Ngày 1/4, câu chuyện nam sinh trường chuyên trèo qua ban công căn hộ ở tầng 28 tòa chung cư ở Hà Đông (Hà Nội) rồi nhảy xuống khiến dư luận bàng hoàng. Trước đó 1 ngày (ngày 31/3), nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh cũng đã treo cổ tự vẫn, để lại thư tuyệt mệnh rằng "mình sắp đi xa"...
Đã có không ít trẻ vì áp lực tuổi học trò mà dẫn đến những hành động tương tự khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh giật mình.
Những sự việc xảy ra liên tiếp, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng học sinh mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu ngày càng tăng, đặc biệt trong khoảng thời gian dài vì dịch bệnh bị hạn chế tiếp xúc, tham gia các hoạt động ngoài trời.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu trong một hội nhóm trên mạng xã hội có tên: “Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử”, số lượng người tham gia đã khiến phóng viên giật mình với hơn 25 nghìn.
Những bài đăng trong nhóm này thường mang tính tiêu cực, chia sẻ những áp lực hiện tại đang mắc và ý định kết thúc cuộc đời, phần lớn các em bày tỏ việc mình bị áp lực vì học hành điểm số và kỳ vọng của bố mẹ.
Tài khoản có tên Alma Trần chia sẻ: “Bố mẹ đang đặt nặng vấn đề về điểm số, em không thể nói chuyện được với họ vì cứ nói ra là bị chửi. Họ nói rằng học hành thì có gì mệt đâu, đi làm còn vất vả hơn nhiều lần.”
Nhóm kín trên mạng xã hội có tên: "Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử" có đến hơn 25 ngàn người tham gia. Ảnh: chụp màn hình |
Tài khoản Huỳnh Nhi bày tỏ tâm sự: “Em nay nay 19 tuổi thật sự từ lúc 17 tuổi em đã có ý định tự tử nhưng không đủ can đảm. Nhưng hiện tại em không muốn sống nữa, em chết thì không can đảm, sống tiếp thì không muốn, dở dở ương ương, đêm nào ngủ em cũng muốn ngủ mãi, mỗi ngày thức dậy là một nỗi đau tột cùng với em.. em thật sự bí đường lắm rồi.”
Tài khoản có tên Nguyễn Thanh Xuân: "Khủng hoảng tuổi 21 Mình hiện đang là sinh viên năm 3 của một trường đại học, và cho tới thời điểm này mình đã ở nhà được 6 tháng kể từ lúc nghỉ lễ 30/4.
Bản thân mình thì tự thấy mình học hành không giỏi, không những vậy còn học trái ngành nên việc học thật sự trở nên rất khó khăn, cộng với việc trong thời điểm hiện tại ở nhà không có việc làm, tiền không có, ngoại hình không, suốt ngày nghe bố mẹ nói nhiều về vấn đề ra trường nữa nên mình bị stress nặng.
Nhiều khi mình còn nghĩ đến cái chết, mình thấy mình thật là vô dụng không có sức để làm bất kỳ một việc gì, cơ thể bị mệt mỏi. Thật sự rất tồi tệ. Mình biết mình đăng lên cũng chẳng mong ai giúp mình cả, vì học cũng chỉ đưa ra lời khuyên thôi hoặc giải pháp nào đó. Những cái này đều là bản thân mình phải tự thoát ra, tự mình hết. Mình chỉ muốn biết trong nhóm có ai từng bị giống mình chưa và cách họ thoát khỏi cái màng bọc này như thế nào vậy? Cảm ơn mọi người đã đọc ạ:(("
Tài khoản Hoàng Bính Hằng: "Em năm nay học lớp 12. Em bị trầm cảm từ năm lớp 4 sau 1 số biến cố xảy ra. Năm lớp 7 và lớp 8 em đã từng tự tử. Nhưng sau khi thấy mẹ em khóc vì chuyện của em, em thấy rất hối hận vì đã làm cho mẹ buồn.
Tuy nhiên từ đó, em luôn bị ám ảnh rằng bản thân mình thật tồi tệ, mình không đáng sống. Mỗi đêm em đều k thể ngủ được. Hoặc ngủ rồi sẽ có lúc giật mình tỉnh dậy và luôn tự hành hạ chính bản thân em. Em thấy mệt mỏi lắm. Em muốn thoát ra khỏi sự tiêu cực này... nhưng thực sự em không làm được . Em phải làm sao đây ?"
