Năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đối với lớp 10 và các năm sau là lớp 11, 12.
Chương trình này nảy sinh bất cập khi xuất hiện 108 tổ hợp, lãnh đạo các trường trung học phổ thông đang loay hoay vì xuất hiện tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới và Phó Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành (Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) trấn an dư luận bằng giải pháp ngôn từ kiểu "chữa cháy" trên các phương tiện truyền thông.
Sự việc này còn cho thấy một nghịch lý của chương trình giáo dục phổ thông mới, trong khi các thầy cô giáo phải soạn giáo án theo mẫu Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH dài lê thê, thì việc bố trí giáo viên, xếp lớp thế nào với 108 tổ hợp thì Bộ lại để các trường tự lo.
Việc cần hướng dẫn (108 tổ hợp) thì Bộ giao các trường "tự chủ động", việc cần tự chủ (soạn giáo án, nay Công văn 5512 gọi là kế hoạch bài dạy), Bộ lại cầm tay chỉ việc nhà giáo theo các mẫu kế hoạch 5512.
Giáo án phải theo mẫu 5512 còn 108 tổ hợp các trường tự lo là nghịch lí. (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT và Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH quy định thế nào?
Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Theo đó, Công văn 5512 quy định xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường bao gồm: Kế hoạch thời gian thực hiện chương trình (phân phối chương trình); Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án).
Chỉ riêng Kế hoạch bài dạy (giáo án), giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông phải theo soạn theo mẫu Phụ lục IV (Khung Kế hoạch bài dạy) Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.
Trước đó, ngày 26/12/20218, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.
Thông tư này quy định nhà trường (trung học phổ thông) có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của đơn vị.
Tôi cho rằng, sở dĩ Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT cho phép nhà trường xây dựng các tổ hợp môn (có thể hiểu một số tổ hợp môn) vì Chương trình mới bậc trung học phổ thông có thể tạo ra 108 tổ hợp - không trường nào có thể đáp ứng nổi nhu cầu lựa chọn của học sinh.
Nhận định của tôi là có cơ sở, bởi Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ban hành sau Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT khoảng 2 năm cũng có nội dung tương tự:
"Nhà trường xây dựng một số tổ hợp gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình và xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học để vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường".
Lẽ ra, giáo viên phải được tự do soạn giáo án sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh thì Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH lại yêu cầu thầy cô làm theo khuôn mẫu. Ngành cứ hô hào các thầy cô giáo phải chủ động đổi mới phương pháp thế này thế khác, nhưng giáo án cũng phải theo mẫu của Bộ đưa ra, thì thầy cô chủ động, đổi mới thế nào?
Còn việc Chương trình mới hình thành 108 tổ hợp tự chọn cho học sinh, Bộ Giáo dục và ban soạn thảo chương trình "đá" về cho các trường liệu có nghịch lí? Về lý thuyết là học gì thi nấy, nhưng trên thực tế lại là thi gì dạy - học nấy. Với 108 tổ hợp, công tác tuyển sinh đại học tới đây sẽ thực hiện như thế nào?
Các trường, thầy cô, học sinh và phụ huynh có con em bắt đầu vào lớp 10 năm nay quả thực bối rối, rất cần một sự định hướng, hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với 108 tổ hợp này, ngộ nhỡ chọn đúng tổ hợp không hoặc rất ít trường đại học/cao đẳng tuyển sinh, có phải 3 năm công sức thầy - trò bỏ ra đổ xuống sông xuống biển, ý nghĩa hướng nghiệp/phân luồng của chương trình mới còn đâu?
Những hệ lụy khi xuất hiện 108 tổ hợp
Thứ nhất, điểm thay đổi lớn nhất của Chương trình giáo dục phổ thông mới là việc cho phép học sinh được tự chọn môn học và phân hóa hướng nghiệp sớm đối với bậc học trung học phổ thông.
