20 phương thức xét tuyển đại học: Có đảm bảo giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh?

22/03/2022 06:44
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: “Sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh dẫn tới những lo ngại về việc đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh và công bằng cho thí sinh”.

Tại Hội nghị trực tuyến tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, tuyển sinh đại học năm 2022 nhiều đổi mới liên quan đến công tác tuyển sinh năm 2022 đang được dư luận quan tâm.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau hai năm thực hiện mạnh mẽ việc giao tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, năm nay có đến 20 phương thức tuyển sinh sẽ được áp dụng.

Hiện có hiện khoảng 20 phương thức xét tuyển để tuyển sinh đầu vào đại học. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Hiện có hiện khoảng 20 phương thức xét tuyển để tuyển sinh đầu vào đại học. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trao đổi nội dung này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc các trường áp dụng đa dạng phương thức tuyển sinh, xét về Luật (Luật Giáo dục Đại học) là không sai, các trường được quyền quyết định phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, khi sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển có thể dẫn tới những ảnh hưởng không tốt đến chất lượng hoạt động tuyển sinh.

“Với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xem xét, liệu các trường có đủ năng lực, đủ tư cách để thực hiện những phương thức tuyển sinh đó không? Đối với từng phương thức tuyển sinh cụ thể, phương thức nào hợp lý có thể áp dụng, phương thức nào còn chưa hợp lý.

Nghị quyết số 29-NQ/TW (Mục III Nhiệm vụ, giải pháp) đã nêu rõ: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Vậy khi áp dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh, thí sinh tham gia vào những kỳ thi khác nhau của từng trường đại học tổ chức liệu có trái với tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW không? Có giảm áp lực và tốn kém cho người học hay không?”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu vấn đề.

Chỉ xét điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế là thiếu công bằng

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, có nhiều vấn đề cần đặt ra trong công tác tuyển sinh năm 2022, đặc biệt là việc sử dụng nhiều hình thức xét tuyển khác nhau.

Thứ nhất, thực tế là không phải trường đại học nào cũng đủ năng lực để tổ chức một kỳ thi riêng, không phải trường nào cũng ra được đề thi chất lượng. Ví dụ các trường sư phạm, các trường đại học đa lĩnh vực mới có đủ chuyên môn và năng lực để ra đề thi. Bởi lẽ, đây không phải kỳ thi dành cho một ngành nghề, lĩnh vực mà là kỳ thi dành cho học sinh trung học phổ thông, bao gồm các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay những môn văn hóa khác.

Vậy khi một trường đại học tổ chức kỳ thi riêng, cần phải xem xét chất lượng kỳ thi có đảm bảo không, kỳ thi có đảm bảo chất lượng nguồn tuyển đầu vào hay không?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét tính hợp lý của từng phương thức tuyển sinh để quyết định cho các trường áp dụng. (Ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét tính hợp lý của từng phương thức tuyển sinh để quyết định cho các trường áp dụng. (Ảnh: Tùng Dương)

Thứ hai, hiện nay có một số phương thức tuyển sinh không hợp lý, ví dụ như chỉ sử dụng phương thức tuyển sinh xét học bạ; chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển.

“Tuyển sinh dựa vào điểm học bạ sẽ khó có sự công bằng, vì hiện nay chất lượng kết quả điểm học bạ ở các trường phổ thông không đồng đều, trường chấm điểm chặt, trường chấm thoáng. Thậm chí sẽ còn những trường hợp mua điểm, làm đẹp hồ sơ học bạ của mình. Như vậy, rõ ràng phương thức này không đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh.

Hay việc xét tuyển chỉ dựa vào điểm thi IELTS, TOEFL cũng không công bằng với thí sinh. Bởi lẽ, những học sinh ở vùng khó khăn, không có điều kiện sẽ khó tham gia thi lấy các chứng chỉ Quốc tế này.

Tôi cho rằng, chúng ta chỉ nên lấy điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế làm tiêu chí phụ, còn nếu làm tiêu chí chính, là một phương thức tuyển sinh độc lập là không hợp lý”, Tiến sĩ Khuyến nhận định.

Thứ ba, việc các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh cũng đang đặt ra những vấn đề lo ngại, một số trường đưa ra những tổ hợp xét tuyển phi logic, thiếu hợp lý. Cụ thể như tuyển sinh ngành y nhưng trong tổ hợp xét tuyển lại không có môn Sinh học.

Trong quá trình tuyển sinh, các trường đại học phải lựa chọn tổ hợp môn học đúng với định hướng ngành nghề.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, hiện nay các trường đang làm theo kiểu “trăm hoa đua nở”, “vơ bèo vạt tép” để tuyển được nhiều sinh viên. Bởi lẽ hiện nay, ‘nguồn sống’ chủ yếu của các trường đều dựa vào học phí.

Tuy nhiên, việc áp dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh không những làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác tuyển sinh mà còn gây ra phiền hà, tốn kém cho người học, các em muốn thi vào những trường khác nhau phải tham gia những kỳ thi khác nhau do từng trường tổ chức.

“Vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải xem xét những vấn đề bất cập tồn tại trên. Cần tìm hiểu, xác định tính hợp lý của từng phương thức xét tuyển, để quyết định phương thức nào được áp dụng, phương thức nào không được áp dụng.

Các trường có quyền tự chủ nhưng tự chủ không có nghĩa là được thực hiện những việc thiếu tính hợp lý, nhà trường cần phải lý giải được, giải trình được với người học, với xã hội về việc làm của mình.

Việc áp dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh, hay sử dụng những phương thức như xét điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế liệu có đảm bảo công bằng hay không, có làm phiền hà cho người học hay không và có đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh hay không? Đây là vấn đề cần được xem xét, đánh giá lại.

Đối với việc trường tổ chức kỳ thi riêng, xét tuyển thẳng theo đề án của trường, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần có trách nhiệm giải trình về chất lượng kỳ thi, chất lượng tuyển sinh của đơn vị mình”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định.

Nhìn lại những bất cập trong công tác tuyển sinh năm 2021

Tại Hội nghị trực tuyến tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, tuyển sinh đại học năm 2022, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong công tác tuyển sinh năm 2021, các trường bổ sung nhiều phương thức xét tuyển kéo theo việc phân bổ chỉ tiêu không hợp lý, có sự tăng giảm mạnh qua các năm đã gây những ảnh hưởng nhất định cho thí sinh.

Một số trường còn tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố với từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu đảm bảo công bằng đối với thí sinh, gây hệ quả không tốt trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, một số trường cũng tăng giảm, thêm bớt tổ hợp thi nhưng chưa đưa ra được căn cứ cụ thể để giải trình cho sự lựa chọn đó để xã hội đồng lòng. Các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau mà không có biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh.

Trong năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).

Linh Trang