Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai đối học sinh lớp 10 trong năm học 2022 – 2023 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo của lớp 11 và lớp 12.
Nội dung giáo dục cấp trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương).
Hai môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Ngoài ra, học sinh phải chọn 5 môn trong 3 tổ hợp: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Chương trình Giáo dục phổ thông mới thực hiện mục tiêu: “Phân luồng mạnh sau trung học cơ sở, Trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn sau phổ thông có chất lượng”.
Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hoá theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.
Đến thời điểm hiện tại, các trường trung học phổ thông chỉ còn 5 tháng để hoàn thiện các công tác chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 đặt ra nhiều vấn đề về tổ chức dạy học tự chọn và định hướng cho học sinh như thế nào (Ảnh: Phạm Linh) |
Quá trình chuẩn bị, có nhiều câu hỏi được đặt ra như: Các trường trung học phổ thông tổ chức dạy học môn tự chọn như thế nào để vừa đáp ứng nguyện vọng của học sinh vừa phù hợp với đội ngũ nhân lực hiện có; Làm sao để học sinh có định hướng đúng về môn mà mình lựa chọn,…
Tổ chức dạy học môn tự chọn dựa vào điều kiện của mỗi nhà trường
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam tại một số trường trung học phổ thông ở Hải Phòng, các nhà trường đã có phương án tổ chức dạy học môn tự chọn phù hợp với định hướng giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực hiện có.
Theo thầy Phạm Huy Bình – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng), chuẩn bị đón chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhà trường tập trung nghiên cứu kỹ chương trình tổng thể, chương trình bộ môn để lựa chọn, sắp xếp phù hợp với cấu trúc chương trình tổng thể của nhà trường trong giai đoạn 2022 - 2025.
Trong đó, đảm bảo các nguyên tắc về mục tiêu, yêu cầu phẩm chất, năng lực của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, đảm bảo mục tiêu của nhà trường gồm: Tuyên ngôn sứ mệnh, giá trị cốt lõi và các cam kết đầu ra.
Về việc tổ chức dạy học tự chọn, nhà trường xây dựng trên cơ sở thời lượng, đội ngũ, cơ sở vật chất và tài chính hiện tại trường có thể đáp ứng được.
Đảm bảo độ kế thừa các nội dung đã và đang tạo giá trị, nét riêng của nhà trường. Đảm bảo yêu cầu có thời điểm giao nhau giữa việc thực hiện chương trình cũ và mới và có sự điều chỉnh cho phù hợp với kế hoạch năm học.
Theo đó, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn dự kiến phân phối chương trình theo từng học kỳ của 11 lớp được chia thành 6 khối tổ hợp.
Nhóm Khoa học tự nhiên có 3 sự lựa chọn: Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Tin, chuyên đề môn Toán, Lý, Hóa (2 lớp); Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Địa, Tin, chuyên đề môn Toán, Hóa, Sinh (2 lớp); Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, chuyên đề Toán, Lý, Anh (2 lớp).
Nhóm Khoa học xã hội có 2 sự lựa chọn: Môn bắt buộc gồm Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lý, Tin, chuyên đề môn Văn, Sử, Địa (2 lớp); Môn bắt buộc gồm Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hóa, Tin, chuyên đề Toán, Văn, Anh (3 lớp)
Về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, lựa chọn Sách giáo khoa lớp 10, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đề xuất sửa chữa, mua sắm, bảo dưỡng để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Bên cạnh đó, nhà trường nâng cấp phòng thí nghiệm Hóa học, Sinh học; đầu tư phòng học, thiết bị phục vụ cho việc học STEM.
Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn tổ chức dạy học tổ hợp đảm bảo các nguyên tắc về mục tiêu, yêu cầu phẩm chất, năng lực của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đồng thời đảm bảo mục tiêu giáo dục của nhà trường (Ảnh: Phạm Linh) |
Ghi nhận thêm tại Trường Trung học phổ thông An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng), bên cạnh 5 môn bắt buộc và 3 môn phân ban theo nhóm Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, nhà trường lựa chọn các môn tự chọn thuộc nhóm Công nghệ và nghệ thuật dựa theo điều kiện đội ngũ giáo viên hiện có.
Lãnh đạo nhà trường cho biết: “Đối với nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật, tuỳ theo điều kiện của mỗi nhà trường để lựa chọn.
Ví dụ như trường hợp có học sinh đăng ký môn nghệ thuật mà nhà trường thuê được giáo viên thì mới có điều kiện tổ chức dạy còn nếu không sẽ chọn môn có sẵn giáo viên như môn Tin, công nghệ”.
Còn tại Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng), theo dự kiến, tránh trường hợp học sinh lựa chọn theo ý thích chứ không có định hướng đúng, ngay từ đầu vào nhà trường sẽ có phiếu đăng ký đưa ra 2 lựa chọn cho học sinh.
Hai phương án trên được lựa chọn dựa trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và định hướng giáo dục của nhà trường.
Định hướng để học sinh chọn đúng phân ban
Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch dạy học tự chọn, các trường ở Hải Phòng chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn để học sinh, phụ huynh có lựa chọn phân ban tương đồng với lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong dự kiến đưa môn Âm Nhạc vào nhà trường (Ảnh: NTCC) |
Thầy Đinh Hồng Tiệp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong cho biết: “Việc phân ban đối với lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 gắn liền với hướng nghiệp theo đó nhà trường có vai trò định hướng cho học sinh, phụ huynh.
Nhà trường sẽ tổ chức buổi phân tích hướng nghiệp để phụ huynh, học sinh hiểu rõ ràng nếu định hướng theo ngành nghề nào sẽ lựa chọn phân ban tương ứng.
Việc đưa ra 2 phương án để học sinh, phụ huynh lựa chọn sẽ căn cứ vào cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và định hướng phát triển của mỗi nhà trường.
Ví dụ, theo dự kiến, Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong định hướng sẽ đưa môn Âm Nhạc vào nhà trường.
Theo đó, bên cạnh 5 môn chính và tổ hợp bắt buộc thuộc nhóm tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh) hoặc xã hội (Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và pháp luật) học sinh của trường sẽ học thêm môn Âm Nhạc.
Đối với môn Tin học, nhà trường sẽ tích hợp vào hoạt động giáo dục Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là môn mở giúp học sinh tìm hiểu môi trường giáo dục, xã hội, hướng phát triển xã hội và lựa chọn nghề nghiệp.
Theo đó, giáo viên môn Tin học, giáo viên môn Công nghệ (nhà trường dự kiến bỏ môn Công Nghệ) sẽ đồng hành cùng giáo viên chủ nhiệm dạy môn trên.
Nhà trường đang có ý tưởng thành lập các ban nhạc và hợp đồng với một thầy dạy Âm Nhạc để tạo nền tảng cho chương trình mới”.