Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hiện tại có khoảng 20 phương thức xét tuyển được các trường đại học áp dụng trong mùa tuyển sinh 2022 sắp tới. Bên cạnh phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chứng chỉ tiếng Anh IELTS, xét học bạ, xét tuyển thẳng, nhiều trường đại học trên cả nước cũng sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển. Vậy việc đa dạng về phương thức xét tuyển sẽ tăng cơ hội hay làm khó thí sinh?
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cho rằng, các trường sử dụng nhiều phương thức để tuyển sinh ở một góc độ nào đó cũng sẽ giúp thí sinh tăng thêm cơ hội bước vào cánh cửa đại học.
Tuy nhiên, để công tác tuyển sinh diễn ra thuận lợi, tránh xảy ra tiêu cực, các trường nên có khảo sát cụ thể về tính hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh kèm theo đánh giá chất lượng đầu vào.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
"Mỗi phương thức đều có ưu, nhược điểm riêng. Tôi lấy ví dụ như một số trường dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh bằng học bạ, cánh cửa vào trường đại học của thí sinh rộng mở hơn, song phương thức này cũng dễ dẫn đến tình trạng thiếu công bằng bởi một em học sinh giỏi của trường này có thể chỉ bằng một em học sinh khá của trường khác hoặc thậm chí là học sinh trung bình của một trường khác nữa. Đối với xét tuyển IELTS cũng vậy, không phải học sinh nào cũng có điều kiện để bỏ ra một khoản tiền tương đối lớn ôn luyện và thi đạt chứng chỉ.
Chưa kể việc các trường mở rộng xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi đánh giá tư duy... sẽ có rất nhiều trung tâm luyện thi mọc lên và đó cũng là thời cơ để những trung tâm "dỏm" trục lợi.
Đối với những em đã có nền tảng kiến thức tốt thì có thể tự học và luyện đề tại nhà. Cùng với đó, các em nên theo dõi thông tin tuyển sinh về ngành học, tư vấn hướng nghiệp của các trường để có được sự lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất cho mình", Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cho hay.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường cũng cần giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo công bằng cho thí sinh.
"Công tác tuyển sinh của trường còn phụ thuộc vào việc trường muốn có sinh viên như thế nào. Trường muốn chất lượng đầu vào tốt thì phải cân nhắc phương thức xét tuyển và chỉ tiêu cho các phương thức sao cho phù hợp, thuyết phục. Nếu mỗi phương thức có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức", Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung nhấn mạnh.
Cũng chia sẻ về vấn đề trên, thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên Hóa học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết, năm nay hầu hết học sinh và phụ huynh đều hoang mang khi các trường đưa ra quá nhiều phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, việc các trường đa dạng hóa phương thức tuyển sinh được xem như tất yếu và là xu thế chung để đảm bảo các trường tuyển đủ chỉ tiêu.
Những năm trước, học sinh chỉ học theo các khối dự định thi, thi xong biết điểm mới chọn trường, chọn ngành. Nhưng đối với năm nay, nếu vẫn giữ lối tư duy này thì các bạn sẽ đi ngược lại với xu hướng tuyển sinh.
Thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên Hóa học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
"Tư duy đúng là các bạn chọn cho mình một ngành, nghề phù hợp với năng lực của bản thân. Sau đó xem xét thực lực phù hợp với những nhóm trường nào rồi mới tìm hiểu đề án tuyển sinh của từng trường và phương thức nào là có lợi cho mình nhất thì đầu tư, tập trung ôn tập cho phương thức đó.
Tôi luôn khuyên các em nên tận dụng tối đa phương thức xét tuyển bằng hồ sơ. Nếu có giải thưởng học sinh giỏi, có điểm IELTS thì các em nên sử dụng để xét tuyển vào đại học".
Cũng theo thầy Ngọc, học sinh nên tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển bằng khối thi truyền thống, có thể cân nhắc lựa chọn thêm một phương thức mà bản thân cảm thấy phù hợp nhất để tăng cơ hội trúng tuyển, không nên ôn và thi cùng lúc nhiều kỳ thi.
"Thay vì tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy với rất nhiều môn thi thì đối với kỳ thi tốt nghiệp, các bạn học sinh chỉ cần tập trung cho khối thi truyền thống, cụ thể là 3 môn. 3 môn đó là 3 môn của khối thi các em đã xác định từ lâu, có thể là từ lớp 10 hoặc từ đầu lớp 12. Tôi thấy, nhiều em từ bỏ thế mạnh của mình để đầu tư cho một phương thức thi mới là rất dở, bỏ sở trường chiến đấu bằng sở đoản là điều không nên", thầy Ngọc đưa ra lời khuyên.