Thủ khoa xuất sắc: Lo học Sư phạm khó xin việc chỉ đúng với người thụ động!

20/03/2022 06:56
Hoài Ân
GDVN- Với GPA đạt 3.87/4.0, Nguyễn Tú Uyên đã trở thành thủ khoa tốt nghiệp của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Nguyễn Tú Uyên (sinh năm 1999, Hải Phòng) khá bất ngờ khi nhận được danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp của Trường Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2021. Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Uyên cho rằng, đạt thủ khoa không đồng nghĩa với việc là người giỏi và xuất sắc nhất. Uyên tự nhận mình khá may mắn trong các kỳ thi tại trường.

"Nói vậy không có nghĩa là tôi phủ nhận sự cố gắng của bản thân. Tôi hoàn toàn hài lòng với những nỗ lực của mình trong suốt thời gian qua", nữ thủ khoa chia sẻ.

Luôn đề cao tinh thần tự học

Trước khi trở thành sinh viên ngành Sư phạm tiếng Anh, Tú Uyên là học sinh chuyên Anh của trường trung học phổ thông chuyên Trần Phú (Hải Phòng). Uyên từng đạt giải Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh năm học 2016 - 2017 và được 10 điểm tròn trĩnh môn tiếng Anh tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017.

Được đầu tư học tiếng Anh từ nhỏ và xuất phát điểm là học sinh chuyên Anh nên niềm đam mê ngôn ngữ của Tú Uyên ngày càng lớn dần theo năm tháng. Quãng thời gian học cấp ba, cô cũng nhận ra thế mạnh và niềm yêu thích đối với việc truyền đạt và chia sẻ kiến thức đến mọi người xung quanh. Chính vì vậy, khi chuẩn bị hồ sơ thi đại học, Uyên đã không ngần ngại đăng ký nguyện vọng vào ngành Sư phạm tiếng Anh - khoa Sư phạm tiếng Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Nguyễn Tú Uyên - Thủ khoa tốt nghiệp của Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nguyễn Tú Uyên - Thủ khoa tốt nghiệp của Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tú Uyên cho rằng, quá trình học tập ở bậc đại học như “lửa thử vàng, gian nan thử sức” nhưng nếu quyết tâm và nỗ lực, cùng phương pháp học tập hợp lý, sinh viên sẽ vượt qua khó khăn để tốt nghiệp một cách dễ dàng.

Theo nữ thủ khoa, có rất nhiều phương pháp học tập mang lại hiệu quả cao và việc sử dụng sơ đồ tư duy là vô cùng có ích. Thực chất mỗi bộ môn và từng bài giảng đều đi theo một trật tự logic, sinh viên cần có cái nhìn tổng quan về những gì mình học, từ đó nắm chắc trọng tâm, tìm hiểu chi tiết từng phần nội dung.

"Sử dụng sơ đồ tư duy là một cách hình ảnh hóa các kiến thức đã học, nắm được mối quan hệ và trật tự các nội dung. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả khi chúng ta đứng trước một lượng kiến thức khổng lồ. Việc tạo ra một sơ đồ tư duy sẽ giúp sắp xếp lại sự rối rắm trong đầu, từ đó giúp người học thoát khỏi cảm giác sợ hãi và làm chủ kiến thức tốt hơn.

Việc sử dụng sơ đồ tư duy cũng giúp tư duy mạch lạc hơn, khả năng khái quát và tổng hợp thông tin cũng cải thiện. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc học tập và nghiên cứu ở bậc đại học và các bậc học cao hơn khi việc đọc, khái quát, phân tích, tổng hợp là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, không có một phương pháp học tập nào hiệu quả với tất cả mọi người, việc quan trọng là phải hiểu bản thân và tìm được phương pháp phù hợp với chính mình", nữ thủ khoa chia sẻ.

