Cha mẹ, thầy cô cần lưu ý nguy cơ trầm cảm, stress của con em

07/06/2020 07:36
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một em học sinh buồn là do mẹ nhiều ngày không nói chuyện với em, còn em nữ sinh còn lại là do bạn bè cũng lớp giận hờn, không nói chuyện, nên em bị stress.

Chỉ trong một buổi sáng ngày 2/6/2020, tại Trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã có tình trạng hai học sinh nữ lớp 9 buồn, khóc lóc dữ dội trong lớp học.

Theo cô Lê Thị Thanh Giang – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, ngay sau khi giáo viên chủ nhiệm đang đứng tiết bộ môn ở lớp 9 này phát hiện ra nhiều dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý ở hai em nữ sinh nói trên, cô đã đề nghị hai em xuống phòng y tế của trường nằm nghỉ.

Tại đây, cùng với nhân viên tham vấn tâm lý, hai em học sinh này đã được hỏi han, động viên, tâm sự. Phụ huynh của các em cũng ngay lập tức được mời tới, nghe rõ câu chuyện.

Qua tìm hiểu từ phía nhà trường, một em học sinh buồn là do mẹ nhiều ngày không nói chuyện với em, còn em nữ sinh còn lại là do bạn bè cũng lớp giận hờn, không nói chuyện, nên em bị stress, mất ổn định về mặt tâm lý.

Phụ huynh của em nữ sinh này giải thích: Do nhà có ông bị ốm, mẹ phải nghỉ làm để chăm sóc, nhà có nhiều việc nên không có nhiều thời gian để nói chuyện với con.

Cô Lê Thị Thanh Giang nhấn mạnh: Trong trường hợp này, nhà trường đã xử lý rất kịp thời, nhanh chóng, tránh để xảy ra tình trạng phản ứng dây chuyền, vì lớp học của các em có học sinh khuyết tật, trẻ hòa nhập.

Liên tiếp xảy ra tình trạng học sinh mất ổn định về mặt tâm lý trong trường (ảnh minh họa: ANTĐ)

Liên tiếp xảy ra tình trạng học sinh mất ổn định về mặt tâm lý trong trường (ảnh minh họa: ANTĐ)

Những ngày sau đó, hai học sinh nữ này đi học bình thường, tâm lý trở lại ổn định.

Cũng tại trường Trần Văn Ơn, vào năm ngoái cũng có một em học sinh lớp 8, do nghiện games online, nên em này một hôm đi học cũng có biểu hiện bất thường về mặt tâm lý. Các giáo viên của nhà trường cũng đã ngay lập tức có những biện pháp can thiệp đúng lúc.

Theo cô Lê Thị Thanh Giang, đối với những học sinh có biểu hiện bất thường như vậy, các giáo viên bộ môn, và nhất là giáo viên chủ nhiệm của lớp phải chịu khó quan sát, tìm hiểu, chú ý trong giờ dạy của mình, tuyệt đối không để các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Vị Hiệu trưởng này chia sẻ: Học sinh ngày nay có rất nhiều áp lực, nhất là về mặt học tập, thi cử, bài kiểm tra, mối quan hệ với ba mẹ, bạn bè…

“Tốt nhất là phụ huynh không nên làm áp lực lên học sinh ở kết quả học hành, thi cử, làm áp lực, khiến cho học sinh lo lắng…”.

Dưới góc độ của một chuyên gia về tâm lý học, tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng, những tình huống bất ngờ với học sinh, thường xuất phát từ các em học ở bậc trung học cơ sở, nhất là với lớp 9 là nhiều nhất.

Đây là một giai đoạn cực kỳ nhạy cảm, có nhiều biến đổi về mặt tâm sinh lý, nhưng có thể phụ huynh vẫn chưa kịp thời thích ứng theo sự biến đổi của các em.

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An đưa ra ví dụ: Có thể các em chưa tìm được tiếng nói chung với ba mẹ, có thể có mâu thuẫn, nhưng ba mẹ đã không kịp thời tương tác với các con như thời còn ở bậc tiểu học, nên dễ xảy ra sự lệch pha trong giao tiếp hàng ngày.

Hoặc là có thể các em bị phụ huynh tạo ra áp lực về mặt học tập, còn về mặt bạn bè thì luôn được các em đề cao, một bộ luật tình bạn được hình thành, nhưng có khi phụ huynh lại không tán thành các em chơi với bạn này, bạn kia mà không giải thích “thấu tình, đạt lý” mà lại dùng biện pháp áp đặt.

Giai đoạn này, các em học sinh cũng hay có sự thay đổi về mặt giới tính, mà phụ huynh lại không cập nhật kịp thời các thông tin khoa học về vấn đề này, mà chỉ tỏ ra cấm đoán, răn đe.

Tốt nhất, theo tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, với các học sinh trong độ tuổi trung học cơ sở, phụ huynh nên chịu khó lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những điều mà các con chia sẻ, khuyến khích các con nói ra những vấn đề mà mình đang gặp phải.

Nếu không được can thiệp kịp thời, phụ huynh không quan tâm thì rất có thể, các em sẽ có những hành động, hành vi tiêu cực.

“Khi các em có sự cân bằng về mặt tâm sinh lý, thì chắc chắn ba mẹ sẽ có một sự đồng hành tốt với các con trong giai đoạn cực kỳ nhạy cảm này của cuộc đời.” – tiến sĩ Đào Lê Hòa An kết luận.

Việt Dũng