Xây dựng, phát triển, đổi mới đào tạo trong hệ thống trường trung học phổ thông chuyên đang là vấn đề được quan tâm hiện nay. Luật Giáo dục 2019 nêu rõ, một trong những nhiệm vụ của trường chuyên là “phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.
Nhìn nhận lại vai trò, nhiệm vụ của trường chuyên, nhiều chuyên gia cho rằng cần có một chiến lược mới trong việc phát triển hệ thống trường chuyên hiện nay.
Xây dựng trường chuyên thành trường học thông tuệ
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, việc xây dựng, phát triển trường chuyên với mục đích ban đầu rất tốt đẹp, nhằm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân tài cho đất nước, khẳng định trí tuệ thông minh của người Việt Nam. Song, vẫn còn tồn tại một số điều bất cập, những “khoảng trống” trong vấn đề đào tạo học sinh chuyên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, bản chất của nền giáo dục phải hướng đến sự nhân văn, hướng đến ba giá trị “Chân – Thiện – Mỹ”. (Ảnh: PM) |
“Cần nhìn lại bắt đầu từ tên gọi ‘trường chuyên’, ‘chuyên’ thường là chuyên về một môn học, một lĩnh vực. Trong khi chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục toàn diện, bên cạnh dạy học kiến thức còn chú trọng dạy học phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
Ở một số quốc gia phát triển không có hệ thống trường chuyên mà họ xây dựng những trường học thông tuệ, trường học Power - bao gồm 5 yếu tố cơ bản: Planning (Người học vạch ra kế hoạch phù hợp với hoàn cảnh của bản thân); Organizing (Người học tổ chức thực hiện kế hoạch); Working (Người học có chương trình làm việc một cách Khoa học theo kế hoạch đề ra); Evaluating (Người học tự đánh giá kết quả học tập của mình); Recognizing (Người học tự xây dựng nhận thức mới cho bản thân qua từng quá trình).
Rõ ràng, mục đích ban đầu khi xây dựng hệ thống trường chuyên là rất tốt, nhưng sau khi học sinh trường chuyên tham gia và giành được một số giải quốc tế, chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy của những cuộc chạy đua thành tích đỉnh cao. Chúng ta quá chú trọng những yếu tố có thể đo lường của giáo dục như kiến thức mà quên mất những mục tiêu khó đo lường khác, như mục tiêu phát triển thể chất, đạo đức, ý thức công dân, năng lực mỹ thuật,... Hình dung về ‘giáo dục là gì và phải như thế nào’ vô tình bị thu hẹp lại, đây là điều phải nghiêm cẩn suy nghĩ”, thầy Bảo nhận định.
Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cũng cho rằng, hệ thống trường chuyên đã gặt hái được nhiều thành tựu nhưng cũng để lại không ít những “khoảng trống” trong nền giáo dục. Khi theo đuổi thành tích quá nhiều, sự phân hóa trong mỗi trường học lại càng rõ nét, những học sinh giỏi được biểu dương, khen ngợi, còn những học sinh chưa có thành tích ít được quan tâm. Điều này vô tình làm giảm đi giá trị nhân văn trong giáo dục.
Xét cho cùng, bản chất của nền giáo dục phải hướng đến sự nhân văn, hướng đến ba giá trị “Chân – Thiện – Mỹ”.
Bác Hồ đã từng dạy: “Thiện ác nguyên lai vô định tính - Đa do giáo dục đích nguyên nhân” (Hiền dữ nào phải đâu tính sẵn - Phần nhiều do giáo dục mà nên). Giáo dục thực chất là phải tạo nên những giá trị nhân bản, tốt đẹp.
Chúng ta cần nhận thức rõ mục tiêu của giáo dục bao gồm: giáo (dạy) và dục (nuôi dưỡng), cần phải dạy 4 thứ: kiến thức, thái độ, kỹ năng, hành vi và nuôi dưỡng 3 thứ: thể lực, tâm lực, trí lực.
