Thực nghiệm SGK mới không có mục tiêu đánh giá phẩm chất, năng lực người học!

14/04/2022 06:48
Mạnh Đoàn
GDVN- Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Rỹ, việc thực nghiệm sách giáo khoa khó đạt hiệu quả so với trước đây do không được thực hiện với quy mô rộng.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT.

Theo đó, về yêu cầu và quy trình thực nghiệm sách giáo khoa được dư luận quan tâm.

Cụ thể, tổ chức thực nghiệm ít nhất 10% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 105 tiết/năm học trở lên, ít nhất 15% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 70 tiết/năm học đến dưới 105 tiết/năm học, ít nhất 20% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại.

Mỗi bài học được dạy thực nghiệm ít nhất 2 lần, sau lần dạy thực nghiệm thứ nhất, tổ chức rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bài học trước khi tổ chức dạy thực nghiệm lần thứ hai.

Cơ sở giáo dục phổ thông được lựa chọn để tổ chức dạy thực nghiệm bảo đảm tính đại diện vùng, miền; lớp học sinh được lựa chọn để tổ chức dạy thực nghiệm thuộc khối lớp có sách giáo khoa được thực nghiệm. Việc dạy thực nghiệm được thực hiện đối với học sinh toàn lớp vào thời điểm phù hợp với năng lực của học sinh...

Để có thêm thông tin liên quan đến các nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Rỹ (Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam).

Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Rỹ. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Rỹ. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

PV: Ông có đánh giá như nào về Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT, trong đó có nội dung chi tiết về thực nghiệm sách giáo khoa?

Phó giáo sư Vũ Trọng Rỹ: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 33/2017 là điều bình thường, không có gì thắc mắc.

Tuy nhiên, tôi quan tâm về yêu cầu và quy trình thực nghiệm sách giáo khoa. Tôi đánh giá tác dụng việc thực nghiệm sách giáo khoa sẽ rất hạn chế, so với cách tổ chức thực nghiệm sách khoa của năm 2000 (sách giáo khoa hiện hành). Bởi lẽ, khi đó người ta thực hiện dạy thực nghiệm sách giáo khoa ở tiểu học, trung học cơ sở ở hàng trăm huyện trên toàn quốc trong một năm, rồi đến năm sau mới bắt đầu triển khai đại trà.

Trong khi đó, việc thực nghiệm bây giờ là tùy theo số tiết của mỗi môn, phải đảm bảo 10% - 20% tổng số tiết.

Theo tôi, việc thực nghiệm trên sẽ không có hiệu quả so với cách thực nghiệm trước đây.

Được biết, ông là một trong các thành viên biên soạn sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 6 (đã được đưa vào giảng dạy), lớp 7 (đã được duyệt) trong bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống. Thực tế, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có mục tiêu giáo dục học sinh phổ thông để rèn luyện tốt 5 phẩm chất và 10 năng lực. Được biết, chương trình các môn học và sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy khi triển khai đều hướng tới mục tiêu này. Vậy việc thực nghiệm sách giáo khoa đã có công cụ để đánh giá sách có đạt được mục tiêu này không, thưa ông?

Phó giáo sư Vũ Trọng Rỹ: Việc thực nghiệm sách giáo khoa không có mục tiêu đánh giá phẩm chất, năng lực người học như thế nào. Thực nghiệm chủ yếu là xem nội dung sách giáo khoa có phù hợp và vừa sức với học sinh hay không, đồng thời giáo viên cùng học sinh có chấp nhận nó hay không.

Bên cạnh đó, dạy thực nghiệm giúp đánh giá cấu trúc của cuốn sách có phù hợp, thuận lợi cho việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Từ bài thực nghiệm sẽ suy ra bài khác.

Đối với môn Khoa học tự nhiên của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, thì cấu trúc của sách giáo khoa mới phát huy cao độ tính tích cực, chủ động của học sinh, không trình bày kiến thức ở dạng có sẵn, mà để cho học sinh thông qua hoạt động chiếm lĩnh lấy tri thức. Và tri thức đó gắn liền với học tập và cuộc sống hàng ngày.

Nhà xuất bản chịu trách nhiệm thử nghiệm để xem nội dung phù hợp hay không, kiến thức có nặng quá và giáo viên có chấp nhận sách giáo khoa hay không.

Vậy theo ông tại sao việc thực nghiệm sách giáo khoa không được thực hiện như trước đây? Đồng thời đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018, phải làm sao để đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh được chính xác?

Phó giáo sư Vũ Trọng Rỹ: Trước đây, chúng ta thực nghiệm xong thì bồi dưỡng, cho đến lúc triển khai đại trà mất rất nhiều năm. Trong khi đó, thực tế hiện nay thì không cho phép làm như ngày xưa về mặt thời gian, bởi vậy việc thực nghiệm trước đây có độ tin cậy cao hơn nhiều vì thực nghiệm được rộng hơn.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Hiện nay, về đánh giá kết quả giáo dục được quy định tại Thông tư 27/2020 và Thông tư 22/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nội dung 2 Thông tư này mang nặng tính chất quản lí nhà nước về việc đánh giá kết quả giáo dục, chứ không thể dựa vào đó để đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh. Muốn đánh giá được thì phải có hướng dẫn nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có tài liệu hướng dẫn cụ thể.

Hiện nay, Bộ Giáo dục có chương trình nghiên cứu khoa học xây dựng chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất học sinh trong các môn học của hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Vừa qua Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng tổ chức hội thảo: "Xây dựng chuẩn đánh giá phẩm chất và năng lực của tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018". Ở Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam cũng có một số báo cáo ban đầu nhưng chưa xây dựng được chuẩn đánh giá phẩm chất, năng lực của tất cả các môn học và hoạt động giáo dục.

Theo tôi cần có văn bản hướng dẫn chung cho mọi môn học và mọi hoạt động.

Trân trọng cảm ơn Thầy!

Mạnh Đoàn