Bài viết "Học sinh chọn môn học ở Chương trình giáo dục phổ thông mới ra sao?" đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3/1/2019 nhận định:
"Nếu xuất hiện các nghề nghiệp mới yêu cầu xen kẽ giữa các kiến thức, như kiến thức tự nhiên và xã hội, thì rõ ràng hướng thay đổi này đã mở ra những sự lựa chọn và cơ hội cho học sinh. Các em sẽ chọn môn học theo đúng sở thích của mình và phù hợp với yêu cầu kiến thức định hướng nghề nghiệp đa dạng trong xã hội". [1]
Tôi rất đồng tình với ý kiến này, bởi đây là một trong những nội dung quan trọng thể hiện tinh thần tiến bộ của Chương trình mới. Thế nhưng, chương trình cho phép tạo ra 108 tổ hợp dẫn đến thừa, thiếu giáo viên cục bộ, buộc các nhà trường phải "định hướng" cho học sinh chọn môn - khác nào chúng ta lừa dối con trẻ?
Thứ hai, việc xuất hiện nhiều tổ hợp môn cùng với các chuyên đề sẽ nảy sinh rắc rối lớn khi xếp thời khóa biểu - công việc khó khăn nhất với người làm công tác quản lí chuyên môn.
Liên quan đến việc xếp thời khóa biểu, ngày 25/3/2022, Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: "Có thể các trường đang cảm thấy việc xếp thời khóa biểu có chút khó khăn nhưng với mỗi môn học chỉ có 3 chuyên đề, mỗi chuyên đề 10 - 15 tiết.
Căn cứ Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học, các trường có thể tổ chức dạy học theo từng chuyên đề một cách linh hoạt, phù hợp với chương trình môn học, đồng thời cần lưu ý thực hiện các phương pháp và hình thức dạy học tích cực nhằm tăng cường năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình". [2]
Thực tế cho thấy, năm học 2021-2022, khi 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội được đưa vào giảng dạy ở bậc trung học cơ sở thì thời khóa biểu của giáo viên bộ môn và lớp học thay đổi xoành xoạch.
Tới đây, thời khóa biểu ở bậc trung học phổ thông sẽ rắc rối hơn nữa vì học sinh được chọn môn tự chọn và các chuyên đề - chứ không phải "có chút khó khăn" như lời ông Thành nói đâu. Kéo theo, thời gian biểu của phụ huynh học sinh cũng thay đổi liên tục vì lịch học của con em không cố định.
Thứ ba, những năm tới học sinh sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thế nào trong bối cảnh Bộ Giáo dục triển khai Chương trình mới với nhiều lựa chọn môn học khác nhau và 3 bộ sách giáo khoa khác nhau?
Chính ông Nguyễn Xuân Thành cũng trả lời phiếm chỉ, bởi "việc tổ chức thi tốt nghiệp trong tương lai cần thay đổi cho phù hợp cũng cần phải được tính toán", theo VTV News.
Là giáo viên dạy bậc trung học phổ thông, tôi cũng bối rối vì không có đủ thông tin khi đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh học sinh đề cập đến vấn đề này. Một lần nữa cho thấy, ban soạn thảo chương trình và Bộ Giáo dục quá lúng túng, bị động khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Và theo ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, với cách thức triển khai như hiện nay e rằng chương trình mới còn tệ hơn cả chương trình phân ban trước đây. Vậy nên, Vỡ trận 108 tổ hợp, có nên quay lại chương trình phân ban?, cũng cần được nghiên cứu xem xét.
Tài liệu tham khảo:
[1] //nhandan.vn/dien-dan-giao-duc/hoc-sinh-chon-mon-hoc-o-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-ra-sao-345853/
[2] //tuoitre.vn/hon-100-to-hop-mon-hoc-lop-10-hoc-sinh-chon-nha-truong-tu-van-20220324212754757.htm
[3] //vtv.vn/giao-duc/chuong-trinh-lop-10-cho-phep-chon-mon-hoc-giao-vien-va-hoc-sinh-can-chuan-bi-gi-20220325003922879.htm?fbclid=IwAR0yyAbEhNmI20FkDlHxnbjT2j2vfE2bir6r2ABSJbzhvE7KfAc2oGb0zWI
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.