Vậy nên, dù mục đích, vai trò, nhiệm vụ của trường chuyên là gì, chúng ta cũng phải hướng đến bản chất của giáo dục, mục tiêu chung của giáo dục và không thể đi lệch con đường ấy. Phải nhớ rằng, mục đích chính của giáo dục là phải chuẩn bị cho học sinh tham gia vào đời sống dân chủ của xã hội, hành động phù hợp với các nguyên tắc đạo đức và phát triển đời sống cá nhân lành mạnh.
Hiện nay, một số nhà trường, đặc biệt trường chuyên đang chạy theo mục tiêu dạy kiến thức, chạy theo thành tích mà bỏ quên nhiều giá trị quan trọng trong mục tiêu tam lập: lập chí, lập thân, lập nghiệp. Chúng ta làm được nhiều nhưng vẫn còn lắm những vấn đề ngổn ngang chưa trọn vẹn.
Chính vì vậy, từng nhà trường phải xác định và thực hiện đúng mục tiêu của giáo dục. Cha mẹ học sinh cũng cần tránh tạo áp lực thành tích lên con trẻ, để các em được học tập, vui chơi và phát triển trong môi trường giáo dục tích cực, tiến bộ, nhân văn.
“Nhìn lại lịch sử giáo dục Việt Nam, thời kháng chiến chúng ta đã ‘Có những mái trường xưa/Vừa chống càn vừa học/Giặc lui trong phút chốc/Thầy trò lại ngâm thơ’. Có những ngôi trường đã tiếp nối truyền thống kháng chiến như trường Trung học phổ thông Hùng Vương, Trường Trung học phổ thông Ngô Sĩ Liên, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng,…
Ngày nay, chúng ta đang hướng đến việc xây dựng Nhà nước kiến tạo. Nhưng muốn có Nhà nước kiến tạo phải có nền giáo dục kiến tạo, muốn có nền giáo dục kiến tạo thì phải dạy học kiến tạo. Phải thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lấy tự học làm cốt, có thảo luận và chỉ đạo giúp vào”, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo khẳng định.
Phát triển trường chuyên theo tâm nguyện của Nhà giáo Nguyễn Cảnh Toàn
Bàn về vấn đề phát triển hệ thống trường chuyên, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng, cần thay đổi cách thức đào tạo của trường chuyên theo mô hình nhà trường tư duy thông tuệ. Mỗi tỉnh cần có một trường chuyên để phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân tài.
Đồng thời, muốn hệ thống trường chuyên phát triển mạnh thì cần phải cho khối tư thục cùng tham gia xây dựng và đào tạo trường chuyên.
Cũng giống như nền kinh tế tư nhân đã tạo sức bật mạnh mẽ đưa kinh tế Việt Nam phát triển. Trong giáo dục, cũng cần có cơ chế để các trường tư cùng tham gia vào. Hệ thống giáo dục tư thục có thể có những sáng kiến mới tạo động lực cho giáo dục trường chuyên đi lên.
Song, Nhà nước cũng cần có trách nhiệm hỗ trợ khối tư thục tham gia vào trường chuyên. Nhà nước có nhiệm vụ phát triển hệ thống trường chuyên thành những trường học thông tuệ, giáo dục học sinh Việt Nam trở thành những con người thông tuệ.
Chúng ta khẳng định “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì phải xây dựng bằng mọi nguồn lực để đưa nền giáo dục cất cánh.
Đất nước nào cũng phải chú ý đến việc bồi dưỡng nhân tài, vì thế nên chúng ta có minh triết của những khẩu hiệu như: Nhà nước, nhân dân cùng làm; Trung ương, địa phương cùng làm. Chúng ta phải đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng và phát triển đất nước”.
Trong vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, thầy Bảo cũng đặt ra nhiều băn khoăn về vấn đề “chảy máu chất xám” hiện nay.
Nhiều học sinh giỏi ở các trường chuyên sau khi du học nước ngoài không trở về đất nước làm việc. Đây là một thực tế đau lòng, một “nan đề” mà chúng ta cần được nhìn nhận lại bản chất sâu xa của câu chuyện này.