Tú Uyên là sinh viên xuất sắc nhiều năm học, sở hữu chứng chỉ IELTS 8.0. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tú Uyên là sinh viên xuất sắc nhiều năm học, sở hữu chứng chỉ IELTS 8.0. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Luôn đề cao tinh thần tự học, nỗ lực, cố gắng tìm tòi, trong thời gian ngồi trên ghế giảng đường, Tú Uyên là viên xuất sắc nhiều năm học, sở hữu chứng chỉ IELTS 8.0; đạt danh hiệu đại sứ ULIS năm học 2018 - 2019; giải Nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp khoa năm học 2018 - 2019; giải Nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường năm học 2018 - 2019...

Khi được hỏi về tố chất và những kỹ năng cần thiết của người học và làm việc trong ngành Sư phạm tiếng Anh, Uyên khẳng định: "Đây là một ngành rất cần tính kiên trì và kiên nhẫn".

Tú Uyên cho biết, chinh phục một ngôn ngữ là một quá trình lâu dài tiếp thu, quan sát, rèn luyện, mắc sai lầm, chấp nhận và sửa sai. Quá trình tiến bộ trong một ngôn ngữ đi theo đường bậc thang thay vì theo đường thẳng. Người học càng học lên cao càng bị mắc tại một trình độ rất lâu, từ đó dễ thất vọng, chán nản, bởi vậy sự kiên trì là vô cùng cần thiết.

Còn đối với ngành sư phạm, kiên trì cần song hành với kiên nhẫn. Kiên trì với sự tiến bộ của bản thân và kiên nhẫn với sự tiến bộ của học sinh.

"Người làm trong ngành sư phạm cần có kỹ năng giao tiếp tốt để kết nối với học sinh, phụ huynh. Đi kèm là kỹ năng xử lý vấn đề linh hoạt vì mỗi giờ học chứa đầy các biến số, các tình huống không nằm trong dự tính đều có thể xảy ra. Thêm vào đó, kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc để có thể vừa tham gia giảng dạy và phát triển bản thân cũng là một phần không thể thiếu", nữ thủ khoa nói.

Học sư phạm khó xin việc chỉ đúng với những người thụ động

Nhiều người lo ngại học ngành Sư phạm khó xin việc. Tú Uyên cho rằng quan điểm trên chỉ đúng với những người thụ động trong quá trình tìm việc cho bản thân.

Uyên cho biết, cơ hội nghề nghiệp cho ngành Sư phạm nói chung và ngành Sư phạm tiếng Anh nói riêng khá rộng mở. Các trung tâm tư nhân, trường phổ thông tư thục, công lập, quốc tế, hay các trường đại học luôn có những đợt tuyển giáo viên hằng năm.

Xét riêng về ngành Sư phạm tiếng Anh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngoại ngữ đang dần trở thành một trong những môn học quan trọng nhất đối với học sinh, nhu cầu học ngoại ngữ ở nhiều lứa tuổi nhằm phục vụ cho việc học tập hay công việc cũng tăng cao, chắc chắn sẽ cần rất nhiều những giáo viên có niềm đam mê nghề và chuyên môn tốt để giúp đỡ người học chinh phục ngôn ngữ.

"Ngoại ngữ là một ngành “đá chéo sân” khá dễ dàng, với công cụ là ngoại ngữ trong tay, các bạn sinh viên mới ra trường có thể dễ dàng tìm việc làm ở các lĩnh vực khác như phiên dịch, truyền thông, báo chí, hay kinh tế. Tôi cho rằng dù là bất cứ ngành nghề nào, chỉ cần cố gắng học hỏi, có kinh nghiệm trong nghề thì cơ hội việc làm sẽ đến", cô gái sinh năm 1999 tâm sự.

Hiện, Uyên đang làm giáo viên dạy tiếng Anh cho một trung tâm tại Hải Phòng. Thời gian tới cô sẽ tham gia khóa học thạc sĩ.

Tú Uyên chia sẻ, cô có ước mơ trở thành giảng viên đại học và mở một trung tâm ngoại ngữ Vì vậy, nữ thủ khoa luôn cố gắng hoàn thiện bản thân từng ngày để hiện thực hóa ước mơ đó.

Hoài Ân