Tài khoản Nguyễn Khánh: "chào mng (mọi người - Phóng viên) em là thành viên mới, đọc hết các bài viết của mọi người em ko kìm lòng được cũng muốn chia sẻ một chút. Em 16t. 4 tháng gần đây em bắt đầu bị mất ngủ, chán ăn, tiêu cực, ngày nào cũng muốn khóc. em cảm thấy trống rỗng không còn hứng thú với bất cứ việc gì nữa. Lúc nào trong người cũng cảm thấy mệt mỏi, khó chịu tới mức không thể ngồi yên được. em dần dần trở nên nhạy cảm, cáu gắt hơn với mọi người, không kiểm soát được cảm xúc của mình. đầu em lúc nào cũng đau như muốn nổ tung ra, uống bao nhiêu thuốc giảm đau cũng không hết. trước đây em đã từng uống 15v thuốc ngủ, em biết chỉ với từng ấy thuốc sẽ không chet đâu nhưng em muốn để mẹ nhận ra em đang gặp vấn đề. Em thật sự không biết nói chuyện với mẹ như thế nào để mẹ chở đi khám. vừa rồi có vụ nam sinh tu tu, em xem clip xong và bị ám ảnh, lúc nào trong đầu cũng có suy nghĩ muốn làm như bạn kia. Em thật sự cảm thấy rất bế tắc không biết nói như thế nào cho mọi người hiểu hết. Em muốn xin lời khuyên của mọi người để ngỏ lời với mẹ hay em tự đi khám. Ai có kinh nghiệm rồi cho em xin lời khuyên với ạ, em cảm ơn! "
Trên đây chỉ là một vài ý kiến trong số rất nhiều những tâm sự bế tắc của các em đang trong độ tuổi đến trường gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Ở tuổi vị thành niên, trẻ thường xuất hiện những dấu hiệu bất ổn về tâm lý chịu nhiều áp lực từ gia đình, xã hội.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu (Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương), cho rằng nguyên nhân của những hành động dại dột của trẻ đó là do trẻ có bệnh trầm cảm, tâm thần từ lâu nhưng không được bố mẹ phát hiện kịp thời.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu xem đây là một vấn đề đáng báo động hiện nay khi xã hội đang coi thường và kỳ thị bệnh tâm thần.
Trước giờ người ta cứ coi bệnh tâm thần là một bệnh của kẻ “điên” nhưng thực ra bệnh tâm thần là đề cập đến một loạt các tình trạng sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của một người,...
Nhiều đứa trẻ bị trầm cảm bệnh tiến triển nặng nhưng không được bố mẹ đưa đi khám vì ngại ngần, xấu hổ. Nếu đi khám sớm bệnh viện sẽ xác định được tình trạng để có phương pháp điều trị thích hợp, có thể dùng thuốc hoặc điều trị tâm lý.
Bố mẹ là người lớn nhưng chưa được trang bị nhiều kỹ năng làm cha làm mẹ, con cái hồn nhiên, không thể hiểu biết hết được.
Trong giai đoạn dịch bệnh, bệnh trầm cảm có nguy cơ xuất hiện và trở nên nặng hơn nhiều. Có những trường hợp tiềm ẩn mắc bệnh tâm thần thì xuất hiện còn những trường hợp có sẵn bệnh thì nặng hơn, có những người đang uống thuốc thì sẽ có ý định tự tử.
Bác sĩ Thu nói rõ: “Dịch bệnh diễn ra trong thời gian dài gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ. Trẻ em không phải đến trường, chỉ loanh quanh trong bốn bức tường, hạn chế giao tiếp xã hội. Khi ở nhà, các em có thể còn chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã, to tiếng dẫn đến hình thành tâm trạng u uất, bức xúc.”
Bác sĩ Thu: “Bệnh tâm thần không chừa một ai, tất cả đều có nguy cơ mắc, vì vậy chúng ta nên có cái nhìn thoáng và công tâm hơn những người đang mắc bệnh trầm cảm.”
Qua những sự việc lần này, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu khuyên các bậc cha mẹ học sinh: “Các phụ huynh cần phải biết chăm sóc đến sức khỏe tinh thần của con, đừng có nghĩ con cái khỏe mạnh là không phải lo. Nhiều khi con ngại giao tiếp, vác mặt nạ để cố tỏ ra bình thường nhưng về nhà bố mẹ cần quan tâm xem con cái có gì bất thường
Bây giờ thông tin đầy rẫy trên mạng, không có lí do gì mà cha mẹ không tìm hiểu được. Những triệu chứng của căn bệnh tâm thần như mất ngủ, mệt mỏi, bồn chồn, lo lắng, kết quả học tập giảm sút không phải do con kém thông minh mà do mất tập trung không thể học và hiểu bài. Những điều này cha mẹ cần phải quan tâm sát sao đến con cái.”
Trẻ đang gặp rất nhiều áp lực chính từ sự lơ đãng của người lớn. Ảnh minh họa: Tùng Dương |
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu chỉ ra hai vấn đề lớn cần giải quyết:
Một là, xã hội đang có cái nhìn không mấy thiện cảm về người có tâm thần, đây là căn bệnh tạm thời có thể chữa được hoàn toàn do vậy mọi người xung quanh đừng xúc phạm, ngay cả cha mẹ khi thấy con có biểu hiện trầm cảm phải đưa đi khám ngay.
Hai là, xã hội cần thay đổi tư duy, coi trọng sức khỏe tâm thần của chính bản thân mình. Phải xem nó quan trọng ngang như sức khỏe thể chất.
Theo Unesco thì một con người mạnh khỏe, phát triển hạnh phúc. phải đảm bảo được 3 yếu tố: thể chất, tinh thần và xã hội.
Bác sĩ Thu cũng cho rằng: “Trước đến nay chúng ta đang xem thường sức khỏe tinh thần, chỉ đến khi dịch bệnh covid kéo đến thì từ khóa đấy mới được quan tâm, nhưng hiện nay vẫn đang như muối bỏ bể. Sức khỏe tinh thần cần phải được chăm sóc đúng mức vì nó gây chết người còn nguy hiểm hơn căn bệnh nào khác.”
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù tự tử xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 ở các trẻ từ 15- 19 tuổi trên thế giới. Theo Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố, trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên tự tử trên thế giới.