“Chúng ta không giữ chân được người tài thì cần phải xem lại chính sách của mình, chính sách phải vừa có tính đãi ngộ vừa đảm bảo ứng nhân xử thế hợp lòng người.
Họ không trở về không phải là họ không yêu quê hương, cũng không chỉ vì vấn đề thu nhập mà còn bởi môi trường làm việc ở Việt Nam: chúng ta chưa tạo nên sự thu hút thực sự tốt.
Gốc rễ của vấn đề này là câu chuyện văn hóa. Văn hóa Việt Nam có rất nhiều thành tựu đáng để chúng ta tự hào, nhưng cũng còn những vấn đề đáng lo ngại: Người có tài thường bị đố kỵ. Nếu chúng ta thiếu chính sách đãi ngộ, thiếu sự ứng xử trân trọng với người tài thì làm sao có thể giữ chân họ cống hiến cho quê hương”, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo trăn trở.
Chính vì vậy, xây dựng phát triển hệ thống trường chuyên là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, điều này cần gắn với mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật” mà toàn ngành đã đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Cũng theo thầy Bảo, việc phát triển, đào tạo các trường “chuyên” trong bối cảnh hiện nay cần ôn lại tâm nguyện của Thầy Nguyễn Cảnh Toàn.
Theo dõi tiến trình đổi mới Giáo dục, thầy Toàn bày tỏ những vui mừng về các thành tựu, nhưng thầy cũng đầy trăn trở, lo âu khi nhận xét: Nhiều nhà trường hiện nay đang hoạt động theo kiểu 2-4-8; đó là sự dạy học gò bó trong 2 bìa sách giáo khoa, đóng khung trong bốn bức tường khép kín và giới hạn theo cung cách tám giờ làm việc hành chính quan liêu.
Thầy Toàn nhận xét một bộ phận thế hệ học sinh ngày nay ra trường: về hình thức thể chất cao to hơn, về trí tuệ lanh lợi hơn, nhưng họ lại đang ít sự tử tế, sự đam mê, sự bản lĩnh như cha anh họ.
Tâm nguyện của thầy Nguyễn Cảnh Toàn là xây dựng nhà trường 4-6-10 và từ bỏ Nhà trường 2-4-8, trong đó, thầy trò sống theo phương châm “Thi ân mạc niệm, thụ ân mạc vong”.
Kiến giải về Nhà trường 4 – 6 -10, Thầy Nguyễn Cảnh Toàn đã từng chia sẻ, số 4 nghĩa là dạy theo “4 sức”: Sức chứa của trò; Sức hút của trò; Sức thấm của trò; Sức chế biến của trò.
Số 6 nghĩa là học theo “6 mọi”: Học mọi nơi, học mọi lúc, học mọi vấn đề, học mọi người, học bằng mọi cách, học trong mọi hoàn cảnh.
Số 10 nghĩa là thầy trò kiến tạo 10 tư duy: Tư duy logic, tư duy hình tượng, tư duy biện chứng, tư duy ngôn ngữ, tư duy quy trình (Angorit), tư duy khoa học chứng nghiệm, tư duy kỹ thuật công nghệ, tư duy chính trị, tư duy kinh tế, tư duy quản lý.
Mang theo những hành trang tư tưởng này vào cuộc kháng chiến, rồi sau này vào sự nghiệp kiến quốc, thầy Nguyễn Cảnh Toàn và những người cùng thế hệ đã cố gắng đóng góp trí tuệ, tâm huyết để xây dựng Giáo dục Việt Nam theo Tam hóa: Hiện đại hóa tinh hoa giáo dục của tiền nhân, Việt Nam hóa giá trị tiên tiến của Thế giới và Lành mạnh hóa đời sống giáo dục; dạy học trong các nhà trường sao cho “Trường ra Trường, Lớp ra Lớp, Thầy ra Thầy – Trò ra Trò, Dạy ra Dạy – Học ra Học” như lời căn dặn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.