Bộ Giáo dục nên hướng dẫn quy đổi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo

20/04/2022 09:06
Nhật Khoa
GDVN- Nếu không được quy đổi từ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức có nghĩa hàng triệu giáo viên sắp tới phải tiếp tục bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để học chứng chỉ.

Vấn đề bất cập chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiếp tục là đề tài nóng được giáo viên cả nước quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Trên các phương tiện truyền thông nói chung, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nói riêng đã có loạt bài viết phản ánh về bất cập của việc đào tạo, cấp chứng chỉ trên và những phản ánh về tính hiệu quả của nó.

Bản thân tôi là giáo viên rất ngạc nhiên với việc xuất hiện chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên, giáo viên dạy 10 - 20 năm đạt nhiều danh hiệu thi đua, nhiều người có nhiều bằng khen, giấy khen, có người là nhà giáo ưu tú,... vẫn cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như chứng chỉ hành nghề, giấy phép con trong hành nghề thì vô cùng bất hợp lý.

Từ năm 2021, giáo viên có thể phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức “mới”?

Từ năm 2015 khi xuất hiện chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT (được thay thế bằng chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT) thì giáo viên phải “chạy” để có được các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng I, II, III từ mầm non đến trung học phổ thông (gọi là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức “cũ”).

Trong bài viết “Còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên còn mất tiền, bỏ được không?” tác giả Mỹ Tiên đã nêu trước đây “cả nước có khoảng 1,2 triệu giáo viên, mỗi giáo viên bỏ tiền túi 5 triệu đồng để học 1 chứng chỉ (kể cả chi phí khác) thì giáo viên đã tốn đến hơn 6.000 tỷ đồng mà không mang lại hiệu quả gì trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.”

Theo tìm hiểu của người viết, sau nhiều lần “thúc ép” từ nhiều phía thì hiện nay gần như tất cả giáo viên ở tất cả cấp học mầm non, phổ thông mà người viết biết đều đã có ít nhất 1-2 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp “cũ” trên để hy vọng được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp mới, thăng hạng.

Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp mới, xếp lương mới, nhiều giáo viên ngóng chờ từ năm 2015 đến nay chưa thấy đâu, nhưng giáo viên đã phải bỏ tiền túi, tốn kém thời gian học chứng chỉ là thật.

Ảnh minh họa: Vov.vn

Ảnh minh họa: Vov.vn

Nếu không được quy đổi từ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức “cũ” sang “mới”, nhà giáo cả nước lại phải bỏ ra rất nhiều tiền trong khi đồng lương còn eo hẹp

Giáo viên đã tốn quá nhiều tiền cho các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng trước đây mà vẫn chưa được chuyển hạng, nhiều người lại lo ngại sắp tới sẽ xuất hiện thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (gọi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức “mới”) vì ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Khoản 3 Điều 18 quy định: “3. Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp….”

Cũng trong bài viết “Còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên còn mất tiền, bỏ được không?” tác giả Mỹ Tiên đã nêu vấn đề: “Điều khiến người viết và rất nhiều đồng nghiệp đang đứng lớp đặc biệt quan tâm là các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng mà giáo viên đã có có được quy đổi thành "chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành" theo Nghị định 89/2021/NĐ-CP hay không?

Nếu không, chúng tôi có phải học và thi lấy 1 chứng chỉ "chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành" mới theo Nghị định 89/2021/NĐ-CP?”.

Sẽ rất thiệt thòi nếu giáo viên không được quy đổi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức “cũ” sang “mới”.

Nếu không được quy đổi từ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức từ “cũ” sang “mới” có nghĩa hàng triệu giáo viên sắp tới phải tiếp tục bỏ ra rất nhiều tiền để tiếp tục học 6-8 tuần và lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức “mới”, trong khi đồng lương còn eo hẹp.

Nếu điều này xảy ra, sẽ gây ra những bức xúc rất lớn đối với giáo viên.

Còn nếu được quy đổi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức từ “cũ” sang “mới” thì giáo viên đang công tác đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trước đây sẽ không phải học chứng chỉ “mới”.

Tuy nhiên, những giáo viên mới ra trường và những giáo viên chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp “cũ” sẽ phải học để có chứng chỉ “mới” trên, cũng sẽ tốn một khoản kinh phí không hề nhỏ.

Trước đây, tại các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng I, II, III chỉ dùng cho giáo viên có nhu cầu thi, xét thăng hạng nhưng tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP quy định để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức thì phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (chứng chỉ “mới”).

Theo quan điểm người viết, với quy định trên có nghĩa là 100% giáo viên để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành “mới” (trừ trường hợp được quy đổi từ “cũ” sang “mới”).

Đã từng có nhiều phản ánh về tiêu cực trong việc tổ chức, cấp phát chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trước đây. Nên nếu tiếp tục xuất hiện chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức “mới” thì lo lắng tiêu cực vẫn còn đó.

Giáo viên đã học tại trường sư phạm được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và cấp phép theo Luật Giáo dục, giáo viên đã được đào tạo bài bản, khoa học về kiến thức, năng lực, phẩm chất, tâm lý học sinh, ứng xử, thực tập,… theo quy trình chặt chẽ nên đã đủ điều kiện giảng dạy theo quy định tại Luật Giáo dục mà không cần có thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Qua bài viết, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ lưỡng về tính khả thi, hiệu quả của chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức để tham mưu Chính phủ tiến tới bỏ chứng chỉ trên.

Nếu chưa bỏ được thì nhanh chóng ban hành văn bản giáo viên được quy đổi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức từ “cũ” sang “mới” để giáo viên yên tâm công tác, hãy để thời gian cho giáo viên tập trung vào giảng dạy, học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp,… mà không phải “chạy” các “giấy phép con” trên.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nhật Khoa