Bộ cứ quy định cấm thu tiền, giáo viên học bao nhiêu chứng chỉ cũng được

18/04/2022 08:53
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi học chứng chỉ chức danh mà không phải móc hầu bao để trả, dù có vất vả, có mệt thì giáo viên vẫn luôn nỗ lực, luôn cố gắng tham gia một cách đầy trách nhiệm.

Câu chuyện về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên từ lâu đã trở thành nỗi bức xúc của nhiều nhà giáo. Bởi, vì chứng chỉ giáo viên đã tốn không biết bao nhiêu tiền đi học.

Vì những quy định về chứng chỉ ở từng hạng chức danh chưa thật rõ ràng trong các Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT nên nhiều thầy cô giáo đã học sai hạng nên mất một khoản tiền không hề nhỏ. Do đã quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về xếp hạng, thăng hạng viên chức đối với giáo viên là viên chức, nên cho đến thời điểm này vẫn không thể bỏ được các chứng chỉ.

Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên (Ảnh minh họa: VOV.vn)

Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên

(Ảnh minh họa: VOV.vn)

Quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Ngày 18/10/2021 Chính phủ đã ban hành trong Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Khoản 3 Điều 18 Nghị định 89/2021/NĐ-CP ghi rõ:

3. Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.

Nghĩa là, giáo viên cũng buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như nhiều viên chức khác nếu muốn bổ nhiệm vào hạng chức danh.

Khách quan nhìn nhận, việc quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong Nghị định 89/2021/NĐ-CP đã có nhiều ưu điểm khi cùng lúc đã giảm được cho nhà giáo 2 chứng chỉ (trước đây, mỗi hạng chức danh quy định phải có một chứng chỉ nghề nghiệp thì nay chỉ còn một).

Thực ra, yêu cầu có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hay bỏ hẳn với các thầy cô vẫn không là mối bận tâm. Điều mà giáo viên quan tâm nhất là vấn đề tài chính.

Nếu học chứng chỉ miễn phí như giáo viên đang học bồi dưỡng thường xuyên, học bồi dưỡng chứng chỉ các modul theo chương trình mới thì cũng không ai bận tâm nhiều.

Đằng này, học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp lại phải bỏ ra một khoản tiền gần nửa tháng lương hoặc gần cả tháng lương đối với giáo viên mới ra trường. Trong khi, cái chứng chỉ ấy cũng chỉ có tác dụng về kẹp hồ sơ nên ai cũng thấy tiếc nuối và ấm ức.

Thế nhưng, đã là quy định chung “Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp” mà yêu cầu bỏ là vô cùng khó, ít nhất trong giai đoạn Nghị định 89/2021/NĐ-CP vừa có hiệu lực.

Tuy nhiên, điều cần thay đổi là hình thức tổ chức học chứng chỉ, là cách thức thực hiện để giáo viên vừa có chứng chỉ chức danh đúng quy định, vừa không mất một khoản tiền vô ích.

Đề xuất giải pháp

Thứ nhất, đưa nội dung chương trình bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vào thẳng các trường sư phạm coi như một môn học bắt buộc. Sinh viên phải hoàn thành nội dung học tập này như nhiều môn học khác và sau khi hoàn thành sẽ được cấp chứng chỉ công nhận.

Khi giáo sinh nào được công nhận đã tốt nghiệp đồng nghĩa với việc đã có một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Điều này sẽ mang lại vô số mặt lợi như các thầy cô giáo không phải bỏ thời gian trong khi đang lo chuyện giảng dạy để theo học lấy chứng chỉ.

Giáo viên không phải bỏ tiền trong khi lương còn quá thấp để lo học phí, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Thứ hai, thiết kế các nội dung kiến thức cần học trong chương trình bồi dưỡng chứng chỉ chức danh thành các module để giáo viên tự học như chương trình sách giáo khoa mới hiện nay.

Sau khi các thầy cô hoàn thành đầy đủ yêu cầu trong các module tự học, sẽ được công nhận đã hoàn thành khóa học và được cấp giấy chứng nhận có chứng chỉ.

Cách này, giáo viên nào cũng phải tự học, lại chất lượng hơn nhiều kiểu ghi danh ào ạt, học cấp tốc như nhiều lớp chức danh đang mở trong thời gian vừa qua.

Thứ ba, tổ chức cho giáo viên tự học nội dung kiến thức như việc học bồi dưỡng thường xuyên hàng năm. Cuối khóa (thường cuối năm học), các thầy cô sẽ có một bài kiểm tra để xét hoàn thành khóa học. Cách này cũng giống giải pháp thứ hai, giáo viên sẽ phải học để hoàn thành bài học của mình.

Khi việc học lấy chứng chỉ chức danh mà không phải móc hầu bao để trả, dù có vất vả, có mệt một chút thì giáo viên vẫn luôn nỗ lực, luôn cố gắng tham gia một cách đầy trách nhiệm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết