ở xã miền núi, khu vực khó khăn được hưởng hỗ trợ một lần bằng 100 lần mức lương cơ sở.
Những lĩnh vực Hà Nội ưu tiên tuyển dụng gồm các ngành nghiên cứu khoa học cơ bản như kinh tế số, khoa học tính toán và dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo; nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, tế bào gốc; xây dựng và quản lý đô thị thông minh, hạ tầng hiện đại, gồm xây dựng và vận hành hệ thống vận tải công cộng, không gian ngầm...
Nghiên cứu dự thảo này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Bùi Thị An (Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng vấn đề quan trọng trong phát triển bền vững của bất kỳ một quốc gia nào, thành phố nào, đặc biệt Thủ đô là về chất lượng nhân lực.
Phó giáo sư Bùi Thị An (Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII) (ảnh: quochoi.vn) |
Theo Phó giáo sư Bùi Thị An, đây là chủ trương rất đúng, và cấp thiết, bởi con người là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển của bất kỳ một địa phương, một lĩnh vực, một đất nước nào.
Tuy nhiên, theo bà An, chính sách thu hút nhân tài cần lưu tâm một số nội dung như thế nào là người tài? Tiêu chí gì với nhân tài làm việc ở Hà Nội nói chung và từng ngành nói riêng?...
Tuy nhiên đó mới chỉ là điều kiện cần nên việc theo dõi đánh giá trong quá trình làm việc thực tế là vô cùng quan trọng.
“Nên chăng sau một năm làm việc phải có đánh giá trên hoạt động thực tiễn và nếu ai không thích hợp cũng cần phải loại ngay, vì có những người học rất giỏi ở trong trường đại học nhưng không có tố chất làm quản lý hoặc lãnh đạo....
Tiếp đến là nên công khai minh bạch mọi thông số liên quan đến người được tuyển dụng (kết quả học tập, chuyên ngành, vị trí dự tuyển, mức lương ...) để mọi người giám sát.
Vì trước đây Hà Nội cũng đã có chính sách thu hút rất nhiều các em thủ khoa về làm việc cũng không ít ưu đãi nhưng tại sao họ vẫn không gắn bó, vẫn chuyển đi”, bà An nêu quan điểm.
Trên cơ sở đó, Phó giáo sư Bùi Thị An đề nghị Hà Nội cần đánh giá những bất cập cũ để có cơ sở đưa ra những chính sách mới đãi ngộ hấp dẫn giúp họ đến làm việc một cách tự nguyện và gắn bó lâu dài.
Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội cho rằng, đối với thủ khoa ngoài chuyện lương thì các bạn còn cần môi trường làm việc mà ở đó họ được phát huy, được sáng tạo, được tôn trọng và có quyền dân chủ…, vậy làm thế nào để các cơ quan nhà nước có thể cạnh tranh (với các công ty nước ngoài chẳng hạn) để không chảy máu chất xám, đó cũng là nội dung cần nghiên cứu thận trọng khi đưa ra chính sách mới.
Cũng nêu ý kiến về dự thảo này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội hoan nghênh chủ trương chính sách thu hút, trọng dụng nhân lực chất lượng cao của Hà Nội. Tuy nhiên, thu hút được người tài hay không khâu chuẩn bị đất dụng võ cho người giỏi phải được đặt lên hàng đầu, bởi trước đây đã có chính sách nhưng chưa mang lại hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, thu hút nhân tài vấn đề không phải mức lương và đãi ngộ mà là chuẩn bị nơi làm việc.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức (ảnh: Vietnamnet) |
“Bây giờ cần phải nghĩ đến những cái gì mới hơn thì mới gọi là trọng dụng nhân tài, khi họ giỏi chuyên môn này nhưng khi tuyển dụng thì có xếp được đúng công việc hay không, giả sử lấy ông giỏi đi cày vào làm vị trí cấy, mà người giỏi cấy lại cho vào vị trí cày thì hiệu quả cũng sẽ không đến đâu”, Tiến sĩ Chức nhận định.
Theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, để đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội nuôi dưỡng nhân tài là quan trọng nhất vì người xuất sắc nên bao giờ cũng có những ý tưởng khác biệt, những cơ quan, tổ chức, đơn vị nào nhận họ về thì có nhiệm vụ gì cho họ và cách thức vừa dìu dắt vừa lắng nghe họ như thế nào để họ trở thành tài.
Bởi thủ khoa học tài nhưng chưa phải là người tài, để trở thành người tài thực sự giúp đất nước, giúp cho xã hội thì phải làm được những việc mà có hiệu quả cao và xuất sắc. Mà muốn làm được thì không đơn giản chỉ là học giỏi mà còn phải có nghị lực phải đem kiến thức áp dụng trong thực tế thế nào.
Người học xuất sắc là mầm mống, là hạt giống để trở thành nhân tài do đó Thủ đô phải trở thành đất để hạt giống này nảy mầm, phát triển, muốn thế thì phải có đất dụng võ, phải đúng người đúng việc. Khi những sáng kiến, ý kiến của họ được sử dụng thì người tài sẽ sẵn sàng làm việc, nếu không thì cái tài, cái học cũng dần mai một đi cuối cùng không có ý nghĩa gì trong cuộc sống.